Dẻo thơm gạo nếp vùng biên
Những năm qua, tỉnh Thanh Hóa không chỉ nhân rộng diện tích, phát triển các vùng sản xuất lúa nếp quy mô lớn mà còn chú trọng áp dụng khoa học – kỹ thuật, phát triển các giống lúa nếp đặc sản, nâng cao năng suất, chất lượng. Việc phát triển giống lúa nếp đặc sản tạo vùng sản xuất hàng hóa, giúp bà con nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần bảo tồn các gen quý giống lúa đặc sản. Qua đó, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm lúa nếp trên thị trường.
Lúa nếp Cay Nọi trồng ở xã Quang Chiểu (Mường Lát). Ảnh: TL
“Ăn cơm nếp, ngủ nhà sàn” là câu nói quen thuộc, ai cũng được nghe khi đặt chân đến những bản làng của người Thái, người Mường. Cơm nếp vừa là thực phẩm thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày, trong hành trang lên nương, lên rẫy hay trong những dịp lễ, tết, ngày hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của bà con các dân tộc thiểu số như làm vía, cơm mới, các sự kiện lớn của gia đình, của các bản mường, các xã.
Mặc dù với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt và sự giao thoa trong văn hóa ngày càng mạnh mẽ, nhiều sản phẩm, thực phẩm đã được đưa vào mâm cơm của từng gia đình, từng làng bản, nhưng với đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền Tây Thanh Hóa vẫn luôn gìn giữ sản xuất, canh tác các giống lúa nếp địa phương. Để rồi, đưa các sản phẩm lúa nếp tạo nên các món ăn đặc trưng của đồng bào và phát triển thành các sản phẩm đặc sản, sản phẩm OCOP của địa phương.
Về với huyện vùng cao biên giới Mường Lát, chúng tôi có dịp được thưởng thức món xôi nếp Cay Nọi dẻo thơm của đồng bào dân tộc Thái. Lúa nếp Cay Nọi được bà con gieo trồng từ xa xưa và gìn giữ đến ngày nay. Cây lúa nếp Cay Nọi được bà con dân tộc Thái ở xã Quang Chiểu, Mường Chanh, thị trấn Mường Lát trồng nhiều, trong đó, xã Quang Chiểu có diện tích nhiều nhất. Hiện nay, sản phẩm OCOP gạo nếp Cay Nọi của Mường Lát do HTX nông lâm Chung Thành (Quang Chiểu) sản xuất được thị trường ưa chuộng bởi sự độc đáo về nguồn gốc, dẻo thơm. Lúa nếp Cay Nọi chỉ trồng duy nhất vào vụ thu mùa.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, cho biết: Những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành; nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trồng trọt của Trung ương, của tỉnh và các địa phương tiếp tục được triển khai trên địa bàn huyện Mường Lát. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên, địa hình chủ yếu là đồi, núi dốc; khí hậu, thời tiết diễn biến rất phức tạp, lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thiếu ảnh hưởng không nhỏ đến việc gieo trồng cây lương thực và cây hoa màu trên địa bàn. Tổng diện tích gieo trồng vụ chiêm xuân năm 2024 toàn huyện là 1.007,1ha, trong đó, cây lúa nước gieo trồng 881,1/850ha. Lúa nếp với các giống chủ lực ĐT52; N97; nếp Liên hoa, nếp Ngọc lam; nếp địa phương chiếm cơ cấu 55% tổng diện tích gieo trồng. Đối với vụ thu mùa 2024, tổng diện tích gieo trồng toàn huyện là 6.067ha; trong đó các cây trồng chính là lúa nước 1.097ha, lúa rẫy 1.070ha. Huyện Mường Lát chú trọng đến sản xuất, gieo trồng giống lúa nếp đặc sản địa phương, nổi bật là lúa nếp Cay Nọi và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Hiện nay, vùng trồng lúa nếp Cay Nọi trên địa bàn huyện là 570ha, riêng xã Quang Chiểu 320ha. Huyện đã và đang đề ra giải pháp nâng cao sự phối hợp với các phòng, ban, ngành liên quan, các tổ chức chính trị xã hội và chính quyền cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nói chung, cây lúa nếp đặc sản nói riêng. Cùng với việc rà soát bố trí vùng sản xuất lúa nếp, huyện xác định rõ cơ cấu giống, chủng loại lúa nếp, thời vụ gieo trồng, phát triển diện tích lúa nếp Cay Nọi. Đồng thời triển khai, kiểm tra, đôn đốc thực hiện sản xuất theo đúng thời vụ, thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc bảo vệ cây trồng.
