(vhds.baothanhhoa.vn) - 1.Huyệt đạo Ngàn Nưa nằm cao vời trên dãy núi Nưa (Na Sơn), ngọn núi chủ của đồng bằng xứ Thanh. “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn soạn vào đời Tự Đức (1848-1883) do Á Nam Trần Tuấn Khải dịch đã chép cụ thể về Na Sơn: “Ở phía Tây huyện Nông Cống có khu Na Sơn (núi đuổi ma). Tương truyền núi này có rất nhiều ma quỷ, trước có một vị sơn tăng đến đây đọc chú, dần dần quỷ biến mất nên mới gọi tên như thế. Mạch núi từ huyện Lôi Dương đổ lại, từng dãy liên tiếp, dài suốt mười mấy dặm trường”.

Bà Triệu và núi Ngàn Nưa

1.Huyệt đạo Ngàn Nưa nằm cao vời trên dãy núi Nưa (Na Sơn), ngọn núi chủ của đồng bằng xứ Thanh. “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn soạn vào đời Tự Đức (1848-1883) do Á Nam Trần Tuấn Khải dịch đã chép cụ thể về Na Sơn: “Ở phía Tây huyện Nông Cống có khu Na Sơn (núi đuổi ma). Tương truyền núi này có rất nhiều ma quỷ, trước có một vị sơn tăng đến đây đọc chú, dần dần quỷ biến mất nên mới gọi tên như thế. Mạch núi từ huyện Lôi Dương đổ lại, từng dãy liên tiếp, dài suốt mười mấy dặm trường”.

Bà Triệu và núi Ngàn NưaĐền Nưa - Am Tiên, nơi khởi điểm dấy binh chống Đông Ngô của Bà Triệu. Ảnh: Lê Văn Sơn

Theo nghiên cứu của Phạm Tấn - Phạm Tuấn, “Núi Na đá mọc chênh vênh/ Cây um tùm nước long lanh khói mờ”; “Trập trùng núi dựng trời Tây/ Na Sơn một dải xuyên mây chín tầng” cách TP Thanh Hóa chưa đầy 20 km. Đỉnh Am Tiên tuy ở độ cao hơn nửa kilômét nhưng có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt không bao giờ cạn, dân gian gọi là giếng Tiên, tương truyền là giếng dành riêng cho Bà Triệu tắm.

Cách đó không xa là một hố nước rộng gọi là ao Hóp, nơi cung cấp nước cho nghĩa quân Bà Triệu. Trên đỉnh Ngàn Nưa có cả bàn cờ tiên, vườn thuốc tiên và vườn đào tiên mà sử sách và truyền thuyết nhắc đến như một trung tâm của sự tu tiên đắc đạo; có chùa cổ, khu vực lộ thiên thờ Tản Viên Sơn Thánh và đền Chúa Thượng Ngàn (tức Bà Triệu hóa thân theo cách nghĩ dân gian), miếu thờ vị đạo sĩ thời Trần - Hồ, cho thấy vào cuối thế kỷ XIV Đạo giáo đã du nhập đến và từ đó lan tỏa khắp vùng xung quanh.

2.Thuở xưa núi được gọi là Ngàn bởi rừng rậm rạp bạt ngàn gỗ quý. Nưa là tên gọi thần thoại của ông khổng lồ gánh núi, san đồng thuở khai thiên lập địa. Theo nhiều bà con miền biển khi lênh đênh đánh cá ngoài khơi, họ thường lấy đỉnh Ngàn Nưa làm chuẩn để tìm phương hướng về bờ. Nguyễn Trãi khi viết về tỉnh Thanh trong Dư địa chí đã nêu “Núi Na” là một đề mục, mặc dầu Thanh Hóa có vô số núi cao, sông dài.

Đây là bức thành phía Đông Nam của một thung lũng rộng lớn, nằm trên vành đai đất cao giữa đồng bằng châu thổ và miền núi, các di tích lăng mộ Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, các chiến lũy Ba Đình, Mã Cao, căn cứ du kích Ngọc Trạo, Lò Cao kháng chiến Hải Vân đều nằm trên vành đai này. Cái tên Ngàn Nưa có từ lâu đời (Em đã chịu lấy anh chưa/ Để anh đẵn gỗ Ngàn Nưa làm nhà), cho tới trước năm 1945, các tay thiện xạ vẫn còn cái thú say mê vật lộn với voi đàn, voi độc và hùm beo lẻn về quấy nhiễu các thôn xóm quanh chân núi.

