(vhds.baothanhhoa.vn) - Trước bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời vào cuối năm 2015, ngành Du lịch Việt Nam nói chung, Thanh Hoá nói riêng đã và đang nỗ lực về nhiều mặt, trong đó có yếu tố về nhân lực. Theo đó, trong những năm qua, du lịch Thanh Hoá đã có những cố gắng đổi mới về đào tạo, phát triển nhân lực, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chung tay phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch (Bài 2): Đổi mới trong công tác đào tạo

Trước bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức ra đời vào cuối năm 2015, ngành Du lịch Việt Nam nói chung, Thanh Hoá nói riêng đã và đang nỗ lực về nhiều mặt, trong đó có yếu tố về nhân lực. Theo đó, trong những năm qua, du lịch Thanh Hoá đã có những cố gắng đổi mới về đào tạo, phát triển nhân lực, nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đa dạng hoá các hình thức đào tạo

Trong những năm qua, cùng với các trường đào tạo nhân lực du lịch chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, Sở VH,TT&DL Thanh Hóa đã tích cực phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh và các địa phương mở nhiều lớp bồi dưỡng quản lý Nhà nước quản lý nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho các đối tượng quản lý, người lao động trong các doanh nghiệp du lịch, các hướng dẫn viên khu, điểm du lịch. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng du lịch cộng đồng tại các khu du lịch trọng điểm và tập huấn kỹ năng du lịch sinh thái vùng đệm các khu bảo tồn thiên nhiên cho người dân. Ngoài ra, Sở VH,TT&DL còn phối hợp với các trường và Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức các hội thi nghiệp vụ du lịch cho lao động trong các doanh nghiệp, sinh viên khoa du lịch của các trường trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cử các doanh nghiệp tham gia nhiều hội thi tay nghề do Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức, như hội thi tay nghề quốc gia, hội thi chiếc thìa vàng...

Trong năm 2019, cùng với các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên hàng năm cho lao động du lịch, Sở VH,TT&DL đã cử cán bộ tham gia khoá tập huấn nguồn nhân lực chất lượng cao về công tác quản lý du lịch tại Nam Ninh, Trung Quốc. Đồng thời tổ chức các lớp bảo tồn phát triển các làn điệu khua luống, nhảy sạp của đồng bào dân tộc tại Hang Phi (Quan Hóa); phục dựng và trình diễn dân ca, dân vũ dân tộc Thái, dân tộc Thổ tại thác Đồng Quan (Như Xuân). Cùng với đó, tổ chức quản trị du lịch theo mô hình chuẩn quốc tế cho học viên là quản lý các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và du lịch cộng đồng tại TP Sầm Sơn và huyện Bá Thước; bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch mũi nhọn cho quản lý, giám đốc các khách sạn 1-5 sao trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài ra, một số địa phương như TP Sầm Sơn, Bá Thước... đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao văn hóa giao tiếp ứng xử du lịch cho đối tượng là cộng đồng dân cư, chủ các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ; chủ các đại lý hải sản, người điều khiển xích lô, xe điện vận chuyển du khách, nhân viên làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch, karaoke... Các đơn vị kinh doanh du lịch cũng đã chủ động mời giảng viên, chuyên gia về du lịch tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho nhân viên của đơn vị mình, góp phần đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, như khách sạn Sen, khách sạn Central, nhà hàng CowBoy...

Nhờ đó, chất lượng lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây ngày càng được cải thiện mạnh mẽ, tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo tại chỗ đạt gần 80%, dần đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của hoạt động du lịch.

Trường Đại học VH,TT&DL xây dựng mô hình học tập sát với thực tế.JPG

Trường Đại học VH,TT&DL xây dựng mô hình học tập sát với thực tế.

Đào tạo theo hướng bám sát thực tiễn

Trong những năm gần đây, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tại một số trường như: Đại học VH,TT&DL, Đại học Hồng Đức, Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch ngày càng có nhiều đổi mới. Đặc biệt chú trọng sự phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, tăng thời lượng thực hành cho học viên.

Trường Đại học VH,TT&DL - một trong những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch hàng đầu của tỉnh, trong những năm gần đây đã có những bước cải tiến, đột phá trong công tác giảng dạy và học tập. Sinh viên các khoa: Du lịch, Quản trị khách sạn, Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành được đào tạo theo hướng mở, chú trọng vấn đề thực hành. Theo đó, nhà trường đã ký kết xây dựng hệ thống doanh nghiệp cùng tham gia đào tạo, đảm bảo 100% sinh viên trong quá trình học tập tại nhà trường đều được tham gia thực hành tại các doanh nghiệp theo ngành học của mình và thành thạo công việc ngay sau khi tốt nghiệp. Thậm chí, một lượng lớn sinh viên tại đây được các đơn vị chủ động mời về làm việc và ký hợp đồng trực tiếp trong quá trình thực tập tại đơn vị hoặc ngay sau khi tốt nghiệp.

