(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nằm ở phía Tây Thanh Hóa, huyện Bá Thước có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bá Thước: Đất vàng du lịch mong mỏi được đầu tư, khai thác

(VH&ĐS) Nằm ở phía Tây Thanh Hóa, huyện Bá Thước có tiềm năng rất lớn về điều kiện tự nhiên và truyền thống văn hóa để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tiềm năng du lịch sinh thái

Theo nhiều chuyên gia ngành du lịch, trong 6 điểm du lịch sinh thái hấp dẫn ở Bá Thước (Pù Luông, suối cá xã Văn Nho, thác Hiêu, thác Muốn, hang Dơi, Kho Mường) thì Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, KT-XH và đặcbiệt là du lịch sinh thái có sức hút du khách lớn nhất. Về với Pù Luông du khách sẽ có cảm giác như lạc vào thung lũng cách biệt hẳn với bên ngoài. Một màu xanh mướt trải khắp các cánh rừng, ruộng bậc thang trùng điệp, những dãy nhà sàn dựa lưng vào núi…đã mang lại cho du khách cảm giác thư thái, dễ chịu. Với cảnh quan phong phú, đa dạng với hệ thống núi đá vôi thấp nên đến đây du khách có nhiều sự lựa chọn để thưởng thức vẻ đẹp kỳ thú.

Son - Bá - Mười là ba bản của xã Lũng Cao thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông có khí hậu không kém Đà Lạt. Bà con dân tộc ở đây đa phần là Thái Đen, họtham gia làm du lịch sinh thái từ nhiều năm nay, nơi đây đã thu hút lượng lớn khách du lịch ngoài tỉnh, đông nhất là vào mùa hè. Ngoài ba bản Son - Bá - Mười còn có bản Hin cũng tham gia làm du lịch sinh thái rất hiệu quả.

Khu nghỉ dưỡng ở bản Đôn, xã Thành Lâm (Bá Thước).

Đến bản Hiêu, du khách được ngắm nhìn những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc Thái ẩn hiện lưng chừng núi, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thác nước dưới chân núi đá vôi. Càng đi sâu vào chân thác, ta càng cảm nhận rõ sự hùng vĩ của thiên nhiên một vùng hoang sơ nhưng kỳ thú. Thác nước như một dải lụa trắng vắt qua những bậc đá tượng trưng cho những cung bậc tình yêu.

Sau thời gian khám phá vẻ đẹp của thác Hiêu, du khách lại có dịp thưởng thức những món ăn dân tộc truyền thống, vị ngọt dịu của rượu cần và những làn điệu khặp Thái của các chàng trai hòa quện với điệu xòe uyển chuyển của các cô gái. Hiện tại, bản Hiêu có 8 nhà nghỉ phục vụ du lịch sinh thái cộng đồng, trung bình mỗi tháng có 3.260 lượt khách đến tham quan, trong đó khách nước ngoài trên dưới 260 lượt người, khách trong nước khoảng 3.000 lượt người. Với giá 220.000 đồng/1 ngày, đêm đối với khách du lịch nước ngoài và 70.000 đồng đối với khách trong nước thì mỗi hộ gia đình có thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng, một số hộ thu nhập cao từ 15 đến 25 triệu đồng/tháng.

Và những chồng chất khó khăn

Đến Bá Thước du khách còn được thưởng thức nét văn hóa ẩm thực như cơm lam, canh đắng, măng đắng, các món ăn được chế biến từ vịt Cổ Lũng. Sau khi được tận hưởng những món ăn đặc sản của vùng đất nơi đây, du khách nên tận hưởng dịch vụ nghỉ dưỡng tại nhà dân. Ở đây du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống hằng ngày của người dân bản địa để hiểu sâu hơn những nét văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

Ngoài ra, Pù Luông còn nằm giữa vòng tour du lịch Hà Nội - Mai Châu (Hoà Bình) - Cúc Phương (Ninh Bình) - Suối cá Cẩm Lương - Thành Nhà Hồ - Lam Kinh, khiến nơi đây trở thành điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng của du khách trong và ngoài nước.

Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng VH-TT huyện Bá Thước Lê Hùng Chúc cho biết: Bá Thước có tiềm năng phát triển du lịch khá dồi dào nhưng chưa được phát huy đúng mức. Bởi lẽ, nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đang còn nhiều hạn chế, bất cập khiến ngành du lịch của huyện vẫn dẫm chân tại chỗ, nếu có chỉ mang tính tự phát, manh mún.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng phục vụ cho phát triển du lịch chưa được đáp ứng nhu cầu khách du lịch. Xác định du lịch, dịch vụ là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của du khách cũng như góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của huyện, trong thời gian tới Bá Thước sẽ đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong phát triển du lịch nhằm thực hiện tốt công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch, kết hợp hài hòa giữa quảng bá du lịch với quảng bá truyền thống văn hóa đặc sắc của địa phương.

Huyện cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ cho việc phát triển du lịch. Ngoài ra huyện cũng sẽ chú trọng hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư; tăng cường vai trò của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc quản lý và phát triển du lịch.

Xuân Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]