(vhds.baothanhhoa.vn) - Cùng với các thị trường khách truyền thống, thời gian gần đây tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đến một số tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Qua đó thúc đẩy cơ hội liên kết, phát triển và mở ra cơ hội thu hút khách du lịch từ những thị trường mới về Thanh Hóa.

Cơ hội kích cầu du lịch từ thị trường mới

Cùng với các thị trường khách truyền thống, thời gian gần đây tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đến một số tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch tại cả 3 miền Bắc - Trung - Nam. Qua đó thúc đẩy cơ hội liên kết, phát triển và mở ra cơ hội thu hút khách du lịch từ những thị trường mới về Thanh Hóa.

Cơ hội kích cầu du lịch từ thị trường mớiĐoàn các doanh nghiệp lữ hành tỉnh Thanh Hóa khảo sát điểm đến, dịch vụ du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu vào tháng 9-2023.

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến

Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch và thu hút khách từ các thị trường mới đã, đang là hướng đi của du lịch Thanh Hóa trong tình hình mới. Theo đó, kể từ khi du lịch mở cửa trở lại đến nay (ngày 15-3-2022), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến đến một số thị trường nội địa như: Phú Quốc, Cần Thơ, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Mộc Châu... Đây là những thị trường trọng điểm, có nguồn khách lớn, đặc biệt là khách quốc tế.

Trong đó, dựa trên tiềm năng, lợi thế sẵn có về hạ tầng giao thông, sự khác biệt về sản phẩm du lịch giữa các địa phương, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt coi trọng định hướng mở rộng thị trường khách du lịch từ các tỉnh, thành phố phía Nam. Ngay trong tháng 8 vừa qua, trong khuôn khổ hội nghị liên kết du lịch tỉnh Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa và Hiệp hội Du lịch các tỉnh/thành phố Đông Nam bộ đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển du lịch. Đồng thời, các doanh nghiệp lữ hành của tỉnh đã khảo sát các cơ sở dịch vụ, sản phẩm du lịch, điểm đến và tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp du lịch tại TP Hồ Chí Minh.

Có thể thấy, một trong những lợi thế lớn nhằm thúc đẩy hợp tác du lịch Thanh Hóa với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam bộ là hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt là đường hàng không, với các chuyến bay hằng ngày kết nối Thanh Hóa - TP Hồ Chí Minh. Tỉnh Thanh Hóa chỉ cách TP Hồ Chí Minh khoảng 2 giờ bay. Trong khi đó, Cảng Hàng không Thọ Xuân có khả năng tiếp nhận máy bay cỡ lớn, đang tiếp tục được nâng cấp, trang bị hiện đại, là những thuận lợi cho du khách đến và đi. Thanh Hóa có thể đem đến cho du khách đến từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố phía Nam những trải nghiệm trọn vẹn và khác biệt.

Đối với thị trường khách du lịch vùng Tây Bắc, đây là thị trường khách mới, lượng khách đến với Thanh Hóa còn khá hạn chế. Xác định rõ tiềm năng, cơ hội hợp tác, gần đây nhất (tháng 9-2023), đoàn các doanh nghiệp lữ hành tỉnh Thanh Hóa đã có chuyến khảo sát tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu (Sơn La). Tại đây, đoàn đã khảo sát, đánh giá sản phẩm, dịch vụ du lịch, đồng thời ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội du lịch tỉnh Sơn La và các doanh nghiệp du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Trong đó, các bên cùng thỏa thuận xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối giữa 2 địa phương; có cơ chế chính sách riêng cho các đơn vị lữ hành khi tham gia khai thác tour liên kết...

Ông Vũ Văn Bình, Chi hội trưởng Chi hội lữ hành, Hiệp hội du lịch tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Chuyến khảo sát không chỉ quảng bá, thu hút du khách về với Thanh Hóa, mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành tham vấn, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ du lịch tại Mộc Châu nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung để xây dựng chương trình tour liên kết, trao đổi khách 2 chiều. Hy vọng sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn khách đến với Thanh Hóa trong thời gian tới”.

Đối với phân khúc thị trường quốc tế, tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại một số thị trường như: Tổ chức xúc tiến, kêu gọi đầu tư tại thị trường các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại một số nước châu Âu như: Liên bang Nga, Pháp, Đức...; tổ chức đón tiếp các đoàn đại sứ, báo chí, truyền thông lớn đến khảo sát, quảng bá du lịch tại Thanh Hóa.

Tăng sức hút

Để có thể thu hút khách từ các thị trường mới, nếu chỉ tập trung quảng bá, xúc tiến là chưa đủ. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa đã, đang tiếp tục đẩy mạnh khai thác, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, cao cấp, nhằm tăng sức hút và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Điển hình là sản phẩm du lịch biển, với việc thiết lập lại trật tự kỷ cương, môi trường du lịch cùng với sự đầu tư quy mô từ các dự án đầu tư hạ tầng tại khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn). Thêm vào đó, Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch như các lễ hội du lịch biển, Carnival đường phố, Lễ hội ánh sáng, Lễ hội tình yêu... Cùng với đó, bổ sung thêm nhiều sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ, dù lượn, làng bích họa, tuyến phố đi bộ và chợ đêm Sầm Sơn, Quảng trường biển Sầm Sơn... Đối với khách du lịch từ các tỉnh phía Bắc, du lịch biển vẫn được xem là sản phẩm thế mạnh để Thanh Hóa tập trung khai thác trong thời gian tới.

Thị trường khách đến từ các tỉnh, thành phố phía Nam và khách quốc tế sẽ hướng đến các sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng. Với việc ưu tiên đầu tư hạ tầng, nhân lực, tổ chức các dịch vụ, kết nối các tour, tuyến du lịch... đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều khu, điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn như: Khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Năng Cát - thác Ma Hao (Lang Chánh); Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước); bản Hang (Quan Hóa); suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); bản Ngàm (Quan Sơn)...

Ngoài ra, nhiều sản phẩm du lịch bổ trợ đã được các địa phương, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, đưa vào phục vụ khách du lịch như: tour “Ngược xuôi sông Mã”; tuyến du lịch làng cổ Đông Sơn, trải nghiệm du lịch đồng quê, du lịch động Tiên Sơn - Hàm Rồng (TP Thanh Hóa); Khu du lịch động Kim Sơn (Vĩnh Lộc); tuyến du lịch kết nối các huyện Yên Định - Cẩm Thủy - Vĩnh Lộc - Thọ Xuân,... mang đến cho du khách thêm nhiều sự lựa chọn, trải nghiệm khi đến với xứ Thanh.

Theo các chuyên gia du lịch, cùng với đẩy mạnh liên kết, hợp tác, trước hết du lịch Thanh Hóa cần có sự thay đổi một cách “thực chất”. Trước hết cần chú trọng hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, gia tăng trải nghiệm... nhằm tăng sức hút cũng như khả năng chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Đặc biệt cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án du lịch trọng điểm để đón đầu “làn sóng” khách du lịch từ các thị trường mới, trong đó có cả khách quốc tế.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]