(vhds.baothanhhoa.vn) - Mục tiêu mà Thanh Hóa đặt ra đó là đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng, hiện nay ngoài sản phẩm chủ đạo là du lịch biển, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn loay hoay với bài toán tìm hướng đi cho “ngành công nghiệp không khói”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần nhiều bứt phá để “cán đích”

Mục tiêu mà Thanh Hóa đặt ra đó là đến năm 2020 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng, hiện nay ngoài sản phẩm chủ đạo là du lịch biển, nhiều địa phương trong tỉnh vẫn loay hoay với bài toán tìm hướng đi cho “ngành công nghiệp không khói”.

Loay hoay tìm hướng phát triển

Nhìn vào bức tranh toàn cảnh của hoạt động du lịch Thanh Hóa từ năm 2015 đến nay, nổi lên với nhiều thành tựu quan trọng đạt được trên nhiều phân khúc. Đặc biệt, chất lượng phục vụ du khách đã được nâng cao rõ nét, chuyển biến tích cực, mạnh mẽ. Tuy lượng khách lẫn doanh thu đều tăng vượt mức đề ra, song đến nay du lịch Thanh Hóa vẫn còn gặp một số khó khăn lớn chưa thể giải quyết, như: Việc phát triển sản phẩm du lịch, khắc phục tính mùa vụ còn chậm; môi trường du lịch, an ninh trật tự tại các khu du lịch; việc định vị điểm đến thông qua sản phẩm đặc trưng còn khó khăn...

Tại huyện Vĩnh Lộc, cách đây 4 năm, chính quyền địa phương đã phối hợp cùng với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, triển khai xây dựng mô hình trồng rau má để chế biến thành hàng hóa phục vụ khách du lịch. Mô hình này cho ra món quà quê đặc trưng “trà rau má Tây Đô”, được kỳ vọng đông đảo du khách đón nhận. Tuy nhiên, một phần do lượng khách đến tham quan Thành Nhà Hồ chưa đông, sản phẩm này bán không được nhiều, nên nhiều hộ đã bỏ cây rau má để trồng các loại rau màu khác.

Bà Đỗ Thị Loan - Trưởng phòng VHTT huyện Vĩnh Lộc cho biết: Sản phẩm truyền thống đặc trưng phục vụ du khách của Vĩnh Lộc mới chỉ dừng lại ở sản phẩm Chè Lam Phủ Quảng. Đối với vùng trồng rau má, hay củ ấu vẫn chưa mang lại kết quả như mong đợi, đến nay diện tích ngày càng bị thu hẹp do đầu ra không đảm bảo.

Loay hoay tìm sản phẩm du lịch bổ trợ độc đáo, vừa mang bản sắc địa phương vừa hấp dẫn du khách hiện đang là vấn đề không chỉ riêng Vĩnh Lộc mà ở một số địa phương khác như Thạch Thành, Như Xuân, Như Thanh, Ngọc Lặc...

Du lịch Thanh Hóa cần bứt phá nhiều hơn.

Cần tập trung tháo gỡ những hạn chế mấu chốt

Ngoài hạn chế do sản phẩm du lịch đơn điệu, thiếu các sản phẩm quà tặng độc đáo, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch chưa thực sự rõ nét..., thì có một khó khăn lớn của du lịch Thanh Hóa là khó thu hút nhà đầu tư có tiềm lực lớn. Thêm vào đó, một số địa phương, đơn vị chưa thực sự xem du lịch là ngành kinh tế trọng điểm; nguồn ngân sách dành cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn khiêm tốn...

Bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Vietravel Chi nhánh Hải Phòng cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay, công tác quảng bá, xúc tiến vô cùng quan trọng. Do đó, du lịch Thanh Hóa cần nghĩ đến nhiều giải pháp quảng bá, xúc tiến mới. Có thể, chia nhỏ vấn đề từ ẩm thực, đến điện ảnh... Cần chủ động đấu nối với những nhà làm phim, để tạo ra hiệu ứng điểm đến khi nhắc tới Thanh Hóa.

Để du lịch Thanh Hóa phát triển xứng tầm, sớm đạt được mục tiêu đề ra, một số ý kiến cho rằng, việc đầu tiên mà xứ Thanh cần đặc biệt chú trọng đó là tập trung huy động các nguồn lực, tạo đột phá cho đầu tư phát triển du lịch. Theo đó, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các dự án đầu tư, kinh doanh du lịch trong thời gian nhanh nhất, nhằm sớm hình thành các sản phẩm du lịch chất lượng cao, độc đáo và khác biệt để xây dựng hình ảnh và thương hiệu du lịch Thanh Hóa. Mặt khác, cần rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động đầu tư ở các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất đối với các dự án chậm tiến độ hoặc vi phạm các quy định của pháp luật.

Ông Phạm Trọng Dũng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thạch Thành cho biết: Thực tế Thạch Thành là một trong những địa phương có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Trước việc chậm tiến độ của một số dự án trên địa bàn huyện, chúng tôi đã có công văn trình UBND tỉnh dừng cấp phép đối với nhà đầu tư gia hạn nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa triển khai dự án... gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc khai thác tiềm năng, phát triển du lịch của địa phương. Do đó, huyện mong muốn tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ, gia hạn nhiều lần, không chỉ riêng Thạch Thành mà còn cả những địa phương khác.

Có thể nói, du lịch Thanh Hóa liên tục đạt mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây, nhưng xét một cách toàn diện, sự phát triển ấy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Nếu không có những hướng đi, cách làm sáng tạo, khắc phục triệt để những tồn tại, hạn chế mang tính mấu chốt, du lịch xứ Thanh sẽ khó tạo được sự bứt phá để cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020 như mục tiêu phát triển đã đề ra và là 1 trong 5 trụ cột kinh tế của tỉnh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]