(vhds.baothanhhoa.vn) - Không bị động vào các chương trình đào tạo của tỉnh cũng như vốn sẵn có ngay từ đầu vào, trong những năm gần đây nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động phối hợp với các trường đào tạo, chuyên gia lĩnh vực du lịch để tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đơn vị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chung tay phát triển nguồn nhân lực ngành Du lịch (Bài 4): Khi doanh nghiệp chủ động

Không bị động vào các chương trình đào tạo của tỉnh cũng như vốn sẵn có ngay từ đầu vào, trong những năm gần đây nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động phối hợp với các trường đào tạo, chuyên gia lĩnh vực du lịch để tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên đơn vị.

Nhiều doanh nghiệp du lịch chủ động trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Từ yêu cầu thực tế

Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau trong ASEAN mà Việt Nam là quốc gia thành viên, về nghề du lịch (MRA-TP), được xây dựng nhằm cho phép chuyển dịch việc làm của người lao động du lịch lành nghề giữa các quốc gia thành viên và để công nhận các kỹ năng và văn bằng của người lao động du lịch từ các quốc gia thành viên khác trong ASEAN. Nếu lao động trong nước không nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành thì họ sẽ thua ngay trên chính sân nhà, hậu quả là sẽ nhiều người mất việc làm. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch ASEAN sẽ có cơ hội thu hút lao động có tay nghề của Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa nếu doanh nghiệp du lịch trong nước không đổi mới, không phát triển để giữ chân lao động có tay nghề, thì sẽ mất đi nguồn lao động có kỹ năng nghề trong nước, chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng sẽ bị suy giảm.

Trước thực tế này, các cơ sở đào tạo, dạy nghề trong nước nói chung, tại Thanh Hoá nói riêng đã và đang rà soát chương trình đào tạo và văn bằng để đảm bảo rằng phù hợp hoặc liên kết với chương trình du lịch chung ASEAN, nhằm cấp ra những văn bằng tương đương cho sinh viên hoặc người thực tập. Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo tại một số doanh nghiệp cũng điều chỉnh hoặc bám sát các yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động du lịch.

Trong những năm gần đây, hàng loạt các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã chủ động phối hợp với các trường đào tạo, mời chuyên gia về đào tạo như các khách sạn: Ánh Phương (Hoằng Hoá), Sao Mai, Central (TP Thanh Hoá), Dragon Sea (TP Sầm Sơn); và các nhà hàng: Cowboy, Dạ Lan... để nâng cao chất lượng lao động trong khối doanh nghiệp dịch vụ du lịch, từ đó, đã có những cải thiện tích cực, tỷ lệ lao động du lịch qua đào tạo và đào tạo tại chỗ ngày càng tăng.

Trong năm 2019, khách sạn Central (TP Thanh Hoá) đã chủ động phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh mời các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực lễ tân, buồng phòng, ăn uống về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho 70 cán bộ, nhân viên phục vụ tại các bộ phận này tại khách sạn. Thông qua chương trình đào tạo, cán bộ, nhân viên của khách sạn đã được tiếp cận nhiều chuyên đề như: Quy trình của bộ phận Food & Beverage; đón tiếp và phục vụ khách ăn Alacarte; kiểm tra quy trình đón tiếp và phục vụ khách Alacarte; quy trình đón tiếp và phục vụ khách ăn sáng trong khách sạn; kỹ năng phục vụ bàn tiệc, phòng riêng và chăm sóc khách hàng; quy trình của bộ phận housekeeping, vào phòng khách, sắp xếp xe đẩy, làm giường, dọn phòng tắm, vệ sinh phòng khách, chỉnh trang phòng buổi tối; giao tiếp bộ phận buồng và xử lý các tình huống... Cùng với nội dung giảng dạy về lý thuyết, các học viên tham gia khóa đào tạo, bồi dưỡng còn được hướng dẫn thực hành trực tiếp các nội dung liên quan cũng như cách xử lý các tình huống thường gặp tại các bộ phận.

Điểm đặc biệt của chương trình đào tạo tại khách sạn Central đó là các giảng viên tham gia giảng dạy đã có chương trình khảo sát thực tế “kín” các dịch vụ buồng phòng, ăn uống, đón tiếp tại đây. Nội dung giảng dạy không theo khung giáo trình sẵn có, mà dựa trên ưu - nhược điểm của đơn vị để xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức một cách phù hợp nhất. Khóa đào tạo được các học viên cũng như lãnh đạo khách sạn đánh giá cao về nội dung. Đây cũng là một trong những đổi mới về chương trình đào tạo đã và đang được nhiều đơn vị doanh nghiệp áp dụng. Nhằm hướng tới sự khách quan, nghiêm túc và quyết liệt trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong mỗi đơn vị.

