(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ là cơ sở, nền tảng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong tình hình mới. Tuy nhiên, sau gần 2 năm nghị quyết được ban hành, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Thanh Hóa vẫn cần thêm nhiều bứt phá.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần nhiều bứt phá theo tinh thần Nghị quyết 92

(VH&ĐS) Nghị quyết 92/NQ-CP của Chính phủ là cơ sở, nền tảng để thúc đẩy ngành du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong tình hình mới. Tuy nhiên, sau gần 2 năm nghị quyết được ban hành, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Thanh Hóa vẫn cần thêm nhiều bứt phá.

Nhằm khai thác, phát huy hiệu quả các nguồn lực, tài nguyên du lịch của đất nước, tận dụng cơ hội thuận lợi trong nước và quốc tế, tạo bước phát triển đột phá cho ngành du lịch, năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 92/NQ-CP về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong tình hình mới.

Nhìn lại hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Thanh Hóa vẫn còn tồn tại một số hạn chế.

Cụ thể, hiện nay nhận thức về phát triển du lịch ở một số địa phương còn chưa cao. Hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ và hoàn thiện làm ảnh hưởng đến việc tiếp cận các khu, điểm của du khách và các nhà đầu tư;an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường tại một số điểm đến chưa được duy trì thường xuyên; nhiều công trình du lịch chưa có khu xử lý rác thải riêng; một số điểm du lịch chưa có hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn…

Bên cạnh đó, sản phẩm, dịch vụ du lịch còn kém phần đa dạng, chuyên nghiệp, chưa đủ sức hấp dẫn khách quốc tế, khách nội địa cao cấp; văn hóa giao tiếp, ứng xử với du khách chưa thực sự thân thiện, văn minh; hoạt động xúc tiến du lịch chưa thực sự rõ nét, hiệu quả mang lại còn hạn chế…

Tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương tỉnh Thanh Hóa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH,TT&DL) ông Ngô Hoài Chung đã nêu rõ, trước hết Thanh Hóa cần tập trung rà soát, điều chỉnh các quy hoạch chuyên ngành theo hướng phù hợp với tình hình thực tế, tránh những sai lầm cũ đồng thời tiếp cận xu thế mới, nhưng vẫn phải tạo ra được nét đặc trưng riêng. Xu hướng chung dựa vào tài nguyên du lịch có giá trị đặc trưng để quy hoạch nhằm tạo ra các khu, điểm du lịch khác biệt và độc đáo.

Cụ thể như du lịch biển, cần xây dựng các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Hòa (Tĩnh Gia), Hải Tiến (Hoằng Hóa)… gần gũi với thiên nhiên, quy mô lớn nhưng hiện đại, đa dạng dịch vụ và có tính chuyên nghiệp cao nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh về điểm đến du lịch so với một số địa phương khác có điều kiện tương đồng.

Cùng với đó, Thanh Hóa cần tiếp tục thực hiện tốt việc đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu tại các khu, điểm du lịch cần phải đi trước một bước để đảm bảo các điều kiện tối thiểu cơ bản của một điểm đến; xây dựng các điểm dừng du lịch trên tuyến Quốc lộ 1A, phát triển hệ thống giao thông đường thủy dọc sông Mã, dọc biển…

Du khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch như: Khu vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, các công trình dịch vụ du lịch, phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của du khách khu vực trọng điểm du lịch. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư vào các loại hình vui chơi, giải trí, tạo môi trường xã hội thuận lợi cho du lịch phát triển.

Cũng có ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, cùng với các giải pháp về quy hoạch, đầu tư, phát triển sản phẩm của tỉnh… ngành Du lịch Thanh Hóa cần đặc biệt chú trọng công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ văn hóa ứng xử, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức trong ngành du lịch và cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, hợp tác thu hút khách du lịch từ các thị trường truyền thống và tiềm năng thông qua ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại; xây dựng các ấn phẩm quảng bá du lịch hấp dẫn, dễ hiểu và đa ngôn ngữ, tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao, tham gia xúc tiến du lịch ở các triển lãm, hội nghị, hội chợ trong và ngoài nước…

Đồng thời, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự giác bảo vệ cảnh quan, môi trường du lịch; xây dựng phong cách ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, mến khách không chỉ đối với những người trực tiếp làm du lịch, mà còn đối với cả cộng đồng dân cư.

Một vấn đề hết sức cần thiết để có thể thực hiện tốt Nghị quyết 92 là nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chuyên ngành; tăng cường công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, địa phương và doanh nghiệp trong công tác xây dựng, phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt phải nắm bắt và làm tốt công tác phát triển du lịch theo sự chỉ đạo của Ngành (Bộ VH,TT&DL) và địa phương (tỉnh Thanh Hóa). Đồng thời đề cao vai trò của các tổ chức kinh tế, xã hội, chú trọng các hội nghề nghiệp, Hiệp hội du lịch, Hội doanh nghiệp…

Hy vọng, với sự đồng thuận của các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong triển khai những nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 92/NQ-CP sẽ tạo hợp lực mới để bứt phá mạnh mẽ hoạt động du lịch. Xây dựng Thanh Hóa trở thành điểm đến an toàn - văn minh - thân thiện - chất lượng và uy tín ngày càng cao trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]