Nói đến Ngàn Nưa là phải nói đến Bà Triệu. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Lênh, những sách viết vào thế kỷ IV - V như “Nam Việt chí”, “Giao Châu ký” bắt đầu chép truyện về Triệu Thị Trinh, người con gái quận Cửu Chân cài trâm vàng, đi guốc ngà, cưỡi voi chiến đấu ở trận tiền. Đến thế kỷ XX, chuyện về bà được nhắc đến nhiều trong “Thanh Hóa kỷ thắng” của Vương Duy Trinh, “Những danh nhân quê ở Thanh Hóa” của học giả người Pháp Le Breton, “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim…

Theo đó, năm 231 khi Bà Triệu mới lên 6 tuổi, nhà Ngô cử Lữ Đại sang Cửu Chân đánh dẹp và tàn sát hàng vạn người nổi dậy chống đô hộ ngoại tộc, trong khi dân số không quá 12 vạn. Người con gái họ Triệu mồ côi cha mẹ ở với anh là Triệu Quốc Đạt, đến tuổi đôi mươi, khi được hỏi về chuyện chồng con, đã trả lời: “Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình Biển Đông, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Có người xem đây là lời tuyên bố độc lập đầu tiên của dân tộc ta, trước cả “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt.

Năm 248, bà khởi binh cùng anh, xây thành đắp lũy, cưỡi voi mặc áo giáp vàng, xưng là Nhụy Kiều tướng quân. Toàn Giao Châu náo động. Nhà Ngô sai Lục Dận (cháu của danh tướng Lục Tốn) sang làm thứ sử, đem theo 8.000 quân cứu viện, bà chống lại được chừng nửa năm, quân ít thế cô đánh mãi phải thua, khi đó mới chừng 23 tuổi.

Bà không có cái hào quang dòng dõi Hùng Vương của Hai Bà Trưng trước đây, không có cái quyền lực của một hào trưởng như Lý Nam Đế sau này, không có mối thù riêng tây nào phải trả, không có quyền lợi riêng tư nào bị xâm phạm trực tiếp, mà chỉ có lòng thương dân bị kẻ tàn ác quấy nhiễu. Lý Nam Đế khi đánh Lâm Ấp đã dừng chân ở Hà Trung lấy tấm gương tuổi hai mươi của bà để động viên binh sĩ, khi thắng trận trở về ông đã tôn bà làm thần và phong là “Bật chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân”.

3.Theo cố GS Vũ Ngọc Khánh, bài ca dao cổ nổi tiếng bậc nhất liên quan đến Bà Triệu: “Ru con con ngủ cho lành/ Để mẹ gánh nước đổ bành con voi/ Muốn coi lên núi mà coi/ Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng/ Túi gấm cho lẫn túi hồng/ Têm trầu mũi mác để chồng ra quân”. Bên hữu ngạn sông Mã, tại vùng Cẩm Trướng, xã Định Công có chuyện “đá biết nói”, kể rằng các mưu sĩ trong quân Bà Triệu những ngày đầu đã đục núi Quan Yên, bí mật cho người ngồi trong hốc đá đọc bài đồng dao: “Có Bà Triệu tướng/ Vâng mệnh trời ra/ Trị voi một ngà…” để gây dựng thanh thế. Truyền rằng vùng này dân còn bắt được một cái cồng (“Lệnh ông (Triệu Quốc Đạt) không bằng cồng bà (Triệu Trinh Nương)”) trong hốc cây cổ thụ, nghe đâu do một viên tướng chính quê ở đây trốn về sau khi bà mất, đem giấu.

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, sử Trung Quốc cũ buộc phải ghi nhận một thực tế hùng hồn: “Toàn thể Châu Giao đều chấn động” (Ngô chí, quyển 16). Đỉnh chấn động đó là cuộc khởi nghĩa Bà Triệu. Truyền thuyết dân gian chỉ đường cho những người muốn “coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng” khởi nghĩa thì “lên núi mà coi” - ngọn núi lịch sử đó là Ngàn Nưa.

