(vhds.baothanhhoa.vn) - Bao năm qua, câu chuyện về vị tướng Tư Mã Hai Đào ở thế kỷ XVII có công dẹp giặc, yên dân trên vùng đất biên giới phía Tây Thanh Hóa vẫn luôn được người đời truyền tụng.

Chuyện về vị tướng trấn giữ vùng biên

Bao năm qua, câu chuyện về vị tướng Tư Mã Hai Đào ở thế kỷ XVII có công dẹp giặc, yên dân trên vùng đất biên giới phía Tây Thanh Hóa vẫn luôn được người đời truyền tụng.

Chuyện về vị tướng trấn giữ vùng biên

Đền thờ Tư Mã Hai Đào nằm dưới chân núi Pha Dùa, ở bản Chung Sơn, xã Sơn Thủy (huyện Quan Sơn). Người dân nơi đây coi ông như vị thần “giữ vía” cho cả Mường, cả vùng.

Theo những ghi chép còn sót lại, khoảng thế kỷ XVII giặc ngoài xâm lược bờ cõi, triều đình mở hội đấu võ chiêu mộ anh tài, phò vua diệt giặc. Nghe tin ấy, Hai Đào lập tức xuôi về kinh dâng sớ tấu trình xin được tham gia hội thi đấu võ.

Vốn là con thứ hai trong một gia đình mồ côi cả cha lẫn mẹ, cậu bé lớn lên trong vòng tay chăm sóc, yêu thương của cư dân Mường Đào - Mường Khô (nay thuộc huyện Bá Thước). Vì ra đời ở Mường Đào nên bà con dân bản thường gọi cậu với cái tên trìu mến: Hai Đào! Lúc còn nhỏ, Hai Đào đi chăn trâu, cắt cỏ, chơi các trò chơi dân gian với các bạn cùng trang lứa.

Chuyện về vị tướng trấn giữ vùng biên

Bên trong Đền thờ Tư Mã Hai Đào.

Đặc biệt, Hai Đào thích chơi trò bắn cung, bắn nỏ, luyện kiếm, đánh cù, bày trò trận giả, luyện võ thi tài, nhưng cậu hơn các bạn cùng trang lứa ở chỗ cao to, đôi tay dài, lại có đôi mắt tinh anh rực sáng, tướng mạo oai phong, võ nghệ tinh tài…

Sống trong tình yêu thương của bà con dân bản, cậu ngày một trưởng thành, đứa bé Hai Đào ngày nào giờ trở thành chàng trai khỏe mạnh lực lưỡng như cây rừng mọc thẳng.

Trong võ đài năm ấy rất nhiều chàng trai tham gia nhưng không ai qua được Hai Đào. Võ nghệ cao cường của chàng trai Mường Đào đã làm rung động trái tim công chúa. Khi biết tin, nhà vua lập tức cho triệu vào yết kiến. Vừa thấy tướng mạo phi phàm của ông, vua liền đồng ý tác thành cho đôi lứa rồi truyền thầy dạy văn, võ.

Chuyện về vị tướng trấn giữ vùng biên

Đền thờ Tư Mã Hai Đào ở vị trí sơn thủy hữu tình.

Từ chàng trai nghèo, Hai Đào trở thành phò mã đúng vào thời điểm giặc ngoại xâm quấy nhiễu và xâm chiếm vùng biên ải nước ta. Phò mã Hai Đào lập tức xin phép vua cha được cầm quân đi dẹp giặc, trấn giữ biên cương.

Với khí phách của người anh hùng, có mưu mẹo và võ nghệ tinh thông, lại được 2 anh em ruột là tướng Ót Đanh và Ót Dọ phò tá, quân của Hai Đào tiến đánh quân giặc dọc theo biên giới kéo dài cả trăm km từ Tén Tằn huyện Mường Lát qua huyện Quan Hóa đến Mường Xia huyện Quan Sơn.

Quân sĩ của Phò mã Hai Đào tiến đến đâu, quân giặc bỏ chạy đến đó. Chỉ trong thời gian ngắn vùng biên cương rộng dài phía Tây Thanh Hóa không còn bóng giặc, cư dân các mường lại được sống trong yên bình, mọi người đều trở về thôn bản làm ăn… Tướng quân Hai Đào được vua phong tước Tư Mã biên phòng cai quản biên cương của Tổ quốc.

Chuyện về vị tướng trấn giữ vùng biên

Nghi lễ cúng “hòn đá vía”.

Khi biên cương bình yên, tướng quân Tư Mã Hai Đào chọn Mường Xia - nơi “sơn thủy hữu tình” để xây dựng thủ phủ. Ông sống trọn đời với vùng biên cương mà ông cùng với các binh mường đã từng nhiều năm chống giặc ngoại xâm giữ gìn từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Hàng đêm, dưới chân núi Pha Dùa, trai gái lại rộn ràng nhịp chày khua luống, những lời khặp cất lên ngọt ngào, quấn quýt trong tiếng khèn gọi bạn.

Khi Tư Mã Hai Đào mất, ông được người dân nơi đây an táng tại một trong những hang động trên núi Pha Dùa. Từ đó, bà con Nhân dân trong vùng gọi ông là Thần Tư Mã Pha Dùa.

Cái chết của người anh hùng đất mường ấy đã được thiêng hóa và người dân Mường Xia tôn ông là người “giữ vía” cho mường. “Hòn đá vía” trở thành biểu tượng cho sức mạnh tinh thần to lớn trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái ở đây.

Chuyện về vị tướng trấn giữ vùng biên

Lễ hội Đền thớ Tư Mã Hai Đào.

Hàng năm, vào ngày 9 và 10 tháng 2 âm lịch, người dân trong vùng nô nức đi Lễ hội Mường Xia để tri ân công đức của thần, cùng với mong muốn cầu cho bà con dân bản được mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt. Đặc biệt, mỗi khi trong Mường có con em đi bộ đội hoặc đi làm ăn xa người thân đều mang áo của người sắp lên đường đến đền thờ thần Tư Mã Hai Đào thắp hương xin ông phù hộ cho con em chân cứng, đá mềm, giữ cho vía yên, vía lành đi đến nơi, về đến chốn.

Chuyện về vị tướng trấn giữ vùng biên

Rất đông người dân đến đền thờ Tư Mã Hai Đào để dâng hưởng tưởng nhớ công lao của ông.

Hiện trên địa bàn miền Tây Thanh Hóa có nhiều địa danh mang dấu ấn của Tư Mã Hai Đào và những chiến công của người anh hùng bảo vệ, giữ yên miền đất biên cương của non sông đất Việt. Hiện có ba di tích liên quan tới tướng quân Tư Mã Hai Đào đó là: Di tích làng Đào (xã Điền Quang, huyện Bá Thước) - nơi xuất thân của vị tướng lĩnh tài ba; Di tích đền Tén Tằn (xã Tén Tằn, huyện Mường Lát) và di tích đền thờ Tư Mã Hai Đào ở bản Chung Sơn (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn).

Hoài Thu


Hoài Thu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]