(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm trong không gian của hương Yên Duyên trước đây, vùng đất Chàng Xá - Lương Xá xưa, nay là xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn) hình thành gắn liền với quá trình con người khai phá, chinh phục một vùng đồng bằng ven biển từ sông Ghép đến cửa Hới. Đi qua thời gian, về Quảng Đại hôm nay, là những di tích - “địa chỉ” văn hóa nơi làng quê đang được giữ gìn.

Trong không gian văn hóa vùng đất Lương Xá xưa

Nằm trong không gian của hương Yên Duyên trước đây, vùng đất Chàng Xá - Lương Xá xưa, nay là xã Quảng Đại (TP Sầm Sơn) hình thành gắn liền với quá trình con người khai phá, chinh phục một vùng đồng bằng ven biển từ sông Ghép đến cửa Hới. Đi qua thời gian, về Quảng Đại hôm nay, là những di tích - “địa chỉ” văn hóa nơi làng quê đang được giữ gìn.

Trong không gian văn hóa vùng đất Lương Xá xưaĐình Mỹ Lâm là nơi thờ Thành hoàng làng họ Phạm đã có công lập làng.

Thăm đình làng Mỹ Lâm

Theo lưu truyền tại Mỹ Lâm, làng được lập dựng nhờ các vị tiền nhân họ Phạm. Chuyện kể rằng, họ Phạm trước đó vốn gây dựng cơ nghiệp ở đất Vệ Giữa (thuộc Quảng Đức ngày nay). Sau đó, con trai họ Phạm tên tự là Vĩnh Yên đã xuống vùng đất Chàng Xá (Quảng Đại ngày nay) lập nghiệp. Lúc bấy giờ, ở Chàng Xá có khu đất rộng bỏ hoang, mấp mô gò đống, cỏ cây rậm rạp, ít người lui tới, người dân trong vùng vẫn thường gọi là Mả Hang. Và ông Vĩnh Yên đã chọn Mả Hang làm nơi dựng nghiệp. Sinh sống trên vùng đất mới, họ Phạm đã biến vùng đất hoang vu ngày một phát triển, cơ nghiệp mỗi ngày thêm lớn. Con cháu họ Phạm đã dùng tiền để mua thêm điền thổ, xin với triều đình để lập dựng làng mới, ngày nay là làng Mỹ Lâm.

Về việc lập làng Mỹ Lâm, sách Địa chí huyện Quảng Xương (Quảng Đại trước đây thuộc huyện Quảng Xương, hiện nay thuộc TP Sầm Sơn) viết: “Năm Canh Dần 1770 ông Lê Quý Đôn phụng chỉ xem xét hộ khẩu ở trấn Thanh Hóa, thấy Mả Hang đủ điều kiện để lập làng”. Lúc đầu, làng có tên Mả Thôn. Theo lý giải của người dân địa phương, chữ Mả là tên nôm, được hiểu là bãi mọc nhiều cây, chủ yếu là cây lấy củi. Đến thời Nguyễn, Mả Thôn được đổi thành Mỹ Lâm.

Cũng theo lưu truyền, ông Vĩnh Yên không chỉ là người có công khai phá, lập nên làng Mỹ Lâm. Sinh thời, ông vốn có võ nghệ cao cường, đã có công phò tá vua Lê chúa Trịnh. Bởi vậy, sau khi mất ông được triều đình ban sắc phong và người dân suy tôn làm Thành hoàng làng, thờ ở đình làng. Sắc phong niên hiệu Cảnh Hưng (vua Lê Hiển tông) ban cho ngài nhiều mỹ tự. Hàng năm, vào ngày 12 tháng Chạp kỵ (giỗ) của Thành hoàng làng, người dân Mỹ Lâm lại cùng nhau tổ chức lễ hội quy mô lớn, dân gian vẫn thường gọi là “Chạp làng Mỹ Lâm”.

Đình làng Mỹ Lâm ban đầu đơn sơ, sau đó được dựng khang trang với kiến trúc thời Nguyễn khá bề thế, nổi bật bởi các mảng chạm khắc gỗ truyền thống, tinh xảo như hoa chanh, “Phượng hoàng vũ khúc”, “Cá chép hóa rồng vượt vũ môn”... Theo sách Di tích và danh thắng huyện Quảng Xương: “Ngoài những giá trị về văn hóa, lịch sử, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình làng Mỹ Lâm còn là nơi tập hợp dân quân du kích, tập kết quân lương, vũ khí của bộ đội ta trước khi vào Nam chiến đấu; là nơi diễn ra các cuộc họp công khai và bí mật của Ủy ban kháng chiến, nơi tập trung đưa tiễn các đoàn dân công, thanh niên tòng quân lên đường ra tiền tuyến, cũng là nơi đặt các lớp bình dân học vụ...”.

Đình Mỹ Lâm là một trong ba di tích đã được xếp hạng trên địa bàn xã Quảng Đại. Di tích có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tâm linh của người dân địa phương. Trải qua thời gian, do bị xuống cấp, đình đã được tôn tạo trên nền móng cũ từ nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ và xã hội hóa.