Vào năm 1962, cách núi Nưa không đến 4 km về phía Đông Nam, khảo cổ học đã phát hiện thấy một ngọn đồi có độ cao 19m so với mặt nước biển dài 1 km rộng 250m, từ đây xuất lộ di tích của một nơi cư trú cổ, rất lớn, mà tầng văn hóa của nó còn ăn lan ra cả xung quanh, rộng chưa từng thấy, ước tính khoảng 910.000m2. Bộ di vật tìm thấy gồm giáo, lao, rìu, đục, trống… bằng đồng thau, mang những đặc trưng rất rõ của văn hóa Đông Sơn giai đoạn cuối cùng. Đây rất có thể là vùng quần cư của những cư dân đông đảo sau khi theo các vua Hùng dựng nước trước CN, tránh được cuộc tàn sát của Mã Viện đầu CN, đến giữa thế kỷ thứ III đã là những người đầu tiên đi theo và làm nòng cốt cho cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu.

Cũng trong năm 1962, công nhân mỏ crômít Cổ Định đã đào được một thanh đoản kiếm bằng đồng thau ở núi Nưa, đây là một loại vũ khí tùy thân, đồng thời là một thứ nghi trượng của một nữ thủ lĩnh cổ đại. Có lẽ câu truyền ngôn “Na Sơn nhất phiến, nhất hô thiên hạ biến” (tại núi Nưa, hô một tiếng, chuyển thiên hạ) gắn liền với người phụ nữ hào hùng đầu tiên của xứ Thanh - Bà Triệu.

4.Tên huyện Triệu Sơn được đặt hàm nghĩa “núi của Bà Triệu”. Đền Nưa - Am Tiên còn có tên Na Sơn từ, là nơi thờ Bà Triệu nên dân gian còn gọi là đền Đức Vua Bà hay đền Bà Chúa Ngàn Nưa, tọa lạc ở cửa rừng, đã có từ rất xa xưa. Sau khi đền bị thực dân Pháp tàn phá, dân trong vùng đã thu nhặt gạch đá để xếp tạm thành một bệ thờ ở ngoài với những bát hương đơn sơ để thờ cúng bà. Triều Tự Đức đã chuẩn y bản tấu của tri huyện Cao Bá Đạt, cho trích công quỹ 1.200 quan tiền để dựng lại đền Nưa, sắc phong là thượng đẳng thần với duệ hiệu “Đệ nhất Thiên tiên Thánh mẫu, sơn trang Thượng ngàn Bạch y công chúa, Lệ Hải Bà Vương ngọc bệ hạ”.

Năm 1926, Bảo Đại đến đây vãn cảnh đã cho nghệ nhân ở Huế ra tu bổ lại toàn bộ phần mái cổng nghinh môn, với kiểu dáng kiến trúc giống các đền đài lăng tẩm ở Huế đô, hiện còn khá nguyên vẹn. Năm 1993, Nhân dân trong vùng đã đóng góp tiền của mua một ngôi nhà cổ có niên đại đề trên thượng lương là ngày 12 năm Minh Mạng 19 (1838) để dựng lại đền chính trên nền móng cũ. Hơn chục năm trước, lên Ngàn Nưa không dễ, lau lách cây dại giăng giăng, đường là một lối mòn quanh co hun hút. Nay, khu huyệt đạo không còn rào mộc mạc bằng tre nứa, thay vào đó được xây dựng công phu.

“Chuông vang đỉnh núi vọng ngàn mây/ Huyệt đạo non thiêng tại chốn này/ Trời đất giao hòa linh khí tỏa/ Dân an, quốc thái phúc tràn đầy”. Xuân đến, mọi người dân xứ Thanh lại về đây để đón những luồng linh khí trời đất ban tặng. Bởi, danh tiếng Ngàn Nưa không chỉ lưu truyền gần 2.000 năm qua mà đang ngày càng vang vọng.

NGUYỄN HUY MINH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]