Con đường mới
1. Mấy hôm nay trên loa truyền thanh của xã cứ ra rả nói về hiện tượng thời tiết cực đoan, El Nino hay La Nina gì đó, bà Hằng ngồi bó gối trong bếp nhìn ra khoảng sân trước nhà đang chịu trận mưa như trút từ tờ mờ sáng. Ấm nước trên bếp sôi nãy giờ bà cũng chẳng buồn rót, cứ trầm ngâm với những nghĩ ngợi xa xôi. Tuổi vừa qua đầu sáu nhưng cái mặt xương xẩu, đôi mắt trũng sâu, dáng người gầy còm héo úa, nét mặt trầm ngâm ẩn hiện sau mớ tóc muối tiêu lúc nào cũng lòa xòa rối bù làm người ta tưởng bà phải ngoài bảy mươi.
Minh họa: BH
Nhà neo đơn nhưng không được đưa vào diện hộ nghèo. Vì cái tiếng có con làm công nhân trong miền Nam lương mỗi tháng cả chục triệu, ruộng sâu ruộng cạn cộng lại tới cả nửa mẫu nên mỗi lần bình bầu nhà bà lúc nào cũng bị gạt ra khỏi danh sách. Mỗi bận đi họp về bà lại mang cục tức vào người. Nếu vào được hộ nghèo thì sẽ được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các khoản đóng góp để xây dựng nông thôn mới được giảm một nửa, còn được hỗ trợ tiền điện, tiền thuế đất nông nghiệp... bao nhiêu quyền lợi như thế ai chả tiếc.
- Mẹ cha chúng nó chứ, đúng là một người làm quan cả họ được nhờ, bao nhiêu lợi lộc chúng nó hùa nhau chia hết cho anh em họ hàng thế thì dân có mà cạp đất.
Mỗi lần đi họp thôn về bà lại choang choác nói như hát, nói sa sả suốt từ nhà văn hóa thôn về đến nhà thế mà người vẫn nóng hừng hực, máu vẫn sôi ùng ục lên đầu. Hết hơi mà chưa thỏa cơn bực, bà lại thủ thỉ phân bua với con Vàng.
- Tao với mày không nghèo thì ai nghèo, anh em nhà nó thì nghèo cái nỗi gì, thế mà chúng nó hùa nhau nghèo mày ạ. Rõ khéo, hóa ra tao với mày lại giàu Vàng ạ.
Con Vàng ngồi im trong lòng bà, thi thoảng lại ư ứ khe khẽ lên vài tiếng, ngoe nguẩy cái đuôi như biểu thị sự đồng tình. Con Vàng một tay bà chăm từ lúc mới đẻ được vài ngày. Mẹ nó bị bọn trộm chó bắt, lứa đấy con chó mẹ cũng chỉ đẻ được có mỗi con Vàng. Bà Hằng nuôi nó bằng nước cơm, đúng là trời sinh trời dưỡng, qua đận cam sài thì cu cậu cũng phổng phao.
- Vàng cũng lớn rồi đấy, đến tuổi đi chơi với bạn gái rồi. Anh Trí cũng lớn lắm rồi mà chẳng thấy cưới vợ Vàng ạ. Anh Trí còn bận kiếm tiền để lo cho bà với cho Vàng đấy.
Con Vàng lại ư ứ lên, cái đuôi ngoe nguẩy, còn bà vẫn xoa đầu, vuốt lưng cho Vàng nãy giờ.
2. Ngày ấy xóm Tây nhà cửa thưa thớt, chỉ lác đác vài ba nhà giữa cánh đồng rau muống, rau cần quanh năm bì bõm nước. Ông bà quyết định ra ở riêng, nhường nhà bố mẹ cho vợ chồng em trai. Ròng rã cả năm trời cọc cạch xe thồ, sọt tre, chồng lái vợ đẩy, chồng xúc vợ đổ, vợ chồng cần mẫn chung lưng đấu cật khoét núi Giồ lấy đất đem về lấp nửa thửa ruộng rau muống làm nền, rồi lại cọc cạch chở đá hộc về dựng được cái nhà ba gian. Làm nhà xong, năm trước ở riêng, năm sau thì sinh thằng Trí. “Sinh con mất mùa ba năm” đúng là mất mùa thật. Thằng Trí ra đời đúng năm châu chấu phá hoại vụ mười, lúa vụ năm chạm đáy bồ chả đủ qua mùa đông. Nhà có ba sào ruộng cấy, hai sào đất bãi, cả năm ông bà bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Mấy đồng trợ cấp thương binh của ông Nhất không đủ tiền phân tro giống nòi, mua cân cá thì thiếu, mua lạng muối thì thừa. Có những khi nhà hết gạo, bà Hằng cắp rá đi vay, tủi hổ núp bụi rơm nhà người ta khóc nức nở tính cầm rá quay về nhưng vì nghĩ đến con ở nhà đói ăn mà cố chìa tay vay mượn. Có những khi rau muống, cá khô, cà pháo, mắm chua trường kỳ. Ông bà ăn sao cũng được nhưng thằng Trí không có thịt, cá tươi thì cũng phải có quả trứng gà hấp cơm. Bà Hằng hay bảo nó là con nhà lính mà tính nhà quan, ăn uống khoảnh khót nên người lúc nào cũng còm nhom như con mắm. Cù quay mãi cũng qua cái đận đói kém, dành dụm cả năm tết cũng mua được cho con bộ quần áo mới cho bằng chúng bằng bạn. Đến khi con lớn đỡ vất vả được chút ít thì ông Nhất lại bỏ lại mẹ con bà mà đi. Ngôi nhà ba gian cấp bốn, khu vườn chuối với tường rào bao quanh nhìn chỗ nào cũng thấy bóng dáng ông Nhất, chỗ nào cũng thấm đẫm mồ hôi ông bà dày công gây dựng. Vậy mà giờ người ta đòi lấy không, năm lần bảy lượt đến nhà vận động hiến với góp, khác nào cầm dao cắt da cắt thịt của bà.
