(vhds.baothanhhoa.vn) - Sách Đại Việt Sử ký toàn thư ghi lại việc vua Lê Ngọa Triều băng hà trong khi thái tử còn bé. Khi ấy hậu Đào Cam Mộc đã nói với Lý Công Uẩn rằng: “Bấy nay, chúa thượng ngu tối và bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, nên trời không cho hưởng thọ mà con nối thì thơ ấu, không thể kham nổi việc lớn đầy khó khăn, trăm sự đều phiền nhiễu, thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác tìm chân chúa. Vậy, sao Thân vệ không nhân cơ hội này mà nghĩ mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa thì xem dấu cũ của vua Thang, vua Vũ, gần thì xem việc của họ Đinh, họ Lê... trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng người chứ khư khư giữ chút tiết hạnh bề tôi nhỏ nhoi hay không?”

Đào Cam Mộc - vị Thái sư được thờ phụng ở nhiều nơi

Sách Đại Việt Sử ký toàn thư ghi lại việc vua Lê Ngọa Triều băng hà trong khi thái tử còn bé. Khi ấy hậu Đào Cam Mộc đã nói với Lý Công Uẩn rằng: “Bấy nay, chúa thượng ngu tối và bạo ngược, làm nhiều việc bất nghĩa, nên trời không cho hưởng thọ mà con nối thì thơ ấu, không thể kham nổi việc lớn đầy khó khăn, trăm sự đều phiền nhiễu, thần linh không ưa, dân chúng nháo nhác tìm chân chúa. Vậy, sao Thân vệ không nhân cơ hội này mà nghĩ mưu cao, quyết đoán sáng suốt, xa thì xem dấu cũ của vua Thang, vua Vũ, gần thì xem việc của họ Đinh, họ Lê... trên thuận lòng trời, dưới hợp lòng người chứ khư khư giữ chút tiết hạnh bề tôi nhỏ nhoi hay không?”

Đào Cam Mộc - vị Thái sư được thờ phụng ở nhiều nơiĐền thờ Đào Cam Mộc ở xã Định Tiến (Yên Định).

Khi nghe xong câu nói trên, Lý Công Uẩn sợ Đào Cam Mộc có mưu khác nên dọa bắt nạp cho bá quan. Đào Cam Mộc không sợ mà nói tiếp: “Tôi thấy việc trời và người như thế cho nên mới dám nói ra. Nay ông muốn tố cáo tôi thì tôi cũng xin thưa rằng tôi đâu sợ chết!”, Lý Công Uẩn nói: “Tôi đâu nỡ tố cáo ông, chẳng qua vì sợ lời nói của ông mà tiết lộ ra thì chúng ta đều phải chết nên mới răn như thế đó thôi”.

“Mưu đồ” ấy của Đào Cam Mộc (945-1015) đã được văn võ bá quan bằng lòng. Tháng 10 năm Kỷ Dậu (1009), Lý Công Uẩn lên ngôi, lấy hiệu là Lý Thái tổ - vị vua mở ra triều đại nhà Lý kéo dài 216 năm (1009 - 1225).

Lịch sử dân tộc đã dành nhiều trang viết ca ngợi vai trò của nhà Lý. Công lao lớn nhất trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi Hoàng đế chính là Vạn Hạnh thiền sư và Thái sư Á vương Đào Cam Mộc. Nếu nhà sư Vạn Hạnh là người nêu ý tưởng thì Thái sư Đào Cam Mộc là người tổ chức và trực tiếp chỉ huy việc đổi ngôi không đổ máu và diễn ra nhanh chóng.

Để có một danh tướng Đào Cam Mộc ấy, tích xưa kể lại: Một hôm, bà mẹ Cam Mộc ra sông Mã gánh nước, có quả bầu trôi cứ quẩn vào chân. Thấy lạ, bà vớt lên đem về nhà. Ít lâu sau, bà mang thai; đến lúc Cam Mộc ra đời, trong nhà có ánh hào quang tỏa rạng, mới biết sinh được quý tử.

Sử sách ghi lại, Đào Cam Mộc quê ở xã Định Tiến (Yên Định). Sau khi cha mất, ông được mẹ đưa về quê ngoại làng Nam Thạch, xã Yên Trung cùng huyện để nuôi dưỡng.

Sinh ra tỏa rạng ánh hào quang, đến tuổi trưởng thành, Đào Cam Mộc cũng là người có sức khỏe phi phàm, trí tuệ hanh thông hơn người. Một hôm, thuyền vua Lê Đại Hành đi qua sông bị mắc cạn, quân lính đẩy mãi mà không nhúc nhích, Đào Cam Mộc đã ra tay giúp sức. Vua nhìn thấy tài năng nên đã vời vào cung lo việc triều chính.

Ngoài công lớn trong việc đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, Đào Cam Mộc còn có công giúp nhà Lý xây dựng cơ nghiệp tự buổi ban đầu. Cũng vì tin tưởng vào con người Cam Mộc, mà vua Lý Thái tổ đã gả công chúa đầu là An Quốc cho ông. Để chuẩn bị cho công cuộc dời đô về Thăng Long, Lý Thái tổ đã phong Đào Cam Mộc chức Thiên Đô tiên phong tướng quân chỉ huy cuộc dời đô. Thực hiện trọng trách này, Đào Cam Mộc chuẩn bị hai đoàn thuyền gồm 300 chiếc, một ngả đi đường biển tiến về thành Đại La, một ngả nơi sông Nhi cũng lên thành Đại La. Khi thuyền đến chân thành thấy hai con rồng vàng hiện ra chào đón nhà vua, từ đó gọi là kinh thành Thăng Long. Thăng Long còn mang khát vọng về một vận nước bền lâu, quốc gia thịnh vượng, phồn vinh, trăm dân, muôn họ được an hưởng thái bình, hạnh phúc.

Đào Cam Mộc - vị Thái sư được thờ phụng ở nhiều nơiMột góc làng Lang Thôn, quê nội của Thái sư Đào Cam Mộc, vẫn giữ được nét mộc mạc, thanh bình.

Với công lao của Cam Mộc, khi mất, ông được vua truy tặng hàm Thái sư, tước Á vương và cho Nhân dân dựng miếu thờ ở nhiều nơi. Tại đất Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) đền thờ Thái sư Đào Cam Mộc đến nay đã không còn nữa, song 5 văn bia và một lư hương cổ bằng đá, cùng câu đối “Lý triều định đô vương tứ phúc/ Đào trạng văn quan quốc ân thân” do Lý Thánh tông vi hành qua ban tặng vẫn được bà con giữ gìn. Ngoài ra, ông cùng với 2 võ quan khác là Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu được thờ ở Võ chỉ thuộc đền thờ Lý bát đế (đền Đô, Từ Sơn, Bắc Ninh).

Ở quê hương Yên Định (Thanh Hóa), ông được dân thờ ở 3 nơi là chùa Hưng Phúc (xã Định Tiến, quê nội); nghè làng Nam Thạch (xã Yên Trung, quê ngoại) và nghè làng Bùi Hạ (xã Yên Phú). Một thời gian dài, 3 nơi thờ phụng này đều đã bị phá bỏ hoặc đổ nát. Tuy nhiên, đến nay di tích đền thờ Thái sư Á vương Đào Cam Mộc tại xã Yên Trung, Yên Định đã được phục hồi, tôn tạo. Đền thờ hiện tại vẫn giữ kiến trúc được dựng lại vào thời Lê, thế kỷ XVII. Còn ở quê nội, xã Định Tiến, ông được phối thờ tại chùa Hưng Phúc. Chia sẻ niềm vui khi đền thờ Thái sư Đào Cam Mộc được tôn tạo khang trang và quy mô, ông Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Ngôi chùa được xây dựng vào năm Kỷ Dậu - 1069, đời vua Lý Thánh tông. Do nhiều biến động của lịch sử, năm 2023, nhờ nguồn tiền đóng góp của bà con và huy động xã hội hóa, đền thờ đã được xây dựng và tu bổ, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của bà con trong thôn, trong xã, đồng thời nhắc nhớ con cháu phải luôn tự hào trên đất làng mình có vị Thái sư, người góp phần xây dựng cơ đồ vương triều Lý.

Riêng ở làng Bùi Hạ, xã Yên Phú, bà con vẫn nhắc về nghè thờ Thái sư. Nguyên do trước kia vào những năm lụt, nước sông Mã dâng cao, một số đồ thờ ở nghè Thái sư từ làng Nam Thạch, xã Yên Trung bị trôi về làng Bùi Hạ, xã Yên Phú. Dân làng Bùi Hạ nhận được đồ thờ, qua đọc bài vị bèn gửi trả lại nghè. Nhưng sau đó, khi tiếp tục lụt lội, những đồ thờ này vẫn trôi về đây, dân làng cho là thần linh nhắc nhở, bèn xây đền thờ, gọi là nghè Hạ. Đến nay, ở Yên Phú, câu chuyện về Đào Cam Mộc chỉ còn trong chuyện kể, dấu tích nghè Hạ khi xưa đã không còn.

“Sinh vi Lý tướng, tử vi Lê thần” câu nói ấy đủ để đúc kết cả cuộc đời của Thái sư Đào Cam Mộc: Sống làm tướng nhà Lý, chết làm thần nhà Lê. Công lao, khí tiết của ông đối với 2 vương triều nhà Tiền Lê và nhà Lý, không mấy ai trong lịch sử có được.

Đã 1.009 năm trôi qua, song tấm lòng ái quốc, tinh thần trung hiếu của ông vẫn là tấm gương để các thế hệ cháu con học tập, noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

Bài và ảnh: Chi Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]