Công bố danh mục hơn 30 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia
Việc được công nhận di sản là cơ hội để các địa phương nâng tầm giá trị di sản, “biến di sản thành tài sản”, vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển sản phẩm du lịch...
Vovinam - Việt Võ Đạo được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia.. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã ký quyết định công bố danh mục hơn 30 Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia ở khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam.
Đây sẽ là cơ hội để các địa phương nâng tầm giá trị di sản, giúp đồng bào có thêm động lực, “biến di sản thành tài sản,” vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển sản phẩm du lịch...
Trong số đó có thể kể đến một số di sản như Nghề làm nem Lai Vung (Đồng Tháp); Hát Trống quân Liêm Thuận (Hà Nam); Múa hát Lải Lèn (Hà Nam); Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (Quảng Ninh); Lễ hội Bổng Điền (Thái Bình); Lễ hội Mường Khô (Thanh Hóa); Nghề dệt của nhóm A Ráp (Gia Rai, Kon Tum); Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông (Yên Bái); Vovinam - Việt Võ Đạo (Thành phố Hồ Chí Minh); Nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen (Lào Cai); Lễ cúng rừng của người Cờ Lao (Hà Giang); Nghề làm tôm khô (Cà Mau); Hát Kiều (Quảng Bình); Nghề dệt đũi (Thái Bình)...
Theo Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai, trang phục của người Mông đen ở Sa Pa được làm hoàn toàn thủ công từ các nguyên liệu tự nhiên gần gũi với cuộc sống hàng ngày.
Vải được làm từ sợi lanh, nhuộm màu tràm tự nhiên, đánh bóng bằng sáp ong.
Bộ trang phục truyền thống người Mông phản ánh mối quan hệ với môi trường sống xung quanh cũng như tư duy kỹ thuật thủ công dựa trên kỹ năng dệt vải, thiết kế hoa văn, họa tiết trang phục.
Địa phương, doanh nghiệp đã hỗ trợ để người dân tiếp tục giữ gìn và phát huy vẻ đẹp trang phục truyền thống người Mông như một nét hấp dẫn riêng của Sa Pa.
Còn Hát Kiều là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo gắn bó với đời sống tinh thần của người dân vùng bắc sông Gianh, tỉnh Quảng Bình.
Từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du, nhiều loại hình nghệ thuật được hình thành như ngâm Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, lẩy Kiều nhưng nghệ thuật hát Kiều lại thể hiện tính độc đáo và giàu sức sáng tạo hơn.
Hát Kiều bao gồm hát, diễn xuất và làm trò... tập trung ở các xã: Quảng Kim, Quảng Phương (huyện Quảng Trạch), Châu Hóa (huyện Tuyên Hóa), Quảng Minh, Quảng Thủy (thị xã Ba Đồn)...
Nghề làm nem Lai Vung (huyện Lai Vung) là một làng nghề nổi tiếng của tỉnh Đồng Tháp.
Khác với loại nem của các vùng miền khác, nem Lai Vung gói bằng lá chuối, vuông vắn và buộc thành từng chùm (chục).
Năm 2012, sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận nem Lai Vung nằm trong top 10 đặc sản nem chả nổi tiếng của nước ta. Năm 2013, món ăn này cũng nằm trong nhóm 50 đặc sản quà tặng Việt Nam lần thứ nhất do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công bố.../.
Theo TTXVN
- 2024-10-03 16:00:00
Triển lãm số về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam đến với học sinh
- 2024-10-03 15:48:00
Tìm hiểu về cách làm ấm sắt nổi tiếng Akai Ringo của Nhật Bản
- 2023-11-14 14:38:00
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 14-11-2023
Hương sắc vùng cao xứ Thanh qua trang phục
Danh sách đề cử Grammy 2024 thiếu vắng nhiều nghệ sỹ Latin
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 13-11-2023
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 12-11-2023
Đặc sắc những ngôi nhà cổ
Lễ hội văn hóa “Hương sắc vùng cao”: Đậm đà bản sắc văn hóa xứ Thanh
Nhiều cách làm hay trong bảo quản, trưng bày hiện vật
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 9-11-2023
Đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với công chúng