(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách đây 19 năm, người dân bản Hang ở xã Phú Lệ (Quan Hóa) bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Một cuộc hành trình dài với nhiều sự bứt phá và ghi dấu ấn của bà con trong bản. Cũng từ đấy, đời sống của bà con no ấm hơn...

Bản Hang làm du lịch cộng đồng

Cách đây 19 năm, người dân bản Hang ở xã Phú Lệ (Quan Hóa) bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Một cuộc hành trình dài với nhiều sự bứt phá và ghi dấu ấn của bà con trong bản. Cũng từ đấy, đời sống của bà con no ấm hơn...

Bản Hang làm du lịch cộng đồng

Ở bản Hang 100% hộ dân vẫn còn giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống. Ảnh: Việt Anh

“Thay da đổi thịt”

Kinh tế của người dân bản Hang chủ yếu nhờ vào nông nghiệp. Nhưng kinh tế chỉ thực sự phát triển khi bà con được tiếp cận với du lịch cộng đồng. Năm 2003, dự án FFI (Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế) kết hợp cùng xã Phú Lệ đã chọn 3 hộ gia đình ở bản Hang để trang bị cơ sở vật chất tối thiểu làm homestay. Từ đây, mở ra bước ngoặt mới với nhiều hộ dân của bản.

Trong số những người đầu tiên tham gia làm du lịch cộng đồng bản Hang, không thể không nhắc đến ông Lương Văn Nam (63 tuổi). Ông là người làm du lịch giỏi và giàu nhất, nhì ở bản này. “Nhờ có dự án FFI, giúp tôi hiểu hơn về du lịch cộng đồng. Sau khi được tập huấn, được bạn bè giúp đỡ, tôi bàn với gia đình, dù lúc đấy điều kiện kinh tế còn khó khăn. Thời điểm năm 2003, dự án chỉ hỗ trợ 2 cái màn và 2 cái chăn, tôi vay ngân hàng để mua thêm đồ dùng, sửa sang lại nhà cửa, xây công trình phụ”, ông Nam nhớ lại.

Sau khi đủ điều kiện làm du lịch cộng đồng, năm 2004, nhà ông Nam bắt đầu có khách, chủ yếu người nước ngoài. Trong năm đầu tiên, nếu chỉ tính khách nước ngoài thì có hơn 100 người, nhưng những năm tiếp theo, lượng khách tăng dần, thời điểm cao nhất gần 2.000 người. Từ chỗ chỉ có 3 nhà sàn, hiện gia đình ông Nam có 5 cái, đáp ứng cho khoảng 150 du khách nghỉ qua đêm. Hai năm nay, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên thu nhập kém đi. Còn những năm trước, du lịch cộng đồng mang lại thu nhập lớn cho gia đình, dao động từ 200 - 250 triệu đồng/năm.

Làm du lịch cộng đồng, như ông Nam chia sẻ, hiểu được tâm lý du khách là điều rất quan trọng. Ông Nam cho biết: “Khách nước ngoài rất quan tâm đến vấn đề ăn uống hợp vệ sinh và thích ăn những gì tự nhiên như cá, gà đồi. Có những đoàn khách chưa hiểu nhiều về Việt Nam thì phải giới thiệu về con người Việt Nam, phong tục, phong cảnh, rồi tự nhiên họ sẽ thích. Có nhiều người hỏi tôi, sao lại thích làm du lịch cộng đồng. Thực sự, có nhiều lý do để tôi gắn bó, vừa được giao lưu với bạn bè quốc tế, vừa cùng cộng đồng góp sức để tạo cảnh quan, môi trường, tạo sự đoàn kết. Hơn nữa, làm du lịch cộng đồng, giúp kinh tế người dân bản Hang phát triển hơn”.