Đào tạo theo đúng tiêu chuẩn, quy trình

Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các cơ sở lưu trú cao cấp, các khu vui chơi giải trí lớn muốn có nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu thì đều phải xây dựng quy trình “đào tạo” lại một cách cơ bản. Theo đánh giá của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, 20% nhân lực du lịch đáp ứng được nhu cầu thị trường có sự đóng góp đào tạo tương đối lớn từ chính những doanh nghiệp dịch vụ cao cấp.

Thực tế trong những năm gần đây, tại Thanh Hoá, sự xuất hiện của những nhà đầu tư chiến lược cùng với sự tăng trưởng nhanh chóng cả về chất và lượng trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tại những trung tâm du lịch của tỉnh như TP Thanh Hoá, TP Sầm Sơn, Bá Thước... đã và đang góp phần vào công cuộc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Điển hình là sự tham gia của những tập đoàn lớn như FLC, Sun Group, Vingroup, Central Group, Mường Thanh Group... với những công trình du lịch tầm cỡ quốc tế, những resort sang trọng như: FLC Samson Beach & Golf Resort, trung tâm thương mại Vincom, khách sạn Vinpearl, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Central... không chỉ giúp du lịch Thanh Hoá khẳng định vị thế, mà còn góp phần đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho tỉnh, đáp ứng yêu cầu cao của khách hàng, đặc biệt là dòng khách hạng sang.

Với sự thay đổi các xu hướng du lịch, đòi hỏi về nhu cầu của khách hàng là liên tục và không ngừng biến đổi, đòi hỏi lao động trong lĩnh vực này phải luôn cập nhật thông tin, trau dồi kỹ năng thường xuyên. Chính vì vậy, cùng với việc tuyển dụng chuyên nghiệp nhằm tìm kiếm những nhân viên có tâm huyết, tài năng, nhiều doanh nghiệp luôn tuân thủ quy trình tuyển dụng - đào tạo - quản lý - điều hành chặt chẽ.

Theo đại diện khách sạn Vinpearl Thanh Hoá, việc đào tạo tại đây được thực hiện thường xuyên, định kỳ, xuyên suốt trên toàn hệ thống, từ cấp quản lý đến các bộ phận lễ tân, buồng phòng, bếp, nhà hàng. Hiện nay, đơn vị có trên 200 cán bộ nhân viên, liên tục được củng cố nghiệp vụ, kiến thức, nâng cao ý thức nghề nghiệp, kỹ năng, tính chuyên nghiệp định kỳ hằng năm. Lực lượng lao động được bồi dưỡng, nâng cao nghề thường xuyên đã giúp đơn vị này luôn khẳng định được chất lượng của điểm đến 5 sao, đồng thời phát triển các chiến lược kinh doanh đạt hiệu quả cao.

Đề cập về vai trò cũng như những giải pháp mà một cơ sở lưu trú hàng đầu tại Thanh Hoá thực hiện để góp phần phát triển nhân lực du lịch, ông Nguyễn Tiến Thịnh - Giám đốc Tiền sảnh khách sạn Vinpearl Thanh Hoá cho biết: Những năm gần đây, du lịch Thanh Hoá đã có những bước tiến đáng mừng trên lộ trình hội nhập. Nhằm góp phần khẳng định vị thế của đơn vị cũng như góp phần chung vào sự phát triển của hoạt động du lịch, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực giữa các nước trong khu vực, hệ thống khách sạn Vinpearl nói chung, Vinpearl Thanh Hoá nói riêng đặc biệt coi trọng tuyển dụng đầu vào, sau tuyển dụng đào tạo lại một cách bài bản, đồng thời thường xuyên nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ cho đội ngũ nhân lực lĩnh vực du lịch, đặc biệt là đội ngũ lao động trực tiếp như cấp quản lý, phục vụ nhà hàng, buồng, phòng, lễ tân...

Có thể nói, với sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp, không chỉ góp phần giảm áp lực đào tạo cho lĩnh vực du lịch của tỉnh, mặt khác việc xã hội hóa đào tạo nhân lực du lịch, đặc biệt trong các tập đoàn chuyên kinh doanh về du lịch sẽ góp phần khiến chất lượng đầu ra tốt hơn, góp phần nâng cao kỹ năng, ngoại ngữ cho đội ngũ nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh. Đây là giải pháp tốt trong thời gian hiện nay, khi nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn tỉnh đang thiếu trầm trọng. Trong khi đó, nhiều sinh viên ra trường chưa được trang bị đầy đủ kỹ năng, tính chuyên nghiệp để phục vụ trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đặc biệt là các đơn vị hàng đầu. Mặt khác, việc chủ động đào tạo góp phần quan trọng trong việc đáp ứng yêu cầu thực tế của mỗi đơn vị cũng như yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]