(vhds.baothanhhoa.vn) - Sự ra đời và phát triển của các cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) tại các xã, thị trấn thời gian qua đã đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ngày càng cao của người dân, đồng thời các cửa hàng còn góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng phát huy được vai trò của mình, nhất là các cửa hàng TPAT tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cung ứng thực phẩm an toàn

Sự ra đời và phát triển của các cửa hàng thực phẩm an toàn (TPAT) tại các xã, thị trấn thời gian qua đã đáp ứng phần nào nhu cầu tiêu dùng thực phẩm ngày càng cao của người dân, đồng thời các cửa hàng còn góp phần hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng phát huy được vai trò của mình, nhất là các cửa hàng TPAT tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Cung ứng thực phẩm an toànKhách hàng chọn mua hàng tại cửa hàng TPAT Bé Kẹo, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương).

Muốn mua hoa quả sạch đến cửa hàng TPAT, tìm mua sản phẩm OCOP đến cửa hàng TPAT... là những điều mà người dân xã Nga Yên (Nga Sơn) “mách” nhau về kinh nghiệm mua sắm. Cửa hàng TPAT xã Nga Yên đã trở thành điểm giới thiệu, bày bán sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn uy tín trong xã.

Đi vào hoạt động từ năm 2021, đến nay cửa hàng bày bán khoảng 100 mặt hàng là nông sản, thực phẩm an toàn nổi tiếng của các vùng miền tại Thanh Hóa, trong đó tập trung vào sản vật đặc trưng của vùng đất Nga Yên, như dưa hấu xứ đảo Mai An Tiêm, dưa vàng, rau VietGAP... đây là những sản phẩm của HTX sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Nga Yên. Trước đây, khi chưa có cửa hàng TPAT, sản phẩm của HTX thường bán sang nơi khác, người dân muốn mua phải rủ nhau mua số lượng lớn. Nhưng từ khi có cửa hàng TPAT, người dân đã có thể mua thực phẩm tươi ngon mỗi ngày và hoàn toàn yên tâm về nguồn gốc xuất xứ. Sản phẩm từ HTX được sản xuất theo hướng an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Sản phẩm không chỉ an toàn cho cả người sử dụng và sản xuất mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Tất cả các sản phẩm được bày bán, nếu là hàng tươi sống đều được đóng gói cẩn thận, tem mác đầy đủ thông tin, bảo quản ở nhiệt độ mát...

Mặt khác, nhờ có kênh tiêu thụ mới, HTX khuyến khích các thành viên đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng sản xuất, mạnh dạn đưa thêm nhiều sản phẩm nông nghiệp mới về trồng tại địa phương. Chị Mai Quỳnh Mai, Giám đốc HTX, cho biết: “Vì là thu mua trực tiếp từ các thành viên của HTX, không qua bất kỳ khâu trung gian nào nên sản phẩm bán tại cửa hàng không cao hơn so với sản phẩm cùng loại bán ở bên ngoài. Mặt khác, với mặt hàng nông sản, việc bảo quản nhằm giữ giá trị dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Từ đó mà cửa hàng ngày càng thu hút khách đến mua hàng”. Nhằm mở rộng đối tượng khách hàng, trong thời gian tới, cửa hàng sẽ bày bán thêm nhiều mặt hàng khác như bánh kẹo, sữa các loại, nước ngọt... và tất cả những mặt hàng này đều của thương hiệu nổi tiếng, với hóa đơn, chứng từ rõ ràng.

Hiện, Nga Sơn có 14 cửa hàng TPAT tại 14 xã không có chợ. Thành lập cửa hàng TPAT, địa phương có hỗ trợ về pháp lý, cơ sở vật chất, tập huấn, lắp đặt hệ thống PCCC... Ông Phạm Văn Sinh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nga Sơn, cho biết: “Nhu cầu tiêu dùng, nhất là hàng nông sản, thực phẩm của người dân ngày càng cao, do vậy việc phát triển cửa hàng TPAT đã đáp ứng được nhu cầu. Đến nay, các cửa hàng TPAT trên địa bàn đều đã phát huy được vai trò của mình, trở thành điểm mua hàng tin cậy của người tiêu dùng địa phương”.

Không phải là cửa hàng chuyên về nông sản, thực phẩm như tại Nga Yên, tuy nhiên cửa hàng TPAT Bé Kẹo (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) cũng đã và đang định hình thương hiệu trong lòng người tiêu dùng với những mặt hàng chất lượng, liên kết với nhiều trang trại trong và ngoài tỉnh.

Ban đầu, Bé Kẹo là cửa hàng tạp hóa. Sau khi được tham gia lớp tập huấn kiến thức về TPAT, chị Ngô Thị Bé đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa cửa hàng như sắm thêm hệ thống bảo quản thực phẩm, bảo quản đồ tươi sống, đồ đông lạnh... Đồng thời, sắp xếp lại tất cả mặt hàng một cách khoa học, nhập thêm nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm đặc trưng vùng miền... Chị Ngô Thị Bé, cho biết: “Cửa hàng vẫn bày bán rất nhiều hàng tạp hóa, đồng thời chúng tôi nhập thêm các mặt hàng nông sản, đồ tươi sống, hoa quả... ưu tiên nguồn hàng trong tỉnh. Đảm bảo nguồn cung hàng hóa, cửa hàng đã liên kết với rất nhiều trang trại, nông trại uy tín, đã được cấp giấy chứng nhận”. Chị Bé thừa nhận sau khi được chọn làm cửa hàng TPAT thì lượng khách hàng đến mua sắm, tiêu dùng đông hơn trước.

Được biết, tại huyện Quảng Xương hiện có trên 25 cửa hàng kinh doanh TPAT trong đó có 20 cửa hàng TPAT là của xã, thị trấn. Quảng Xương là một trong những địa phương có nhiều sản phẩm OCOP nhất trong tỉnh với 30 sản phẩm, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao. Việc thành lập và phát triển cửa hàng TPAT đã góp phần quan trọng quảng bá nông sản địa phương, đẩy mạnh tiêu dùng an toàn, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân địa phương.

Với vai trò như “chợ”, các cửa hàng TPAT tại xã, thị trấn đã và đang mang lại nhiều lợi ích cho cả khách hàng và người sản xuất khi đóng vai trò là “cầu nối” đưa nông sản, thực phẩm sạch ở trong và ngoài tỉnh đến tay người tiêu dùng địa phương. Việc liên kết chặt chẽ giữa cửa hàng với các HTX, trang trại trên địa bàn không những giúp ổn định nguồn hàng mà còn tiết kiệm được chi phí, thời gian vận chuyển. Mặt khác, khi được tiêu thụ sản phẩm ở các cửa hàng TPAT góp phần thúc đẩy người nông dân đầu tư áp dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì; tăng sức cạnh tranh. Tại một số địa phương, các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia cung ứng tại các cửa hàng nông sản an toàn được tập huấn kiến thức sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn, được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, thiết kế bao bì, đóng gói, công bố sản phẩm phù hợp quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, sự ra đời và hoạt động hiệu quả của các cửa hàng TPAT tại xã, thị trấn góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của người dân. Điều này vừa giúp các địa phương có điều kiện giới thiệu nông sản đặc trưng đến khách hàng, đồng thời có thể dễ dàng trao đổi kinh nghiệm, quy trình sản xuất những sản phẩm chất lượng.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]