(vhds.baothanhhoa.vn) - Luật Du lịch năm 2017 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Trong đó có những quy định mới về điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên. Đến nay, sau 3 tháng đi vào thực hiện, vẫn còn khá nhiều vấn đề khiến người làm du lịch băn khoăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Băn khoăn trước quy định mới về hướng dẫn viên

Luật Du lịch năm 2017 chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Trong đó có những quy định mới về điều kiện hoạt động của hướng dẫn viên. Đến nay, sau 3 tháng đi vào thực hiện, vẫn còn khá nhiều vấn đề khiến người làm du lịch băn khoăn.

Những thay đổi

Theo Luật Du lịch năm 2017, Hướng dẫn viên(HDV) du lịch gồm 3 đối tượng: HDV du lịch nội địa, HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch tại điểm. HDV du lịch chỉ được hành nghề khi đáp ứng 3 điều kiện: có thẻ HDV du lịch; có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với HDV du lịch quốc tế và HDV du lịch nội địa; có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch. Đối với HDV du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.

Như vậy, theo Luật Du lịch năm 2017, điều kiện hành nghề HDV có nhiều thay đổi so với quy định của Luật Du lịch năm 2005, và nhất là đối với HDV tự do khi lựa chọn đăng ký với tổ chức quản lý. Theo đó, hoạt động của các HDVđược quản lý chặt chẽ, tránh tình trạng HDV du lịch chui, hoạt động không phép, gây bức xúc trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều vấn đề khiến người làm du lịch băn khoăn khi triển khai các quy định mới.

Theo số liệu thống kê của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, hiện nay toàn tỉnh có gần 300 HDV đã được cấp thẻ. Trong đó phần lớn là HDV du lịch tự do.

Anh Trần Trọng Giang - HDV tự do tại Thanh Hóa cho biết, trước đây chúng tôi hành nghề chỉ cần có thẻ HDV, cùng với đó chúng tôi cũng chịu sự quản lý trực tiếp của Sở VH,TT&DL địa phương. Nhưng theo quy định về điều kiện hành nghề của Luật Du lịch năm 2017, bây giờ ngoài thẻ HDV cần phải có hợp đồng với công ty hoặc tham gia vào tổ chức xã hội - nghề nghiệp. Như vậy, phải chăng có sự quản lý hoạt động HDV chồng chéo ở đây? Hơn nữa, theo tôi được biết, tại khoản 2, điều 16 của Luật Lao động năm 2013 thì đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 3 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói. Trong khi đó, đa phần HDV du lịch trên địa bàn tỉnh là lao động tự do. Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa và Sở VH,TT&DL sẽ có những hướng dẫn cụ thể để chúng tôi nắm rõ hơn về việc thực hiện Luật Du lịch.

“Trước những quy định mới về điều kiện hành nghề, trong những ngày qua một số HDV lâu nay vẫn cộng tác với một số doanh nghiệp lữ hành đã yêu cầu được ký hợp đồng lao động từ 6 tháng đến 1 năm. Tuy nhiên, do đặc thù công việc nên các doanh nghiệp không thể “nuôi” HDV quanh năm, vì vậy các đơn vị lữ hành thường sử dụng cộng tác viên, điều này vừa tiết kiệm chi phí cho công ty, nhưng vẫn đảm bảo có HDV để đưa khách đi tham quan. Nếu bây giờ áp dụng quy định mới thì các công ty lữ hành bị ảnh hưởng rất nhiều”, lãnh đạo một doanh nghiệp lữ hành tại Thanh Hóa cho biết.

Quy định mới về điều kiện hành nghề hướng dẫn viên của Luật Du lịch năm 2017 được kỳ vọng sẽ siết chặt quản lý hoạt động hướng dẫn.

Siết chặt việc quản lý hoạt động

Nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ HDV có đủ cơ sở pháp lý để hành nghề, ngày 27/10/2017, Tổng cục Du lịch đã có văn bản yêu cầu các tỉnh, thành phố sớm triển khai thành lập các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch ở các địa phương nhằm bảo vệ quyền lợi của HDV, đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ cho HDV, đồng thời phối hợp kiểm tra, giám sát hoạt động của HDV. Ngay sau đó, ngày 3/11/2017, Hội HDV Du lịch Việt Nam thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã chính thức được thành lập. Tại Thanh Hóa, cuối năm 2017 cũng đã thành lập chi hội hướng dẫn viên du lịch.

Tuy nhiên, đến nay sau một thời gian đi vào hoạt động, chi hội vẫn chưa thu hút được sự quan tâm của đội ngũ HDV trên địa bàn tỉnh. Anh Nguyễn Tiến Giáp - Chi hội trưởng Chi hội HDV Du lịch Thanh Hóa chia sẻ: Hiện nay, Chi hội HDV Du lịch Thanh Hóa chưa thu hút được sự tham gia của anh em. Một phần do tính chất đặc thù của công việc là lao động thời vụ, hơn nữa đội ngũ HDV vẫn chưa nắm bắt được quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia hội, mặt khác một số HDV cho rằng khi tham gia hội phải đóng một khoản phí, trong khi đó công việc của họ chỉ tập trung vào một vài tháng trong năm nên rất khó để vận động mọi người tham gia vào tổ chức.

Có thể nói, vào lúc này, những người làm du lịch mà cụ thể là đội ngũ HDV du lịch trên địa bàn tỉnh đều mong mỏi nhận được hướng dẫn cũng như giải đáp cụ thể từ phía các cơ quan quản lý để họ có thể yên tâm hoạt động theo đúng quy định của Luật Du lịch năm 2017.

Dự kiến cuối tháng 3/2018, Sở VH,TT&DL sẽ tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ HDV du lịch năm 2018 cho đối tượng là cán bộ, nhân viên làm công tác hướng dẫn, thuyết minh tại các doanh nghiệp lữ hành và khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Trong đó nội dung tập huấn sẽ cập nhật các quy định liên quan đến nghề HDV theo Luật Du lịch năm 2017.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]