(vhds.baothanhhoa.vn) - Cố nhạc sĩ đã dành nhiều tình cảm, gửi gắm nhiều tâm sự, nỗi niềm về người mẹ thông qua những sáng tác, trang viết lay động trái tim nhiều thế hệ công chúng yêu nghệ thuật.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những sáng tác về Mẹ

Cố nhạc sĩ đã dành nhiều tình cảm, gửi gắm nhiều tâm sự, nỗi niềm về người mẹ thông qua những sáng tác, trang viết lay động trái tim nhiều thế hệ công chúng yêu nghệ thuật.

“Huyền thoại mẹ”: Tượng đài âm nhạc viết về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Mỗi khi nghĩ về những hy sinh, mất mát, công lao, đóng góp của người mẹ trên dải đất hình chữ S này, lòng mỗi chúng ta không khỏi rưng rưng xúc động khi nghĩ về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Trịnh Công Sơn cũng không là ngoại lệ. Bằng tài năng, tâm hồn nhạy cảm của mình, ông gửi lòng mình vào từng khuông nhạc, viết nên “huyền thoại mẹ” sống mãi với thời gian. Ít ai biết được rằng, “huyền thoại mẹ” chính là tác phẩm được bắt nguồn cảm hứng từ câu chuyện về mẹ Suốt: “Một tay lái chiếc đò ngang/Bến sông Nhật Lệ, quân sang đêm ngày […] Ngẩng đầu, mái tóc mẹ rung/Gió lay như sóng biển tung, trắng bờ...” (Mẹ Suốt, Tố Hữu).

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những sáng tác về Mẹ

Mẹ luôn là nguồn cảm hứng dạt dào cho các cây viết sáng tác.

“Đêm chong đèn ngồi nhớ lại” - Câu hát cứ trở đi trở lại theo từng dòng kí ức - những dòng kí ức về người mẹ anh hùng, kiên cường, ấm áp, bao dung. Dáng mẹ gầy đứng dưới cơn mưa để “che đàn con nằm ngủ”, “canh từng bước quân thù”. Người mẹ ấy không quản hiểm nguy, gian khó đưa đường, chỉ lối an toàn con đi: “Mẹ lội qua con suối/Dưới mưa bom không ngại/Mẹ nhẹ nhàng đưa lối/Tiễn con qua núi đồi”.

Có lẽ, ít có dân tộc nào mà lịch sử ghi đậm dấu ấn, công lao, đóng góp và cả sự hy sinh của người phụ nữ lớn lao như dân tộc Việt. Vì lẽ đó mà danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” như trở thành tiếng gọi thiêng liêng trong trái tim mỗi người với tất cả thương yêu, trân trọng: “Mẹ là gió uốn quanh/ trên đời con thầm lặng/ trong câu hát thanh bình/ Mẹ làm gió mong manh/ Mẹ là nước chứa chan/ trôi dùm con phiền muộn/ cho đời mãi trong lành/ Mẹ chìm dưới gian nan…”.

“Ca dao mẹ”: Khóc cho mẹ

“Ca dao mẹ” là một trong những ca khúc thành công của Trịnh Công Sơn khi viết về hình ảnh người mẹ cùng với sự hy sinh, mất mát, thiệt thòi của họ trong chiến tranh. Mỗi ca từ, mỗi giai điệu như tiếng khóc, như giọt nước mắt khóc cho mẹ.

“Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn/ Mẹ ngồi ru con mây qua đầu ghềnh lạy trời mưa tuôn/Lạy trời mưa tuôn cho đất sợi mềm hạt mầm vun lên/Mẹ ngồi ru con nước mắt nhọc nhằn xót xa đời mình”. Tiết tấu bài hát chậm rãi, đều đều như tiếng thở than, xa xót.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và những sáng tác về Mẹ

Những sáng tác về mẹ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chạm đến xúc cảm trái tim công chúng yêu âm nhạc nhiều thế hệ.

“Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn/ Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt lệ ăn năn/Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân/Một dòng sông trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người”. Những hình ảnh, những câu hát lặp đi lặp lại như một dấu lặng, một giọt buồn khảm sâu vào lòng mỗi người.

Hình ảnh, ngôn ngữ, tiết tấu… Tất cả như hòa quyện vào với nhau, khắc họa rõ nét hình ảnh mẹ: “Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh/ Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn/ Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương/ Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng”.

Nhưng biết làm sao đây khi nỗi đau của mẹ cũng chính là nỗi đau của cả dân tộc: Chiến tranh. Đó là hiện thực tàn khốc mà đất nước ta, dân tộc ta phải vượt qua. Ở đó, những trang sử vẻ vang của dân tộc ghi dấu chân dung những người mẹ Việt Nam ngồi lặng nhớ về con, về quê hương: “Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa phận mình/ Mẹ ngồi ru con nghe đất gọi thầm trọn nợ lưu vong/ Mẹ ngồi trăm năm như thân tượng buồn để lại quê hương/ Tuổi còn bơ vơ thế giới hằn thù chiến tranh ngục tù”.

Trong bài viết “Người mẹ”, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn chân thành chia sẻ: “Không có một bài hát nào có thể nói đủ về mẹ. Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người. Khi cúi xuống hôn lần cuối trên vầng trán lạnh lẽo của mẹ, tôi biết rằng từ nay sự lạnh lẽo ấy sẽ dần dần tràn ngập trái tim tôi. Sự lạnh lẽo này là một nhắc nhở cần thiết như một dòng kinh sám hối đòi hỏi mỗi người phải gieo cấy lại những hạt mầm đức hạnh trong tâm hồn mình trước cuộc đời”. Và những ca khúc viết về người mẹ của Trịnh Công Sơn sẽ mãi là dòng nước mát lành tưới tắm tâm hồn mỗi con người, tựa như tiếng chuông chùa khe khẽ ngân vang những thanh âm trong trẻo, thiêng liêng về Mẹ.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]