Đề xuất sự miễn phí rất đáng giá
Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây công bố Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục để lấy ý kiến rộng rãi.
Trong số nội dung sửa đổi đó có một nội dung rất đáng chú ý đó là Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thêm quy định: Học sinh phổ thông được miễn phí tham quan các thiết chế văn hóa như bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và chuẩn hóa từ ngữ để phù hợp với Luật Di sản văn hóa.
Vấn đề này nhận được sự hoan nghênh của nhiều người, trong đó có cả những người trực tiếp liên quan.
Bày tỏ quan điểm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa Trịnh Đình Dương cho biết lượng khách đoàn là học sinh đến bảo tàng khá đông thời gian qua và đóng góp đáng kể vào nguồn thu thông qua phát hành vé. Tuy nhiên, so với lượng học sinh trên địa bàn tỉnh, thì số học sinh đến bảo tàng còn khiêm tốn. Một trong những rào cản khiến các em chưa đến bảo tàng có lẽ là còn phải mua vé.
Khi được hỏi ý kiến của ông như thế nào trước việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất học sinh phổ thông được miễn phí tham quan các thiết chế văn hóa, trong đó có bảo tàng sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của đơn vị, ông Dương cho biết rất vui về việc này. Bảo tàng cần có công chúng, nhất là học sinh. So với cái mất một vài trăm triệu tiền bán vé mỗi năm, cái được lớn hơn rất nhiều.
Bảo tàng có khách thì mới phát huy được giá trị công năng. Mà đó lại là các vị khách đang rất cần những kiến thức lịch sử, văn hóa, nhất là lịch sử địa phương.
Lâu nay, nhiều học sinh tỏ ra thờ ơ, ngại học môn Lịch sử, là bởi các em sợ những sự kiện dài dòng, khô khan, những mốc lịch sử khó nhớ. Nhưng khi những bài học lịch sử ấy được minh chứng sống động bằng hiện vật, mô hình, tranh vẽ, hình ảnh phụ trợ... thì chắc chắn sẽ khơi nguồn cảm hứng trong các em, học sinh sẽ say mê, không còn quay lưng với môn Lịch sử.
Bảo tàng đã có thăm dò ở nhiều học sinh đến tham quan, phần lớn các em đều hào hứng với hiện vật, tư liệu từ bảo tàng. Các em cho biết sẽ yêu lại môn Lịch sử.
Một vấn đề nữa, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, khi học môn Lịch sử hoặc tra cứu một vấn đề gì đó, học sinh thường nghĩ đến việc tìm kiếm trên mạng cho nhanh mà không biết những thông tin ấy mức độ chính xác đến đâu, nhất là những vấn đề thuộc về lịch sử địa phương. Khi các em đến bảo tàng hay tham quan di tích, trưng bày bổ sung tại di tích, sẽ phần nào giải đáp, cung cấp thông tin chính xác cho các em.
Học lịch sử và hiểu biết lịch sử, yêu lịch sử là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. Trước những vấn đề đang gây khó khăn cho việc tiếp cận môn học này, thì đây được xem là một hướng mở, thúc đẩy, khơi nguồn cảm hứng để học sinh đến với bảo tàng, di tích lịch sử - văn hóa, từ đó thêm yêu lịch sử, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước.
Hạnh Nhiên
{name} - {time}
-
2024-12-08 08:21:00
Chăn mùa đông này có sử dụng được cho năm sau?
-
2024-12-06 07:50:00
Cuối năm, chuyện nên bỏ
-
2024-10-25 15:49:00
Chợ quê đã vơi bớt “chân quê”