(vhds.baothanhhoa.vn) - Là huyện miền núi nằm ở phía Tây bắc tỉnh Thanh Hóa, không chỉ nức tiếng bởi cảnh đẹp thơ mộng, hùng vĩ mà ngược huyện vùng biên những ngày giáp Tết Nguyên đán này, du khách còn được thưởng thức những đặc sản ngon, như: thịt trâu gác bếp, lạp xưởng, láp Quang Chiểu, bánh ú, canh chuối rừng,... 

Đặc sắc ẩm thực vùng biên ngày Tết

Là huyện miền núi nằm ở phía Tây bắc tỉnh Thanh Hóa, không chỉ nức tiếng bởi cảnh đẹp thơ mộng, hùng vĩ mà ngược huyện vùng biên những ngày giáp Tết Nguyên đán này, du khách còn được thưởng thức những đặc sản ngon, như: thịt trâu gác bếp, lạp xưởng, láp Quang Chiểu, bánh ú, canh chuối rừng,...

Đặc sắc ẩm thực vùng biên ngày Tết

Thịt trâu gác bếp

Mường Lát vào dịp cuối năm, không khí Tết của thị trấn vùng biên không kém phần nhộn nhịp so với các địa phương khác. Đâu đó trên các tuyến đường, là những cặp vợ chồng người Mông, người Dao... trong bộ quần áo dân tộc đặc sắc đi mua sắm tết.

Ghé căn bếp đương đỏ lửa của gia đình bà Ngân Thị Vịnh (khu 2, thị trấn Mường Lát) khi các thành viên gia đình bà đang tất bật cho mẻ thịt trâu mới lên giàn. Bà Vịnh cho biết, năm nào cũng vậy, luôn tay, luôn chân từ đầu tháng Chạp cho đến hết 30 Tết mới nghỉ.

Trung bình mỗi ngày lượng thịt trâu lên giàn của gia đình là gần 4 tạ thịt. Giá của 1kg thịt trâu gác bếp dao động từ 900 đến 1 triệu đồng, tùy loại. Đỉnh điểm, có ngày gia đình bà xuất ra thị trường 2 tạ thịt trâu gác bếp thành phẩm, thu gần 20 triệu đồng.

Đặc sắc ẩm thực vùng biên ngày Tết

Thịt trâu gác bếp Mường Lát được đánh giá là món ăn thông dụng, thơm ngon bởi nhiều yếu tố. Trong đó phải kể đến nguồn gốc của nguyên liệu, đó là thịt trâu. Trâu ở Mường Lát được chăn thả tự nhiên trên các vùng đồi, núi nên thịt săn chắc, ngọt vị hơn trâu ở những nơi khác.

Thịt trâu gác bếp được chấm với chẩm chéo (chẩm chéo được pha chế bằng các nguyên liệu gồm: tỏi nướng, ớt khô, muối hạt, mì chính, hạt mắc khén, hạt dổi), khi ăn thịt có vị ngọt tươi quyện với vị cay nồng của mắc khén, phảng phất mùi khói thơm của than củi, tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt.

Đặc sắc ẩm thực vùng biên ngày Tết

Láp Quảng Chiểu

Ngoài thịt trâu gác bếp, ngược Mường Lát mà không nhắc tới món Láp Quang Chiểu thì sẽ thật là thiếu sót. Láp được chế biến ở nhiều bản, xã nhưng láp chợ bản Pùng, xã Quang Chiểu là nức tiếng.

Sau khi bà con mổ trâu, chia thịt, thì phần da được sử dụng làm nguyên liệu chính để làm món láp. Ngoài da trâu, bà con có thể sử dụng da bò, tùy vào từng dịp. Da trâu sau khi đốt, cạo sạch lông sẽ thái mỏng. Một phần thì băm nhỏ kèm với phần thịt rang lên cho chín tới. Nước đun sôi lên tắt lửa, cho 1 lượng pịa non nhất định, hoặc mật đắng, sau đó cho phần da bò hoặc da trâu vào ngâm khoảng 30 phút, rồi cho phần thịt và da đã băm nhỏ rang chín tới vào.

Đặc sắc ẩm thực vùng biên ngày Tết

Nguyên liệu chế biến món láp

Nhiều du khách dưới xuôi lên, khi nghe cách chế biến và nguyên liệu làm nên món láp thì e dè, nhưng ăn rồi thì thành nghiện. Láp được ăn kèm với bánh đa, rau thơm. Với cánh mày râu thì nhâm nhi cùng vài ly rượu ngô, hoặc rượu gạo.

Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu bật mí thêm, thành phần gia vị không thể thiếu để chế biến món láp ngoài mắm muối, mì chính thì hạt mắc khén, rau thơm, rau mùi, ớt là nguyên liệu tạo nên hương vị đặc trưng của món này. Trước kia, món láp thường được bà con làm trong các dịp lễ, tết, cưới xin...

Đặc sắc ẩm thực vùng biên ngày Tết

Láp được đóng gói bán ra thị trường

Ngày nay, món láp trở nên phổ biến, dần thành món ăn được nhiều người ưa chuộng. Vào dịp Tết Nguyên đán này, nhiều hộ dân đã mổ trâu, bò, phần thịt làm gác bếp, phần da còn lại được chế biến thành món láp bán, cung ứng ra thị trường.

Bất kể hộ gia đình nào muốn ăn láp ngày Tết cũng rất đơn giản. Các nguyên liệu để làm nên món láp đã được bà con đóng gói, hút chân không bán sẵn trên thị trường.

Trong bữa cơm chiều muộn cuối năm trước khi chia tay huyện vùng biên để xuôi về phố thị, tôi vinh dự được thưởng thức những món ăn dân dã nhưng đậm chất vùng biên nơi đây. Ngoài thịt trâu gác bếp, lạp xưởng, láp Quang Chiểu thì bữa cơm còn có canh chuối rừng, cá suối nướng, bánh ú... - những món ăn giàu bản sắc dân tộc.

Đặc sắc ẩm thực vùng biên ngày Tết

Cá suối nướng

Tôi tin rằng, với mục tiêu, định hướng phát triển du lịch của huyện vùng biên Mường Lát, thì ẩm thực phong phú, đa dạng đến từ đồng bào các dân tộc, Thái, Mông, Dao... sẽ là những yếu tố tiên quyết thu hút du khách đến với nơi đây.

Đình Giang


Đình Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]