(vhds.baothanhhoa.vn) - Huyện Quan Sơn có 3 bản đồng bào Mông, sinh sống dọc 12km đường biên giới, ở 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy với 217 hộ, 1.058 nhân khẩu. Nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào Mông, góp phần đảm bảo an ninh biên giới, các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế.

Công tác dân vận trong vùng đồng bào Mông huyện Quan Sơn

Huyện Quan Sơn có 3 bản đồng bào Mông, sinh sống dọc 12km đường biên giới, ở 2 xã Na Mèo và Sơn Thủy với 217 hộ, 1.058 nhân khẩu. Nhằm từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của vùng đồng bào Mông, góp phần đảm bảo an ninh biên giới, các cấp ủy, chính quyền huyện Quan Sơn đã đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế.

Công tác dân vận trong vùng đồng bào Mông huyện Quan SơnMột góc bản Xía Nọi, xã Sơn Thủy (Quan Sơn). Ảnh: Lê Càng

Trong số 3 bản đồng bào Mông của huyện thì xã Sơn Thủy có 2 bản, gồm Mùa Xuân và Xía Nọi. Trước năm 2021, điều kiện giao thông ở các bản này còn khó khăn, phần nhiều bà con còn mang nặng tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước; tập quán canh tác còn lạc hậu với thói quen tự cung tự cấp, phá rừng lấy đất làm nương rẫy; hoạt động tôn giáo diễn biến phức tạp... Trong đời sống còn tồn tại nhiều hủ tục, nhất là tang ma, gây lãng phí, tốn kém lại mất vệ sinh... Vậy nên đời sống người dân còn gặp nhiều thiếu thốn, toàn bộ số hộ gia đình trong các bản là hộ nghèo.

Thực hiện Kết luận số 684-KL/TU, ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 (gọi tắt là Kết luận 684 - PV), Đảng ủy xã Sơn Thủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân vào cuộc với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ đời sống người dân, diện mạo các bản làng. Thực hiện chủ trương này, các tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội của xã đã tích cực xây dựng các mô hình dân vận khéo vận động, tập hợp người dân tham gia. Cán bộ lãnh đạo xã đã chủ động học tập tiếng Mông, trực tiếp đến địa bàn, đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền nâng cao hiểu biết kiến thức pháp luật, vận động bà con thay đổi thói quen suy nghĩ, tập quán canh tác, xóa bỏ hủ tục trong tang ma và hôn nhân cận huyết thống, tích cực tham gia tự quản đường biên, cột mốc...

Cùng với đó, xã Sơn Thủy còn tích cực, chủ động phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Sơn tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, cầm tay chỉ việc, hướng dẫn người dân cách thức trồng chọt, chăn nuôi. Đồng thời xây dựng các mô hình sản xuất phù hợp với trình độ canh tác của bà con để triển khai thực hiện.

Cùng với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đầu tư hạ tầng lưới điện, giao thông, đến nay người dân ở cả 2 bản đồng bào Mông trên địa bàn xã đã khai khẩn ruộng hoang, làm hệ thống dẫn nước tưới, thâm canh trồng lúa nước 2 vụ, không phá rừng lấy đất làm nương rẫy. Nhiều hộ dân cũng mạnh dạn trồng cây nứa, vầu, mận, đào ao nuôi cá, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... cải thiện thu nhập và thoát nghèo. Số thanh niên, người trong độ tuổi lao động còn đi làm ăn xa. Đáng chú ý, hầu hết đám tang trên địa bàn xã đã được tổ chức theo nếp sống mới, người chết được đưa vào quan tài và không tổ chức ăn uống linh đình gây lãng phí, tốn kém. Nhiều thanh niên nam nữ người Mông đã kết hôn với người dân tộc Thái, Kinh, góp phần hạn chế tình trạng hôn nhân cận huyết thống...

Anh Thao Văn Công (SN 1980) ở bản Mùa Xuân cho biết: “Nghe theo cán bộ, vợ chồng mình đã biết trồng cây lúa nước 2 vụ, lại biết chăn nuôi. Được vay vốn của nhà nước, vợ chồng mình đã mạnh dạn xây dựng quán bán các mặt hàng cần thiết cho bà con trong bản. Đến nay, nhà mình đã thoát nghèo, không còn phải lo đói nữa".

Thực hiện Kết luận 684, Huyện ủy Quan Sơn đã xây dựng kế hoạch thực hiện, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chức hội, đoàn thể chính trị - xã hội gắn với từng nội dung công việc, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cấp xã và chi bộ bản. Coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người đồng bào dân tộc Mông, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Khuyến khích cán bộ làm công tác dân vận cấp huyện, cán bộ, công chức cấp xã, giáo viên giảng dạy tại địa bàn học tiếng Mông để thuận lợi giao tiếp với bà con. Đồng thời thực hiện phân công các đồng chí huyện ủy viên phụ trách, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kinh tế - xã hội ở các bản đồng bào Mông...

Từ cách làm này, đến nay tại các bản vùng đồng bào Mông đã xuất hiện nhiều mô hình dân vận khéo, phong trào thiết thực, hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, như mô hình “Quần chúng Nhân dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh, trật tự ở các bản khu vực biên giới”; mô hình “Vườn rau xanh, nhà sạch đẹp, bếp ngăn nắp, chuồng xa nhà”; phong trào “Mỗi hộ đồng bào Mông nuôi tối thiểu 3 con bò hoặc trâu”; phong trào “Áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa nước 2 vụ”; phong trào “Tổ chức đám tang theo nếp sống mới”... Bằng sự đa dạng hình thức và phong phú về nội dung tuyên truyền, phù hợp với trình độ dân trí, các mô hình, phong trào đã thu hút đông đảo bà con đồng bào Mông tham gia. Từ đó, đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, động viên bà con xóa bỏ hủ tục lạc hậu, nỗ lực phát triển kinh tế, không tin theo tà đạo và tích cực tham gia cùng với các lực lượng chức năng bảo vệ đường biên, mốc giới.

Bí thư Huyện ủy Quan Sơn Lương Thị Hạnh cho biết, nhằm tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận 684, huyện Quan Sơn sẽ tập trung huy động các nguồn lực nhất là lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi, giúp đỡ, hỗ trợ về vốn, vật tư, kỹ thuật... để bà con đồng bào dân tộc Mông mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Quan tâm đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho bà con. Đồng thời chủ động nắm chắc tình hình, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân vững chắc, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ “3 giữ”, là “giữ dân, giữ rừng và giữ biên giới”. Phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng để vận động bà con thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng bản, làng ngày càng giàu đẹp, văn minh, biên giới ổn định...

Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]