(vhds.baothanhhoa.vn) - Lễ hội Nàng Han diễn ra vào đầu ngày xuân, chính hội vào mùng 5 tết và kéo dài trong suốt cả mùa xuân, lễ hội này từ xa xưa tới nay không chỉ người Thái tỉnh Thanh biết tiếng mà còn lan truyền tới cả những nơi khác có người Thái sinh sống.

Đặc sắc lễ hội Nàng Han mường Trịnh Vạn

Lễ hội Nàng Han diễn ra vào đầu ngày xuân, chính hội vào mùng 5 tết và kéo dài trong suốt cả mùa xuân, lễ hội này từ xa xưa tới nay không chỉ người Thái tỉnh Thanh biết tiếng mà còn lan truyền tới cả những nơi khác có người Thái sinh sống.

Đặc sắc lễ hội Nàng Han mường Trịnh Vạn

Trò chơi dân gian tại Lễ hội Nàng Han (ảnh tư liệu)

Lùm Nưa (theo tiếng Thái cổ nghĩa là gió mát ở vùng trên) là bản của người Thái trắng nằm ở trung tâm của đất mường Chiếng Ván (Trịnh Vạn xưa nay là xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân) có thung lũng rộng lớn và là vựa lúa nuôi sống cả mường, miền đất của “quế ngọc châu Thường” nổi tiếng. Với núi biếc, non xanh, lúa vàng nhấp nhô trải dài từ nương cao đến ruộng thấp tạo nên bức tranh đẹp, nhiều màu sắc cho người và đất nơi đây.

Truyền thuyết về Nàng Han ở bản Lùm Nưa kể ở đất Chiếng Ván trong một gia đình có hai chị em rất xinh đẹp. Cô em - Nàng Tóc Thơm đẹp người, ngoan nết, e ấp, dịu dàng. Nàng có mái tóc đen chảy dài như dòng suối và hương thơm lạ kỳ khiến cho trong bản, ngoài mường đâu đâu cũng nức tiếng ngợi khen.

Còn người chị - Nàng Han không chỉ đẹp người, ngoan nết mà còn rất thông minh và có tài võ nghệ hơn người. Một ngày kia cuộc sống đang yên bình bỗng chốc bị đảo lộn bởi bọn giặc đến cướp phá, hãm hại dân lành. Triều đình chọn tìm người hiền tài ra giúp nước, Nàng Han, cô gái có tài kiếm cung giả trai ra nhập nghĩa binh và được nhà vua xung vào đội quân tiên phong dẹp giặc. Do lập nhiều công lớn, Nàng được triều đình ban thưởng rất hậu và giao cho viên tướng vùng sơn cước này nhiệm vụ trấn ải miền biên viễn ngay trên vùng đất quê nhà, cuộc sống bình yên trở lại.

Vốn nổi tiếng về nhan sắc và mái tóc thơm lạ kỳ, Nàng Tóc Thơm luôn được gia đình chăm sóc và bao bọc, gần như nàng không được đi đâu ra khỏi nhà do đang trong thời kỳ loạn lạc.

Khi cuộc sống nơi vùng sơn cước trở lại yên bình, nàng xin phép cha mẹ ra sông tắm mát. Trong lúc tắm gội, tóc nàng rơi ra vài sợi trôi dọc theo con sông. Lạ kỳ thay, những sợi tóc trôi đến đâu thì tỏa ra một mùi thơm ngào ngạt đến đó. Điều này khiến cho nhiều người tò mò và đi tìm nguyên nhân nhưng họ chỉ tìm được những sợi tóc và rồi họ tìm ra chủ nhân của những sợi tóc thơm đó. Từ đó, trai bản trên dưới lũ lượt kéo đến tìm hiểu nàng nhưng đều bị từ chối.

Một ngày kia, bỗng nhiên quân giặc kéo đến đòi bắt Nàng Tóc Thơm về làm vợ, Nàng Han khởi binh chống lại lũ giặc bảo vệ dân làng và em gái. Sau khi đánh tan quân giặc nàng ra bờ sông tắm, nước mát trong làm để lộ đôi bồng đào tròn đầy của người thiếu nữ tuổi độ trăng rằm, bỗng đâu đám tàn binh của giặc phát hiện ra vị võ tướng oai phong lẫm liệt kia lại là gái, chúng hò reo rồi tồng ngồng xông tới. Bị bất ngờ, Nàng Han vừa căm tức vừa cả thẹn vung gươm diệt giặc và nàng đã anh dũng hy sinh. Con ngựa chở xác nàng phi thẳng tới đỉnh núi Hang bay về trời. Từ ấy đến nay dòng sông Nhồng (tiếng Thái gọi là sông máu, do máu giặc chảy mà thành) vẫn chảy bên núi Hang Mường. Trong hang có nhũ đá hình thiếu nữ đang ngồi nghỉ sức, kế bên là hình voi, ngựa chiến hóa đá đứng chầu, tương truyền đó chính là Nàng Han đã hóa thân vào đó.

Cách Hang Mường về phía Tây một quãng là hình con ngựa chiến in rõ trên nền trời trong buổi tà dương đang đưa người anh hùng của đất mường Chiếng Ván về với Mường Trời.

