(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa vẫn được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, có tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, phù hợp cho sự phát triển của du lịch. Sau đại dịch COVID-19, du lịch Thanh Hóa đã “bứt tốc” trở thành điểm sáng hút khách. Tuy nhiên, trong câu chuyện để du lịch xứ Thanh phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh thì vẫn còn đó không ít trăn trở.

Để du lịch xứ Thanh Thực sự hấp dẫn

Thanh Hóa vẫn được ví như một “Việt Nam thu nhỏ”, có tiềm năng, lợi thế về cảnh quan thiên nhiên cùng nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc, phù hợp cho sự phát triển của du lịch. Sau đại dịch COVID-19, du lịch Thanh Hóa đã “bứt tốc” trở thành điểm sáng hút khách. Tuy nhiên, trong câu chuyện để du lịch xứ Thanh phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh thì vẫn còn đó không ít trăn trở.

Để du lịch xứ Thanh Thực sự hấp dẫnPù Luông hiện là điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng hấp dẫn tại Thanh Hóa.

Phát triển du lịch không “đánh mất” bản sắc

Cách TP Thanh Hóa khoảng 120 km, huyện miền núi Bá Thước được thiên nhiên ban tặng cho nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Đặc biệt, nơi đây có Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông rộng lớn và đỉnh Pù Luông cao 1.700m so với mực nước biển. Quần thể rừng nguyên sinh với hệ thực vật, động vật phong phú là tiềm năng tiên quyết để Bá Thước khai thác, phát triển du lịch cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông xứ Thanh đã thực sự trở thành “điểm sáng” trên “bản đồ” du lịch sinh thái cộng đồng trong cả nước.

Năm 2022, bước qua đại dịch, hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Bá Thước tăng trưởng mạnh trở lại. Trong năm, Bá Thước đón trên 82.600 lượt khách (5.447 lượt khách quốc tế) đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn huyện, tập trung chủ yếu ở Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông. Năm 2023, huyện Bá Thước phấn đấu đón hơn 100.000 lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch phấn đấu đạt khoảng 100 tỷ đồng.

Ông Trương Văn Minh - Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bá Thước cho biết: “Sau một thời gian khai thác và phát triển, du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông đã đạt được nhiều kết quả thực sự rất ấn tượng. Du lịch cộng đồng không chỉ nâng cao đời sống người dân mà còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, để du lịch sinh thái cộng đồng ở Pù Luông phát triển bền vững thì cần phải hết sức tránh chuyện phát triển nóng như “bài học” nhãn tiền xảy ra ở một số địa phương. Quan trọng là phải làm tốt công tác quy hoạch, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên - yếu tố làm nên “sức hấp dẫn” của du lịch Pù Luông; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa bản địa, cùng với đó là đa dạng các loại hình du lịch để du khách về Pù Luông có thêm những trải nghiệm, khám phá. Hiện nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của người dân bản địa, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số đang đứng trước nguy cơ mai một do người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa gắn với phát triển du lịch. Thời gian vừa qua, bên cạnh khôi phục các lễ hội truyền thống, huyện Bá Thước cũng tổ chức các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống (dân ca, dân vũ, khặp Thái, xường Mường...) cho người dân các địa phương làm du lịch cộng đồng”.

Giữ gìn hình ảnh người xứ Thanh và chú trọng phát triển du lịch bốn mùa

“Du lịch Thanh Hóa nhiều tiềm năng, nhiều điểm đến hấp dẫn song tính “kết nối” giữa các điểm đến còn chưa thực sự hiệu quả, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút khách du lịch về với Thanh Hóa” - đó là ý kiến của ông Phạm Tiến Hải, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch quốc tế Long Hải.

Để du lịch xứ Thanh Thực sự hấp dẫnĐể tăng tính “cạnh tranh” cho du lịch xứ Thanh thì cần phải phát triển sản phẩm đón khách bốn mùa (trong ảnh: Bể bơi bên bờ biển của Khách sạn Hải Tiến Resort).