*
Thằng Trí về đúng hôm mưa gió, nó đứng ngoài cánh cổng khóa chặt gọi đến tiếng thứ ba bà Hằng mới chạy ra mở cửa. Bà không ngờ thằng Trí về, vì tháng trước nó gọi điện báo cuối năm có thưởng tết mới có tiền mua vé xe, thế mà hôm nay nó đã lầm lũi đứng trước mặt, khiến bà mừng đến nỗi ấp úng nói không thành lời, bàn tay run run loay hoay mãi mới mở được cái khóa.
- Vào nhà đi con. Ướt hết cả rồi.
Nó ậm ừ trong cổ họng tiếng vâng rồi đi thẳng vào nhà. Căn nhà vẫn y nguyên như ngày nó bước chân đi. Học xong cấp ba, nó theo bạn bè lêu lổng nay làm chỗ này, mai làm chỗ khác, cứ không thích là bỏ ngang, làm được đồng nào nướng hết vào lô đề, cờ bạc, tụ tập bù khú bia rượu với bè bạn. Ngày đấy cả làng Giồ rộ lên phong trào Nam tiến, miền Nam trở thành miền đất hứa. Thằng Trí theo bạn bè rủ rê cũng năn nỉ bằng được bà Hằng vay mượn tiền để đi miền Nam. Vào rồi mới thấy, ở đâu cũng phải vã mồ hôi mới có miếng cơm ăn, không nhàn hạ như lời người ta kể. Sài Gòn xa hoa và lấp lánh sáng nhưng là đất hưởng thụ của người giàu, còn đời công nhân như nó thì lương chỉ đủ ăn qua ngày. Đến gần tuần nay nó cứ thấy bụng đau tưng tức, uống thuốc giảm đau chỉ được một hồi rồi lại âm ỉ đau, nó nghĩ chắc do ăn mì gói nhiều nên mới bị như thế, nó để liều vậy chẳng khám xét gì. Chẳng biết nghĩ ngợi thế nào mà ba hôm sau nó quyết định về quê.
Tắm giặt thay đồ xong nó lên giường nằm luôn, chẳng hỏi han, chuyện trò gì. Bà Hằng lọ mọ cơm nước, giặt giũ mớ quần áo thằng con thay ra xong vào gọi nó dậy ăn cơm thì nghe thấy tiếng Trí rên ư ử. Mắt nó nhắm nghiền, hai hàm răng cắn vào nhau kêu kèn kẹt, nó nằm co ro trên giường, người run lên bần bật. Bà cứ gọi “Con ơi!” rồi lại “Trí ơi!” mà nó không trả lời chỉ rên rỉ trong cổ họng. Nó nằm cong keo như con tôm luộc, bà sợ cái dáng nằm ấy, cái dáng nằm y như lúc ông Nhất rời bỏ mẹ con bà ngày trước.
- Ông Trung ơi! Ông cứu con tôi với. Cứu con tôi với ông Trung ơi.
- Có chuyện gì thế bà Hằng?
- Ông sang cứu thằng Trí nhà tôi với, nó... nó...
Không chờ bà Hằng nói hết câu ông Trung với cái mũ cối ướt sũng treo đầu hè, ông lao đi giữa lúc trời đang mưa xối xả. Đường ngập ngang ống chân, ông nói như quát “bà sang gọi anh Minh y tá thôn” rồi rẽ nước đi về phía nhà bà Hằng, để mặc bà bì bõm rò rẫm từng bước phía sau.
Lúc ông Trung tới thì người thằng Trí đã tái nhợt, mồ hôi vã ướt đầm đìa áo trong áo ngoài, hơi thở yếu và ngắt quãng. Ông lật cho nó nằm ngửa ra, rồi xoa dầu gió khắp người, vừa day ngực vừa bấm huyệt nhân trung, một lúc sau thằng Trí mở mắt thều thào kêu đau bụng. Ngay lúc thằng Trí tỉnh thì anh Minh và bà Hằng cũng về đến nơi, vừa khám vừa hỏi, anh nghi ngờ thằng Trí bị viêm ruột thừa cộng với cảm lạnh do dính mưa.