Là một trong những hộ khó khăn trước đây ở bản Hang, nhờ làm du lịch cộng đồng mà gia đình anh Vi Đức Thùy đã có cuộc sống khá giả hơn. Năm 2012, gia đình anh vay thêm vốn ngân hàng, đầu tư vào du lịch cộng đồng. Gần 10 năm qua, mô hình đã mang lại những hiệu quả thiết thực. Theo tính toán của anh Thùy, cứ mỗi đoàn khách du lịch, trừ tất cả chi phí, lãi 5 triệu đồng. Năm ít có khoảng 10 đoàn, nhiều thì 20 đoàn. “So với làm nông nghiệp, thì du lich cộng đồng cho hiệu quả kinh tế khả quan hơn, góp phần xóa nhanh cái nghèo. Du lịch cộng đồng đã giúp bản làng thay da đổi thịt. Chúng tôi rất vui vì điều đó”, anh Thùy trải lòng.

Bước đệm vững trong xây dựng bản NTM kiểu mẫu

Năm 2013, bản Hang được công nhận NTM. Năm 2020, đạt bản NTM kiểu mẫu. Đường đến 2 danh hiệu này, có sự đóng góp lớn từ mô hình du lịch cộng đồng. Để nâng cao thu nhập cho người dân, ngoài áp dụng các mô hình sản xuất, các loại giống cây con mới có giá trị kinh tế cao, tập trung cải tạo vườn tạp..., thì du lịch cộng đồng đã góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân. Đến nay, ở bản Hang đã có 49/61 hộ tham gia làm du lịch cộng đồng, trong đó 12 hộ làm thường xuyên. Hộ thu nhập thấp nhất là 50 triệu đồng/năm, cao nhất khoảng 350 triệu đồng/năm. Thời điểm cao nhất, bản đón hơn 4.000 lượt khách quốc tế và 2.000 lượt khách trong nước. Đối với một bản đã từng nghèo khó như bản Hang, bứt phá đi lên khi tiếp cận với mô hình du lịch cộng đồng, là điều đáng mừng.

Bản Hang làm du lịch cộng đồng

Du khách nước ngoài chụp ảnh lưu niệm tại nhà ông Lương Văn Nam. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Trong xây dựng bản NTM kiểu mẫu, thực tế mang lại nhiều thuận lợi cho du lịch cộng đồng, như: được huyện hỗ trợ 300 triệu đồng xây dựng bãi đỗ xe phục vụ cho hoạt động du lịch sinh thái cộng đồng; sự đồng thuận của người dân trong mở rộng các tuyến đường...Theo như chia sẻ của ông Vi Thế Thiệp, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Hang: “Vì bản làm du lịch cộng đồng nên đặt ra cho cán bộ, người dân sự quyết tâm cao hơn. Xây dựng NTM là cho dân, vì dân, nhưng với bản Hang còn thêm nhiệm vụ phục vụ du khách đến tham quan, điều này cũng tạo trách nhiệm lớn khi chúng tôi triển khai, thực hiện các tiêu chí”.

Cũng theo ông Thiệp, xây dựng bản NTM kiểu mẫu gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống là điều quan trọng. Và không chỉ lúc này mà trong suốt 19 năm qua, khi ra đời mô hình du lịch cộng đồng bản Hang, ông đã tuyên truyền đến bà con giữ nguyên nếp nhà sàn, giữ nguyên sự mộc mạc của núi rừng. Đây cũng là điều khiến du khách nước ngoài muốn dừng chân ở bản Hang.

Ở bản Hang, bản làng “thay da đổi thịt” nhờ du lịch cộng đồng là điều có thật.

Bà Phạm Thị Anh, Chủ tịch UBND xã Phú Lệ: “Điều trân trọng, với du lịch cộng đồng bản Hang, bà con làm bằng đam mê, trách nhiệm. Đã từng là một trong những bản nghèo nhất của xã, nhưng nhờ sự năng động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ đảng viên, sự đồng thuận, quyết tâm của người dân, bản Hang đã vượt khó, đi lên nhờ vào du lịch cộng đồng. Cũng vì sự phát triển của du lịch cộng đồng đã tạo bước đệm vững chắc cho bản Hang xây dựng thành công bản nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đầu tiên của huyện Quan Hóa”.

Vi An


Vi An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]