Ở huyện vùng cao Quan Sơn, cây lúa nếp Cay Nọi được trồng nhiều nhất ở các xã Mường Mìn, Sơn Điện, Sơn Thủy, Na Mèo. Cây lúa nếp được đồng bào dân tộc Thái lựa chọn, lưu giữ hạt giống bản địa kết hợp với nguồn nước sạch chảy từ các khe, suối; những cánh đồng với chất đất của miền núi cao và thêm vào đó là khí hậu đặc trưng đã tạo ra được những hạt gạo tròn mẩy, dẻo, thơm ngon. Hiện nay, nhu cầu sử dụng sản phẩm gạo nếp truyền thống được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, để gạo nếp vươn xa, huyện Quan Sơn chú trọng đến xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa nếp Cay Nọi. HTX nông nghiệp xanh Duy Linh, thị trấn Sơn Lư đã xây dựng thành công sản phẩm OCOP Cay Nọi Mường Xia (Quan Sơn).
Gạo nếp Cay Nọi Mường Xia (Quan Sơn) được công nhận sản phẩm OCOP.
Chị Vi Thị Thơm, Phó Giám đốc HTX nông nghiệp xanh Duy Linh cho biết: "Tháng 4/2022, tổ hợp tác sản xuất lúa nếp Cay Nọi tại xã Mường Mìn đã phát triển thành HTX nông nghiệp xanh Duy Linh, với vùng lúa nguyên liệu 60ha, từng bước áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã đi vào ổn định và cho năng suất cao. Năm 2023, HTX thu mua, bao tiêu sản phẩm gạo nếp Cay Nọi cho bà con Nhân dân với sản lượng khoảng 15 tấn, dự kiến vụ thu mùa 2024 sẽ thu mua khoảng 20 tấn cho bà con Nhân dân trên địa bàn huyện. Chúng tôi mong muốn giữ gìn sản phẩm, nét văn hóa truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc, vừa phát triển, đưa sản phẩm tinh hoa của đất trong từng hạt gạo đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Đồng thời tạo điều kiện để bà con phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương".
Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh ở khu vực miền núi, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4079/QĐ-UBND ngày 24/11/2022 phê duyệt Đề án “Phát triển các mô hình cây trồng, vật nuôi, dược liệu, sản phẩm lợi thế khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2022-2025”. Theo đề án, cây lúa nếp được xác định là cây trồng có lợi thế, tiêu biểu với giống lúa nếp Cay Nọi, Khẩu cú, hạt cau, nếp cái hoa vàng. Lúa nếp Cay Nọi được trồng ở các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Thường Xuân; lúa nếp Khẩu cú ở Quan Hóa; lúa nếp hạt cau ở Ngọc Lặc; nếp cái hoa vàng ở huyện Thạch Thành.
Cùng với đó, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ 2021-2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 3781/QĐ-UBND ngày 17/10/2023 phê duyệt Dự án “Sản xuất và tiêu thụ giống lúa nếp hạt cau đặc sản gắn với xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, đem lại hiệu quả kinh tế cao” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Sản phẩm nông nghiệp được thực hiện liên kết giữa HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, HTX sản xuất thương mại nông nghiệp sạch Hoằng Đạo, Công ty TNHH Phân bón Tre Xanh (thực hiện giai đoạn 2023-2025). Quy mô liên kết 36ha/180 hộ tham gia (trong đó có 99 hộ nghèo, 59 hộ cận nghèo, 22 hộ mới thoát nghèo) trên địa bàn xã Cẩm Phú (Cẩm Thủy), xã Thạch Lập (Ngọc Lặc).
Bài và ảnh: Bùi Huấn
- 2024-09-24 08:56:00
Góp phần nâng cao vị thế cho thương hiệu Việt
- 2024-09-10 07:00:00
[REVIEW OCOP] Mật ong Thành Kim: Ngọt ngào từ rừng núi Thạch Thành
- 2024-06-07 13:13:00
Quà tặng góp phần định vị thương hiệu du lịch xứ Thanh
Phát huy tài nguyên bản địa phát triển sản phẩm
Xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm đặc trưng
Xây dựng sản phẩm gắn với phát triển du lịch miền núi Thanh Hóa
Nỗ lực khẳng định thương hiệu cho cây dưa xứ Thanh
Cây khoai mán lòng vàng ở Ché Lầu
Phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi - nhiều khó khăn cần khắc phục
Tích cực quảng bá, tiêu thụ sản phẩm
Nuôi vịt đặc sản ở miền Tây xứ Thanh
Bài học kinh nghiệm quý trong phát triển sản phẩm OCOP 5 sao