(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ lâu câu ca dao ngọt ngào giới thiệu về địa danh với những sản phẩm truyền thống đặc thù của từng địa phương đã được bao thế hệ học sinh học thuộc: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông..."

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chiếu Nga Sơn nổi tiếng không bị mai một

Từ lâu câu ca dao ngọt ngào giới thiệu về địa danh với những sản phẩm truyền thống đặc thù của từng địa phương đã được bao thế hệ học sinh học thuộc: "Chiếu Nga Sơn, gạch Bát Tràng/ Vải tơ Nam Định, lụa hàng Hà Đông..."

Và giờ đây về những vùng đất này những sản phẩm truyền thống liệu có còn được phát huy. Khi về miền cổ tích Nga Sơn (Thanh Hóa), du khách không chỉ được tham quan vãn cảnh các điểm đến hấp dẫn: động Từ Thức, đền thờ Mai An Tiêm, chùa Hàn Sơn, cửa Thần Phù... và thưởng thức các món ăn đặc sản địa phương: dê ủ trấu, gỏi cá nhệch mà còn được mang theo những món quà quý được làm từ cây cói biển về tặng cho bạn bè, người thân, nhất là những đôi chiếu cói cho các đôi uyên ương...

Nói đến Thanh Hoá, không ai là không biết chiếu cói Nga Sơn - sản phẩm nổi tiếng trong và ngoài nước. Những năm về trước dù đi đâu về đâu khi về vùng đất này người ta vẫn không quên mua một đôi chiếu làm kỉ niệm. Chiếu Nga Sơn có độ bóng, dai, đẹp và bền. Điều đặc biệt ít có nơi nào có thể trồng được loại cói dài như ở vùng này, loại cói chuyên dùng để dệt nên những tấm chiếu vừa đẹp lại vừa bền. Từ sản phẩm cói đã tạo nên nhiều sản phẩm khác: chiếu du lịch hai gấp, ba gấp, bốn gấp tiện lợi, giỏ đựng hoa quả, làn, bình hộp có nắp, đệm... với nhiều kiểu dáng thanh thoát, ấn tượng.

Người dân đang dệt chiếu.

Nga Sơn là vùng đất nằm sát biển, cách thành phố Thanh Hoá 40 km về hướng Ðông Bắc. Với 8 xã nằm dọc bờ biển là một vùng triều mầu mỡ, ngoài trồng sú vẹt, mảnh đất này chỉ trồng được một loại cây duy nhất là cói, dệt nên chiếu Nga Sơn - niềm kiêu hãnh của vùng đất này. Chỉ cách đây hơn 20 năm chiếu cói Nga Sơn còn đang được thị trường Trung Quốc tiêu thụ tốt nên nhiều xã ven biển đã phát huy lợi thế này, nhà nhà trồng cói, tích trữ cói. Mùa chiếu cói, không ít thương lái về đây đặt hàng mua sản phẩm xuất khẩu đi nước ngoài. Một số doanh nghiệp của Nga Sơn cũng nhận được không ít đơn đặt hàng xuất khẩu sang thị trường các nước EU và người dân Nga Sơn đã làm giàu từ cây cói...

Song, nhiều năm gần đây do biến cố của thị trường trong và ngoài nước nên sản phẩm được làm bằng cây cói không còn được ưa chuộng như trước đây. Do đó để thích ứng với sự cạnh tranh này, người dân vùng cói đã có nhiều thích ứng: đưa ứng dụng khoa học kĩ thuật thâm canh cây cói, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đa dạng hơn bằng các họa tiết, hoa văn khác nhau như: tấm thảm lót sàn, chiếu xe đan, làn, dép đi trong nhà, đồ dùng trang trí, giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao và đa dạng của khách hàng...

Chị Nguyễn Thị Hà, du khách từ Hà Nội về phấn khởi cho biết: Theo tour du lịch đoàn chúng tôi tham quan nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) - động Từ Thức (Nga Sơn) và ăn trưa tại xã Nga Liên. Để có được những món quà ưng ý, chúng tôi đã đặt hàng trước đó hàng tuần để người dân vùng cói dệt cho mỗi người một đôi chiếu đậu, giá từ 500.000 - 1.500.000đ (tùy theo kích thước). Nhận được món quà này ai cũng thích, có người mua tới 3 đôi liền về cho con cháu...

Được biết, hiện Nga Sơn đang tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu vùng cói. Mặc dù những năm gần đây huyện có chuyển đổi một số diện tích cói sang trồng lúa và các cây mộc khác phù hợp với phát triển kinh tế địa phương nhưng vẫn giữ được vùng cói cơ bản phát triển thâm canh. Hy vọng cây cói mãi là sản phẩm truyền thống đặc thù của Nga Sơn cần được giữ gìn và phát huy. Sản phẩm từ cói sẽ được cải tiến mẫu mã phong phú, đẹp hấp dẫn hơn, phục vụ tốt nhu cầu khách hàng trong và ngoài nước...

Thúy Hòa


Thúy Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]