- Phải gọi xe cấp cứu đưa nó lên bệnh viện tỉnh ngay nếu để lâu sẽ rất nguy hiểm. Anh Minh nói giọng nghiêm trọng.
- Đường vừa nhỏ vừa ngập thế này xe cấp cứu không vào được. Tôi với chú cõng nó ra trạm y tế xã để người ta sơ cứu trước, rồi gọi xe về đưa nó đi sau.
Bà Hằng mặt tái mét, đứng ngây người như tượng sáp, bàn tay già nua của bà run run vịn vào Minh giọng run rẩy:
-Minh ơi, cháu cứu lấy em nó. Rồi bà ngất lịm trên tay anh Minh.
3. Xóm Tây về đích nông thôn mới. Một phần diện tích vườn chuối nhà bà Hằng, cái sân, cái cổng nhà ông Tá, và nhiều nhà khác trong xóm tự nguyện hiến đất mở rộng đường. Bà Hằng từ khi tham gia vào đội vận động xây dựng nông thôn mới của thôn thì không đòi làm hộ
nghèo nữa. Cả cái xóm Tây này ai cũng biết từng cây chuối, từng mét đất, đá tường rào viên nào cũng thấm đẫm mồ hôi, công sức của ông bà, thế mà bà vẫn sẵn sàng cắt ra để xóm có con đường mới. Bà hay bảo với người trong xóm rằng khi mình còn có thứ để cho nghĩa là mình không nghèo, khi nhận được sự yêu quý của mọi người thì mình đã là người giàu có rồi.
Thằng Trí không vào Nam nữa, nó xin làm ở công ty giày da gần nhà theo giới thiệu và định hướng của cái Hòa, con ông Trung, và cũng là vợ nó bây giờ. Bà Hằng không ủ rũ, lủi thủi trong nhà nữa, từ dạo cùng ban vận động thôn đi vận động các hộ đóng góp và hiến đất làm đường bà lại sinh cái tật hay đi. Đến đâu bà cũng bảo “trong cái rủi có cái may”, không những được đi đường mới, mà nhà tự nhiên có hai mặt tiền, không mất con mà còn được thêm đứa con dâu, mỗi khi nói đến đấy bà lại cười khà khà như nông dân được mùa lúa.
Bà Hằng đang lúi húi trong bếp hầm cho cái Hòa ở cữ bát canh đu đủ móng giò thì có tiếng gọi ngoài sân, bà ủ vội than rồi chạy lên như sợ khách gọi to làm đứa cháu đích tôn mới đầy cữ giật mình.
- Chú Định sang chơi đấy à, chú vào nhà mời nước.
- Em sang để thưa chuyện lại với bác về chỗ di chúc của mẹ.
- Chuyện này hôm trước vợ chồng chú sang đây tôi đã nói rõ rồi mà.
- Trong di chúc mẹ bảo là hai anh em chia đôi chứ không nói là mỗi người mỗi nơi. Nên em sang thưa với bác là khu trong xóm với khu ngoài này chia đôi cả cho đúng với di nguyện của mẹ bác ạ.
Ngày ông bà tay trắng ra khu đồng trũng, quanh năm nước ngập thì chẳng thấy ai nói gì đến di chúc. Bao năm vất vả, đổ mồ hôi sôi nước mắt, đói kém chả ai cho năm xu, chẳng ai giúp một hào, những khi ăn rau ăn cháo chả ai ngó ngàng, ấy vậy mà khi đất thành vàng, lại đem di chúc ra nói chuyện. Chả hiểu sao mỗi lần nghĩ đến chuyện chia chác đất đai nước mắt bà Hằng cứ trào ra không đừng được.
Tháng ba mưa rào, thời tiết càng ngày càng biến đổi khó lường. Cơn mưa tuôn nước xối xả như muốn rửa trôi đi mọi thứ. Bà Hằng ngồi thu lu trong bếp nhìn vào ngọn lửa lẹt đẹt cháy, vuốt bộ lông ướt của con Vàng, quệt ngang tay áo lên mắt, bà trút một hơi thở dài rồi lặng lẽ khơi ngọn lửa cháy lên.
Truyện ngắn của Nguyễn Hải (CTV)
- 2024-11-15 08:45:00
Chắt chiu may được mấy lời tri âm
- 2024-11-13 10:37:00
Nhà xuất bản Giáo dục sẽ xuất bản truyện thiếu nhi kinh điển của Chile
- 2024-11-08 11:07:00
Làng quê trong Thơ Nguyễn Văn Hiếu
Cơ hội cuối cùng
Ngọt ngào hương hoa dẻ
Nguyễn Duy Chinh về “Nơi mặt trời không lặn”
Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt 2 cuốn sách ảnh về đất nước và Bác Hồ
Nữ nhà văn người Hàn Quốc giành Giải Nobel Văn học 2024
Mưa phố
Đi ngang Hà Nội
Ðiều chưa kịp nói
Nhà văn Nguyễn Văn Đệ từ bút ký, truyện ngắn đến tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển”