Đất Mường Đủ có đền Tam Thánh
Trên vùng đất Mường Đủ xưa (nay là xã Thạch Bình, Thạch Thành) có đền Tam Thánh. Tương truyền, đây là nơi thờ bộ ba tướng dưới trướng của Tản Viên Sơn thần, gắn liền với truyền thuyết về việc các vị thần phù giúp vua Lý Nam Đế đánh giặc ngoại xâm. Đặc biệt, tại di tích có giếng nước như mang dáng hình bàn chân khổng lồ và người dân địa phương tin rằng, đó là dấu tích thần tiên xưa kia để lại.
Giếng nước có hình bàn chân khổng lồ bên trong đền Tam Thánh quanh năm trong mát
Làng Án Đổ, xã Thạch Bình còn được biết đến với tên gọi Mường Đủ - một mường lớn có con người đến cư ngụ, khai phá đất đai từ rất sớm. Nhờ chăm chỉ, cần cù lao động, người Mường Đủ đã cùng nhau tạo nên vùng đất mường ấm no, giàu có “chim bay mỏi giò, cò bay mỏi cánh” với những cánh đồng lúa bát ngát.
Đền Tam Thánh là nơi người Mường Đủ thờ bộ ba tướng của Tản Viên Sơn thần.
Cùng với lao động sản xuất, người Mường Đủ còn cùng nhau vun đắp, tạo nên những công trình kiến trúc gắn liền với đời sống tín ngưỡng. Trong đó, đền Tam Thánh ví như “điểm tựa” tâm linh của người Mường Đủ.
Đền Tam Thánh tọa lạc trên thế đất cao thoải - khi xưa vốn là một quả đồi. Đền được bao bọc bởi những cánh đồng lúa mênh mông. Đứng từ trên đền Tam Thánh nhìn xuống, thu vào tầm mắt là cả một vùng đồng ruộng trù phú, xen kẽ cả những núi thấp, đồi cao.
Từ đền Tam Thánh nhìn ra là cánh đồng Mường Đủ bát ngát
Thần phả của làng kể rằng, vào khoảng thế kỷ thứ 5, vua Lý Nam Đế trên đường dẫn quân đi đánh giặc ngoại xâm, khi qua đất Mường Đủ thì bỗng đất trời nổi giông tố. Trong cơn vần vũ của đất trời, nhà vua bỗng thấy trong không gian hiển hiện ba vị thần nhân cao lớn, tự xưng là tướng của Tản Viên Sơn thần. Biết vua Lý đi dẹp giặc nên hiện thân phù trợ, giúp sức.
Một mảng chạm khắc rồng trong nhà hậu cung đền Tam Thánh
Quả nhiên sau đó, trong trận chiến giao tranh với giặc, quân của vua Lý Nam Đế làm chủ thế trận, đánh cho giặc tan tác. Tin vào sự phù trợ của các vị thần, sau khi trở về, nhà vua đã ban cho dân làng Mường Đủ tiền bạc để lập dựng đền thờ. Người dân nơi đây cũng được miễn nghĩa vụ đóng góp trong 3 năm. Về sau, các triều đại phong kiến cũng nhiều lần ban sắc phong cho thần.
Đặc biệt, tại di tích còn có giếng nước hình như một bàn chân khổng lồ, nước chưa từng cạn, quanh năm trong mát. Người dân địa phương tin rằng, đó là bước chân để lại của một trong những vị thần năm xưa qua đây.
Tại đền Tam Thánh còn lưu giữ nhiều dấu ấn kiến trúc, điêu khắc thời nhà Nguyễn
Thuở ban đầu, đền Tam Thánh dựng bởi tranh tre nứa lá, đến thời nhà Nguyễn thì ngôi đền được dựng bằng gỗ với quy mô lớn, nhiều hạng mục, như nghi môn (nghinh môn), sân rộng, nhà tiền đường, nhà hậu cung, hai bên là nhà giải vũ. Đáng tiếc, đến nay nhà giải vũ không còn dấu tích. Chỉ còn nhà tiền đường và hậu cung cấu trúc theo kiểu chữ “Nhị”.
Trong đó, nhà tiền đường 5 gian bằng gỗ, không nặng về hoa văn trang trí, thay vào đó hướng đến sự vững chãi.
Nghi môn (nghinh môn) đền Tam Thánh đã được tôn tạo.
Khác với tiền đường, bên trong nhà hậu cung lại nổi bật bởi các mảng chạm khác gỗ cầu kì. Đề tài trang trí khá phong phú. Là hình lá cúc, chim phượng, rồng bay, hươu... đã được người nghệ nhân xưa “thổi hồn” vào từng thớ gỗ. Theo các nhà nghiên cứu, đây là những đề tài trang trí phổ biến vào thời Nguyễn ở nước ta.
Di tích đền Tam Thánh được người dân Mường Đủ gìn giữ qua nhiều thế hệ
Hằng năm, vào ngày 12 tháng 2 (âm lịch), người dân Thạch Bình lại theo chân nhau về đền Tam Thánh tổ chức lễ hội kỳ phúc đầu xuân, gửi gắm ước vọng được các vị thần linh phù trợ, chở che cho đời sống bình an, mùa màng bội thu.
Đền Tam Thánh là niềm tự hào của người dân Mường Đủ nói riêng, cũng đồng thời là một trong những di tích lịch sử văn hóa mang giá trị kiến trúc nghệ thuật nổi bật hiện còn lưu giữ trên địa bàn huyện Thạch Thành.
Khánh Lộc
{name} - {time}
-
2024-12-03 08:17:00
Festival Hoa Đà Lạt 2024 khơi nguồn cảm xúc từ không gian nghệ thuật khác biệt
-
2024-11-30 13:32:00
Trải nghiệm cảm giác mạnh ở Xứ Thanh
-
2024-07-13 09:27:00
Trung Tiến phát triển du lịch cộng đồng
Về Phúc Triền thăm đền thờ hai vị Tiến sĩ
Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho người nước ngoài làm việc
Có hẹn với Pù Luông
Lang Chánh: Phát triển du lịch gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa
Trên đất Kẻ Cuội
[WOW! THANH HOA] Sam Son Water Park - Siêu phẩm vui chơi giải trí mới nhất tại Sầm Sơn
Pù Luông rừng “vàng”, núi “bạc”
Bia đá ở danh thắng Kim Sơn
UNESCO: Cần đưa vòng tròn đá Stonehenge vào danh sách di sản bị đe dọa