Và đền thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục

Nếu đình Mỹ Lâm nằm bên trong đất liền, thì đền thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục (còn có tên đền thờ quan Hoàng Giáp; hay đền thờ Đức thánh tôn thần) lại nằm gần bờ biển - gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của ngư dân xã biển Quảng Đại.

Trong không gian văn hóa vùng đất Lương Xá xưaỞ Quảng Đại, ngư dân vẫn duy trì thói quen đánh bắt bằng bè mảng truyền thống.

Dẫn chúng tôi tham quan di tích, bác Thừa Văn Hoành, thủ từ đền thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục giới thiệu: “Với người dân Quảng Đại nói chung, đặc biệt là cư dân các làng biển, bao đời nay vẫn dành sự tôn kính đối với Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục. Dù người dân biển Quảng Đại chỉ đánh bắt gần bờ bằng bè mảng, nhưng chúng tôi tin rằng, nhờ sự phù trợ của ngài, mà mỗi ngày đi biển được bình an, cuộc sống dần no đủ...”.

Theo sử liệu, Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục vốn người miền ngoài. Ông đỗ đạt và làm quan thời Lê sơ, nổi tiếng thông minh, gan dạ, được vua Lê tin tưởng giao nhiều trọng trách. Một lần vua Lê mang quân đi đánh giặc Chiêm Thành, Nguyễn Phục được giao nhiệm vụ vận chuyển quân lương. Tuy nhiên, trên đường đi thì gặp bão lớn trên biển, buộc phải dừng lại chờ bão tan mới đi tiếp khiến cho việc tiếp tế quân lương bị chậm trễ. Sau đó, ông bị xử trảm vì trái quân lệnh. Khi biết rõ sự tình và nỗi oan của vị quan họ Nguyễn, nhà vua đã phong ông là Đông Hải phúc thần, lệnh cho người dân các địa phương ven biển lập đền thờ phụng. Trải qua các triều đại phong kiến, Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục đã nhiều lần được ban sắc phong.

Theo sách Di tích và danh thắng huyện Quảng Xương, việc thờ phụng Đông Hải Đại vương diễn ra ở vùng 12 cửa biển từ Thanh Hóa trở vào đến Quảng Bình. Ở tỉnh Thanh Hóa có 59 xã, thôn thờ Đông Hải Đại vương. Riêng huyện Quảng Xương trước đây có 13 nơi thờ, trong đó có làng Phú Xá, xã Quảng Đại.

Việc lập dựng đền và thờ phụng Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục ở làng Phú Xá đã có từ nhiều thế kỷ trước. Các cụ cao niên trong làng kể lại, đền thờ được khởi dựng lần đầu vào thế kỷ 16, ở vị trí cách ngôi đền hiện nay khoảng 200m. Thời gian trôi qua, ngôi đền bị hư hỏng nặng, việc thờ cúng cũng vì thế mà sao nhãng. Về sau, có một người dân làng Phú Xá chuyên làm nghề “đẩy kheo” đánh moi, một hôm ra biển thì vô tình kéo được khúc gỗ của ngôi đền xưa trôi dạt ra biển. Điều kỳ lạ, dù người đàn ông đã ném khúc gỗ đi rất xa, nhưng mỗi lần kéo súc (dụng cụ đánh bắt moi) lại thấy khúc gỗ “chui” vào ngư cụ. Cho là điềm linh ứng, ông và người dân trong làng đã dựng ngôi miếu nhỏ khôi phục việc thờ phụng Đông Hải Đại vương. Bấy giờ, có một người họ Cao trong làng, nhờ chăm chỉ học hành nên đã đỗ đạt, làm quan ở triều đình. Với tấm lòng thành kính, viên quan họ Cao đã xuất tiền bạc, cùng người dân xây dựng đền thờ to lớn, vững chãi, với dấu tích hiện còn đến ngày nay.

Thủ từ đền thờ Đông Hải Đại vương Nguyễn Phục cho biết thêm: “Hàng năm, tại đền thờ Đông Hải Đại vương diễn ra nhiều kỳ lễ lớn nhỏ. Tuy nhiên, lễ hội vào ngày 16 tháng 4 (âm lịch) được tổ chức quy mô lớn hơn cả, đây cũng chính là dịp diễn ra lễ Cầu ngư của người dân biển Quảng Đại. Vào ngày này, ngoài các lễ vật thường thấy, người dân sẽ cùng nhau làm thuyền “đầu rồng đuôi cá” để tế thần. Nghi lễ tế thần được tổ chức cẩn trọng, gửi gắm ước vọng cầu mong mưa thuận gió hòa, ngư dân ra khơi đánh bắt được may mắn, thuyền về lộc biển đầy khoang. Việc phụng thờ Đông Hải Đại vương là tín ngưỡng tâm linh, nét đẹp văn hóa thấm đẫm vào sâu trong tiềm thức người dân làng Phú Xá, xã Quảng Đại”.

Bà Phạm Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Đại, cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã Quảng Đại có 3 di tích đã được xếp hạng. Mỗi di tích lại gắn liền với tín ngưỡng văn hóa, tâm linh, được chính quyền và người dân ý thức giữ gìn, góp phần làm nên sự phong phú cho “bức tranh” văn hóa truyền thống của địa phương. Từ nguồn lực văn hóa, cùng nhau nỗ lực xây dựng, phát triển quê hương giàu mạnh”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]