(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Không phải ngẫu nhiên mà mỗi năm có tới hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan quần thể di tích thắng cảnh Chùa Mèo, thác Ma Hao, thác Mây, bản nguyên sơ nhà sàn Năng Cát của huyện Lang Chánh. Ngoài lí do là cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại thuận lợi thì đây còn là tuyến du lịch hấp dẫn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chùa Mèo - thác Ma Hao... Điểm du lịch kỳ thú của vùng cao Lang Chánh

(VH&ĐS) Không phải ngẫu nhiên mà mỗi năm có tới hàng vạn du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan quần thể di tích thắng cảnh Chùa Mèo, thác Ma Hao, thác Mây, bản nguyên sơ nhà sàn Năng Cát của huyện Lang Chánh. Ngoài lí do là cơ sở hạ tầng, đường sá đi lại thuận lợi thì đây còn là tuyến du lịch hấp dẫn...

Chùa Mèo hay còn gọi là Đỉnh Miêu Thiền Tự - di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được xây dựng từ thế kỷ 13, tọa lạc tại làng Chiềng Ban, xã Quang Hiến nằm ở phía đông của huyện Lang Chánh, phía tây giáp với xã Trí Nang. Nằm ở vị trí chuẩn mực theo thuyết phong thủy: có tả Thanh Long là dãy núi Pù Bằng, hữu Bạch Hổ là dãy núi Pù Rinh, trước mặt là dòng sông Âm chảy qua. Thế đất ấy, đã sinh ra ngôi chùa đẹp nức tiếng trong vùng “nhất Hương, nhì Hà, ba Chu” ý nói nhất chùa Hương, nhì chùa Hà, ba là chùa Chu Lang Chánh. Tương truyền vào năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, một lần cùng nghĩa quân lánh nạn đi qua chùa Chu, thấy trong chùa chỉ còn lại một con mèo, ông đã sai nghĩa quân bắt theo con mèo cùng đi lánh nạn, gắn với tích xưa ngôi chùa này sau này đã được Lê Lợi cho tu sửa và đổi tên thành chùa Mèo. Để thêm phần linh thiêng trong việc thờ phật, thánhvà các vị anh hùng dân tộc đông đảo bà con xứ Thanh đã cùng nhau tổ chức hưng công đúc quả chuông lớnvào cuối năm Vĩnh Thịnh thứ 14 triều Lê, cách đây gần 300 năm, gác chuông cao 15m, âm thanh mịn như ngọc, tiếng vang như vàng, trên chuông còn ghi rõ nơi xây dựng chùa là Đỉnh Miêu, châu Lang Chánh. Hiện nay chùa Mèo đã được trùng tu tôn tạo, xây dựng hoàn chỉnh nhà thờ Mẫu, nhà thờ Tổ, nơi ăn nghỉ của sư chủ trì và huyện Lang Chánh lấy ngày 6,7 tháng giêng hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống.

Gần với chùa Mèo, trên địa phận xã Trí Nang cách trung tâm huyện lỵ chừng 18 km là thác Ma Hao - một con thác lớn nhất của con sông Cảy. Thác bắt nguồn từ đỉnh Pù Rinh có độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển, có diện tích trên 178 ha bao gồm thác nước, suối và rừng. Các dòng suối nhỏ chảy dọc theo những cánh rừng già hợp thành dòng suối lớn đổ xuống tạo thành thác Ma Hao với dòng nước mát chảy suốt quanh năm. Dưới chân thác là những khối đá lớn được bào mòn theo thời gian tạo nên nhiều hình thù kỳ thú, chỗ thì tạo hình tượng như là đàn voi đang quỳ xuống núi, nơi thì các hòn đá chồng xếp lên nhau thành hình trống mái, chỗ thì các hòn đá như những quả trứng khổng lồ đủ mọi kích thước, như hòn non bộ... Năm 2007 thác Ma Hao được UBND tỉnh công nhận là danh lam thắng cảnh cấp tỉnh và sau đó đã quy hoạch chi tiết khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh có diện tích 400 ha bao gồm khu du lịch sinh thái Ma Hao, khu vực bản Năng Cát và các công trình phụ trợ, dịch vụ, thủy điện, vườn dược liệu...

Thác Ma Hao - Điểm du lịch sinh thái lý tưởng của Lang Chánh.

Nằm dưới chân núi Pù Rinh, ngay sát cạnh thác Ma Hao là bản Năng Cát, xã Trí Nang. Không chỉ đa dạng về sinh cảnh, bản Năng Cát còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa nguyên sơ củađồng bào người Thái. Bản Năng Cát hiện có 124 hộ thì có tới 122 nhà sàn, một không gian kiến trúc độc đáo hiếm có ở các bản vùng cao, với kiểu kiến trúc nhà sàn cổ của người Thái miền Tây Thanh Hóa vừa cao rộng thoáng, tạo nên một quần thể kiến trúc đẹp và thơ mộng. Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc của đồng bào dân tộc Tháitrên địa bàn xã Trí Nang, năm 2015 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định phê duyệt đề án phát triển loại hình du lịch cộng đồng tại xã Trí Nang.

Từ những tiềm năng đó huyện Lang Chánh đã quy hoạch xây dựng trang trại nuôi cá tầm, cá hồi hiện tại với quy mô trên 800m2 mặt nước trong tổng quy hoạch trang trại khoảng 1,6 ha nằm trong lòng dãy Pù Rinh, thuộc xã Trí Nang. Tính đến năm 2017 trang trại này đã sản xuất được 22 tấn cá hồi được xuất bán, giá trị đạt 7-8 tỷ đồng, trung bình đạt 6-7 tấn cá/năm, tuy hiện tại chưa đủ đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhưng cho thấy một tín hiệu khả quan về nuôi cá đặc sản quý hiếm này. Với những chính sách và kêu gọi đầu tư hợp lý, tin tưởng rằng trong tương lai không xa khu du lịch sinh thái thác Ma Hao - bản làng nguyên sơ Năng Cát và các hoạt động lễ hội tín ngưỡng của lễ hội chùa Mèo xã Quang Hiến, huyện Lang Chánh sẽ tạo thành một quần thể du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn của ngành Du lịch Thanh Hóa.

Những ngày này đến với vùng cao Lang Chánh, trước mắt chúng tôi là những con đường đã được rải nhựa bằng phẳng nối dài từ trung tâm huyện lỵ đi đến trung tâm tất cả các xã, bên cạnh đó là một thị trấn đang trên đà phát triển với khu thương mại sầm uất và những dãy phố khang trang với nhiều nhà cao tầng xinh xắn; con đường đến với khu du lịch sinh thái thác Ma Hao - Chùa Mèo - bản nhà sàn nguyên sơ Năng Cát đang được xây dựng hoàn chỉnh... Tất cả đã tạo nên bức tranh vùng cao Lang Chánh với nhiều gam màu đẹp, thu hút ngày càng đông đảo du khách gần xa đến với khu du lịch kỳ thú này.

Lê Việt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]