Theo ông Phạm Tiến Hải, hiện nay có khá nhiều điểm đến trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được định vị trong lòng du khách, hay nói dễ hiểu hơn, nhắc đến du lịch Thanh Hóa, du khách nghĩ đến Sầm Sơn, Pù Luông, Lam Kinh, Hải Tiến... đây là điều rất đáng mừng. Song bên cạnh đó, dù tỉnh Thanh Hóa đã dành nhiều quan tâm đến việc kết nối các điểm đến nhưng thực tế, hiệu quả liên kết giữa các điểm đến chưa như kỳ vọng. Chưa kể, câu chuyện kết nối giữa các điểm đến, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với các đơn vị lữ hành cũng chưa thực sự chặt chẽ; câu chuyện giá cả dịch vụ cũng là vấn đề cần được các bên ngồi lại tính toán cùng nhau. Nhiều nhà hàng, khách sạn vẫn kinh doanh theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Bởi nếu so với nhiều địa phương làm du lịch trong cả nước thì giá cả dịch vụ du lịch (ăn uống, nghỉ ngơi) tại một số điểm đến ở Thanh Hóa vẫn ở mức khá cao, như vậy đồng nghĩa tính cạnh tranh hạn chế, đặc biệt là trong giai đoạn kinh tế suy thoái hiện nay, việc người dân chi tiền cho dịch vụ du lịch cũng được cân nhắc nhiều.

Một trong những nguyên do dẫn đến giá cả dịch vụ du lịch ở Thanh Hóa cao cũng xuất phát từ nguyên do du lịch mùa vụ, đặc biệt là đối với du lịch biển. Đây là vấn đề mà theo tôi nhiều địa phương, tỉnh thành làm du lịch trong nước đã vượt qua, điển hình trong đó là Đà Nẵng. Hiện nay du khách đến Đà Nẵng đâu phải chỉ có tắm biển. Ngay bên cạnh Thanh Hóa là Ninh Bình. Nếu so về tiềm năng, sản phẩm du lịch thì Thanh Hóa không hề kém Ninh Bình, thậm chí còn nổi bật hơn, nhưng tại sao du khách vẫn “đổ” về Ninh Bình bốn mùa trong năm? Nếu không làm - không có du lịch bốn mùa thực sự thì du lịch Thanh Hóa sẽ rất khó có thể cạnh tranh. Dĩ nhiên, để có thể làm du lịch bốn mùa thì ngoài sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh du lịch (nhà hàng, khách sạn) cũng phải đầu tư nhiều hơn, nhìn rộng hơn, xa hơn, thậm chí chấp nhận “giảm” bớt lợi nhuận trước mắt để “hút” khách về sau, ông Phạm Tiến Hải chia sẻ quan điểm.

Và trên quan điểm của người làm du lịch, ông Phạm Tiến Hải cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, tạo nên sức hút - sức hấp dẫn của những điểm đến du lịch ngoài tiềm năng cảnh quan, giá trị văn hóa thì “con người” cũng là một thứ “tài nguyên” du lịch. Những năm gần đây, việc quảng bá hình ảnh đất và người xứ Thanh rất được quan tâm. Theo đó những hình ảnh tốt đẹp về người Thanh Hóa thông qua các phương tiện thông tin đại chúng đã được lan tỏa đến bạn bè trong và ngoài nước. Tuy nhiên đâu đó, vẫn có xảy ra những hình ảnh chưa đẹp về người xứ Thanh; một số người làm kinh doanh, du lịch vì cái lợi bản thân mà làm ảnh hưởng đến nỗ lực xây dựng, gây dựng hình ảnh người Thanh Hóa của các cộng đồng...

Năm 2022, du lịch Thanh Hóa đón trên 11 triệu lượt khách, trong 5 tháng đầu năm 2023, du lịch Thanh Hóa đã đón gần 5,8 triệu lượt khách, những số liệu đã khẳng định cho sức hút của du lịch Thanh Hóa. Tuy nhiên, trong bài phỏng vấn: Du lịch Thanh Hóa “bứt tốc” hậu COVID-19, nói về những giải pháp nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế của du lịch hiện nay, ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẳng thắn chia sẻ: “Ngoài tiếp tục đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch nội địa; tổ chức chiến dịch quảng bá với thông điệp “Du lịch Thanh Hóa - Hương sắc bốn mùa” và “Du lịch Thanh Hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn”... cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; tập trung quản lý dịch vụ, thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh du lịch; kiểm soát việc công khai giá dịch vụ theo quy định và bán đúng giá niêm yết”.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]