Tại trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch, tổng số học viên, sinh viên chuyên ngành du lịch đã tuyển sinh, đào tạo trong 4 năm (2016 - 2019) đạt gần 3.000 học viên. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho trên 4.000 học viên tham gia các khoá học dưới 3 tháng, riêng năm 2019 đạt trên 1.500 học viên. Trong đó, tập trung vào các chuyên ngành: Kỹ thuật chế biến món ăn; Nghiệp vụ nhà hàng; Nghiệp vụ lễ tân; Hướng dẫn du lịch; Quản trị lữ hành; Quản trị khách sạn; Nghiệp vụ nhà hàng, khách sạn. Điều đáng nói, tỷ lệ học viên, sinh viên sau khi tốt nghiệp các hệ đào tạo ra trường có việc làm lớn. Cụ thể, theo báo cáo của nhà trường, hệ trung cấp nghề đạt trên 85%, hệ sơ cấp nghề đạt trên 90%, hệ dạy nghề thường xuyên đạt 100%. Với những kết quả trong quá trình đào taọ, trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều doanh nghiệp liên kết, đặt hàng lao động với nhà trường.

Bàn về các giải pháp hợp tác trong đào tạo, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch - ông Lương Văn Sinh cho biết: Muốn thay đổi chất lượng đào tạo, không cách nào khác các cơ sở đào tạo về du lịch phải xây dựng mô hình gần với thực tế, mặt khác chú trọng liên kết với các doanh nghiệp du lịch hàng đầu trên địa bàn tỉnh. Thực tế, hiện nay không chỉ tại trường Trung cấp nghề Thương mại và Du lịch, mà tất cả các trường đào tạo các lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh đều liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch để sinh viên được thực hành theo hướng bám sát thực tế. Theo ông Sinh, đây là môi trường rất quan trọng để sinh viên nắm vững lý thuyết và thành thạo công việc trước khi ra môi trường thực tế.

Cùng với việc đổi mới trong công tác đào tạo, giảng dạy tại các trường đào tạo nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh, điểm đặc biệt trong công tác đào tạo hiện nay tại một số doanh nghiệp đó là chủ động thuê giảng viên về trực tiếp giảng dạy. Tuy nhiên, để có được nội dung đào tạo bám sát thực tế, các giảng viên tham gia giảng dạy sẽ có chương trình khảo sát thực tế “kín” các dịch vụ tại mỗi đơn vị. Từ đó xây dựng báo cáo khảo sát, đánh giá cụ thể. Dựa trên ưu - nhược điểm của đơn vị để xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức một cách phù hợp nhất. Đây là một trong những chương trình đào tạo mới, được các học viên cũng như lãnh đạo nhiều đơn vị khách sạn, nhà hàng đánh giá cao về nội dung.

Bà Nguyễn Thị Mai - Giám đốc Khách sạn Central (TP Thanh Hoá) cho biết, năm 2019 chúng tôi có mời các chuyên gia về lĩnh vực khách sạn về đào tạo cho tất cả các bộ phận. Với sự chủ động của giảng viên trong việc khảo sát, đánh giá chất lượng cũng như tình hình hoạt động thực tế, chính vì vậy các nội dung đào tạo không mang tính dập khuôn, máy móc. Bổ sung kịp thời những kỹ năng, kiến thức cần thiết, đặc biệt là giúp nhân viên khách sạn dễ dàng tiếp nhận kiến thức dựa trên những đánh giá cụ thể của giảng viên.

Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, theo một số chuyên gia lĩnh vực du lịch, phần lớn các cơ sở đào tạo hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận được với các chuẩn đào tạo nhân lực du lịch của thế giới và khu vực. Do đó, để thực hiện được mục tiêu có một đội ngũ nhân lực ngành du lịch “tinh” về chất lượng, có năng lực cạnh tranh với nhân lực du lịch của khu vực và thế giới, yếu tố chất lượng đào tạo nguồn nhân lực giữ vai trò then chốt. Muốn vậy, du lịch Thanh Hoá cần sớm thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng đội ngũ giáo viên đủ chuẩn, đổi mới nội dung, chương trình đào tạo; đẩy mạnh liên kết đào tạo trong nước với các cơ sở đào tạo du lịch có uy tín ở nước ngoài; đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ dạy học...

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]