(vhds.baothanhhoa.vn) - Mặc dù được quan tâm của Nhà nước, nhưng vì thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống Nhân dân trong khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) đang gặp rất nhiều khó khăn.

Sớm ổn định đời sống người dân sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên:

Cuộc sống của người dân bộn bề những khó khăn

Mặc dù được quan tâm của Nhà nước, nhưng vì thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, đời sống Nhân dân trong khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) đang gặp rất nhiều khó khăn.

Cuộc sống của người dân bộn bề những khó khănCuộc sống còn nhiều khó khăn, căn nhà gỗ này là tài sản duy nhất của gia đình ông Ngân Văn Tình, bản Pù Luông, xã Thành Sơn (Bá Thước).

Đến thăm gia đình ông Ngân Văn Tình, bản Pù Luông, xã Thành Sơn (Bá Thước), chúng tôi mới cảm nhận hết được những khó khăn, vất vả của người dân sinh sống trong Khu BTTN Pù Luông. Vì thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của gia đình ông Tình rơi vào tình cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Tìm hiểu chúng tôi được biết, gia đình ông có 5 người, thu nhập chính trông chờ vào hơn 1 sào ruộng, được mùa thì đủ ăn vài tháng, mất mùa gia đình ông phải đi “ăn đong” quanh năm.

Ông Tình cho biết: Vợ mất sớm, một mình tôi nuôi bố, người cô ruột bị tàn tật và hai đứa con nhỏ, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Tôi cũng cố gắng lao động sản xuất để ra khỏi danh sách hộ nghèo nhưng cả nhà chỉ có hơn một sào ruộng, xong mùa màng chẳng biết làm gì để tăng thêm thu nhập.

Cũng như gia đình ông Ngân Văn Tình, nhiều hộ dân xã Thành Sơn vì thiếu đất sản xuất cộng với địa hình phức tạp, đường đi lại khó khăn, không có điều kiện phát triển thêm các ngành nghề khác, vì vậy, cái đói, cái nghèo vẫn bám đuổi dai dẳng. Theo báo cáo của UBND xã Thành Sơn, hiện toàn xã 542 hộ dân với 85,6% là hộ nghèo, cận nghèo, trong đó, hộ nghèo chiếm 42,62%, thu nhập bình quân đầu người 16 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Chí Công, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: Mặc dù là xã có diện tích đất tự nhiên lớn của huyện Bá Thước, nhưng phần lớn diện tích đất rừng là rừng đặc dụng và đất rừng sản xuất của Ban Quản lý Khu BTTN Pù Luông. Diện tích đất lúa của xã chỉ có hơn 100ha, trong đó có một phần diện tích không chủ động được nước tưới, năng suất lúa thấp.

Cũng như xã Thành Sơn, thiếu đất sản xuất khiến đời sống của nhiều hộ dân xã Lũng Cao (Bá Thước) đang bị “vây bủa” trong cái nghèo khó. Hiện Lũng Cao có 11 thôn, trong đó 6 thôn nằm trong vùng lõi, 5 thôn vùng đệm của Khu BTTN Pù Luông. Theo thông tin từ lãnh đạo xã này chúng tôi được biết, trong diện tích đất rừng đặc dụng của Khu BTTN Pù Luông có cả diện tích đất rừng sản xuất của 218 hộ dân xã Lũng Cao đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp, nhưng người dân không được sử dụng đất để sản xuất, khiến cuộc sống của các hộ này gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế.

“Cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Lũng Cao nhiều năm đang loay hoay tìm giải pháp nâng cao đời sống của bà con góp phần xóa đói, giảm nghèo của địa phương nhưng hiện tại vẫn chưa tìm ra hướng đi hiệu quả. Giải quyết vấn đề tình thế xã vận động Nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tận dụng lợi thế sẵn có phát triển nuôi các con, cây trồng có lợi thế để nâng cao thu nhập. Còn về lâu dài xã Lũng Cao mong rằng các cơ quan chức năng sớm giải quyết diện tích đất của người dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nằm trong quy hoạch Khu BTTN Pù Luông giao lại cho người dân”, ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao cho biết.

Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước chia sẻ: Hiện Bá Thước có 39 thôn nằm trong Khu BTTN Pù Luông, trong đó có 8 thôn nằm trong vùng lõi. Mong rằng tỉnh chỉ đạo các ban, sở, ngành phương án giúp đỡ người dân nằm trong khu bảo tồn, đặc biệt là các hộ dân nằm trong vùng lõi có đất sản xuất để phát triển kinh tế, sớm ổn định đời sống. Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/thôn, bản theo Quyết định 24/2012/QĐ-TTg quá thấp, khiến việc xây dựng các công trình ở các bản vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong khi giá vật liệu và cước phí vận chuyển nguyên vật liệu vào trong các thôn, bản quá cao. Chính sách hỗ trợ thì cào bằng, có thôn vài chục hộ dân, cũng có thôn lại gần 300 hộ dân, nên việc cung cấp cây, con giống khó phân bổ, thiếu tập trung... Những hạn chế trên rất cần các cơ quan cấp trên quan tâm điều chỉnh.

Tại huyện Thường Xuân, có 5 xã với 12 bản nằm trong Khu BTTN Xuân Liên. Những năm qua, người dân tích cực tham gia cùng với các lực lượng chức năng bảo vệ và phát triển rừng. Do kinh phí chi trả khoán bảo vệ rừng thấp, cùng với việc thiếu đất sản xuất để phát triển kinh tế lâm nghiệp, nên cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn. Ví như xã Yên Nhân, diện tích tự nhiên của địa phương lớn với 18.870ha, trong đó có hơn 18.000ha đất lâm nghiệp. Diện tích đất lâm nghiệp lớn là vậy, nhưng diện tích đất trồng rừng sản xuất chỉ có hơn 700ha. Thiếu đất sản xuất người dân không có tư liệu sản xuất, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Ông Vi Văn Hùng, thôn Khong cho biết: Mặc dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 1.500m2 nhưng gia đình tôi không được canh tác trên diện tích này. Bởi lẽ diện tích này nằm trong quy hoạch của Khu BTTN Xuân Liên.

Trao đổi với chúng tôi ông Cầm Bá Huyến, Chủ tịch UBND xã Yên Nhân: Hiện tại, toàn xã có 114,7ha đất trồng lúa, 700ha đất trồng rừng sản xuất, còn lại phần lớn là diện tích rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Trong 114,7ha đất trồng lúa có một phần diện tích không chủ động được nước tưới, năng suất thấp. Hiện tại xã Yên Nhân có hơn 300 hộ thiếu đất sản xuất, nhận thức của một bộ phận người dân hạn chế, xuất phát điểm thấp, số tiền chi trả cho việc quản lý, bảo vệ rừng chưa tương xứng với công sức lao động khiến cuộc sống của nhiều hộ dân gặp khó khăn. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 44,2%, hộ cận nghèo chiếm 48,32%.

Tại Khu BTTN Pù Hu có 54 thôn bản vùng đệm với 5.113 hộ, 22.988 nhân khẩu thuộc đơn vị hành chính của 10 xã, thuộc 2 huyện: huyện Quan Hóa gồm 9 xã (Hiền Kiệt, Hiền Chung, Thiên Phủ, Nam Tiến, Phú Xuân, Phú Sơn, Phú Thanh, Trung Thành và Trung Sơn); huyện Mường Lát là xã Trung Lý. Cũng vì thiếu đất sản xuất, xuất phát điểm thấp, giao thông bị chia cắt bởi hệ thống sông suối, một bộ phận người dân còn hạn chế trong áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất... vì vậy nhiều năm qua “bài toán” tìm hướng phát triển kinh tế cho hộ dân vùng lõi Khu BTTN Pù Hu chưa có “lời giải”.

Theo báo cáo của các ban quản lý khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, hiện nay có 105 thôn, bản, thuộc 23 xã với gần 12.000 hộ dân của 4 huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Bá Thước, Thường Xuân nằm trong vùng lõi, vùng đệm của các khu bảo tồn. Dù được sự quan tâm của Nhà nước nhưng đời sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao, thường xuyên thiếu việc làm, ảnh hưởng đến “công cuộc” giảm nghèo bền vững của các địa phương.

Thiết nghĩ giúp người dân vùng lõi, vùng đệm các khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống là “nút thắt” quan trọng cần được các cấp, các ngành chức năng tập trung tháo gỡ. Giữ được rừng hay không có vai trò quan trọng của người dân, chứ không phải chỉ lực lượng kiểm lâm, cấp ủy, chính quyền địa phương.

Bài và ảnh: Xuân Nguyễn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]