Cảm phục, biết ơn người thiếu nữ của đất mường Trịnh Vạn hàng năm bà con dân tộc Thái tưng bừng mở hội vừa tri ân công đức của nàng, vừa là dịp vui chơi giải trí, gặp gỡ trao duyên, trao tình, cầu cho nhân khang, vật thịnh.

Đặc sắc lễ hội Nàng Han mường Trịnh Vạn

Trang phục truyền thống của người Thái huyện Thường Xuân khi tham dự Lễ hội Nàng Han (ảnh tư liệu)

Trước ngày lễ hội, dân làng chuẩn bị sẵn các lễ vật để dâng tế Nàng Han đó là một con trâu, một con lợn, một con chó, hai chĩnh rượu cần, gạo nếp, gà, vịt, bày ra thành 13 mâm lễ để cúng các vị thần linh và Nàng Han. Hang Mường do thiên nhiên tạo thành, hang dài hơn 100 km, có đường lên trời và xuống cõi âm, cửa hang trông về phía nam hướng về bản Lùm Nưa và sông Nhồng. Thiên nhiên đã tạo cho cửa hang một không gian rộng ước chừng 300m2, tương đối bằng phẳng. Dưới vách đá tựa hình Nàng Han, dân làng lập một đàn lễ bằng tre nứa, trên đó có một hương án cũng bằng tre nứa gồm 4 tầng để đặt lễ dâng cúng các vị thần linh.

Sau khi chuẩn bị các lễ vật ở hang Mường, người chủ lễ là bà Tày gốc (người mà gia đình, dòng họ làm nghề này từ đời này sang đời khác, có uy tín và hiểu biết) đứng làm chủ lễ (chứ không phải là đàn ông). Giúp việc bà Tày gốc là ba bà Tày khác cùng với các cô gái là những người phục vụ và giúp việc cho các bà Tày này.

Những người phục vụ mặc trang phục Thái, tay cầm ô vuông với mầu sắc sặc sỡ đứng phía sau che ô cho các bà Tày. Bốn bà Tày tay cầm quạt, khăn thổ cẩm màu đỏ vắt vai, đeo xà tích, vũng bạc, đầu đội khăn piêu, nét mặt trang nghiêm hướng về đàn lễ.

Bà Tày gốc đội mũ ngũ sắc bằng thổ cẩm sặc sỡ, cổ đeo vòng bạc, đầu đội khăn piêu, đạo cụ là kiếm và quạt thờ được bà Tày sử dụng thành thạo trong suốt buổi lễ thỉnh cầu Nàng Han và các vị thần linh. Sau mỗi lần khấn các bà Tày múa quạt nửa hình tròn theo chiều từ trên xuống dưới. Những người phục vụ trong đoàn tế đứng che ô và nhất loạt phủ phục theo từng động thái của các bà Tày trước Nàng Han và Nàng Tóc Thơm cũng như các vị thần.

Trong không gian linh thiêng của Hang Mường, dưới ánh đuốc bập bùng lúc mờ, lúc tỏ mọi người dân và du khách đều hướng về tượng đá có hình của Nàng Han và lời khấn của bà Tày như vọng về từ quá khứ, thấm sâu vào từng mạch đá, lắng sâu trong lũng người, được đá núi đồng vọng lúc gần lúc xa, như mơ như thực.

Trong lời khấn của bà Tày kèm theo những động tác múa quạt, loan kiếm và những động tác múa uyển chuyển với các dải lụa ngũ sắc, người dự hội lễ tưởng như Nàng Han hiện về cùng với quân sĩ đang luyện tập binh đao, tả xung hữu đột, dẹp yên quân giặc, bảo vệ cho mường xa bản gần có cuộc sống ấm êm hạnh phúc.

Sau khi lễ tất ở hang Mường, bản trên mường dưới và du khách kéo nhau ra bãi đất rộng bên kia sông Nhồng đối diện với Hang Mường để cùng tham gia các trò chơi, trò diễn mang đậm sắc thái văn hóa dân tộc Thái.

Mở đầu phần hội là múa Cá sa (hát múa quanh cây hoa). Cây hoa là biểu tượng của cây vũ trụ có nhiều tầng mong ước cho vạn vật sinh sôi nảy nở. Cùng với hát múa chung quanh cây bông, còn có diễn tấu, đánh trống chiêng (cổng giàm), khua luống, ném còn.

Trong Hang Mường dưới ánh đuốc tỏ mờ, từng đôi nam nữ tay trong tay cùng nhau tâm sự bằng lời khặp tâm tình thủ thỉ mà nồng say như ngấm men tình. Gặp gỡ lần đầu và thực ưng nhau, họ cùng ra bãi rộng tham dự hội ném còn, trao cho nhau quả còn làm tin, gửi thương gửi nhớ để rồi tình yêu nhen lên trong ngày hội mở, cho bao lứa đôi thành vợ thành chồng.

Sau hội Nàng Han trẻ già, trai gái cùng kéo nhau về bản, ở đó bên bếp lửa nhà sàn, họ cùng nhau uống rượu cần, làm lễ cầu vía có linh hồn của Nàng Han, Nàng Tóc Thơm hiển hiện để các bà Tày ban phát lộc và buộc chỉ ngũ sắc cầu may cầu phúc cho những người dự lễ. Vào khoảng xế chiều họ lại kéo nhau ra tr­ước cửa hang nơi có bãi đất bằng để chơi hội còn, nhảy sạp, đánh đu...

Lễ hội Nàng Han và tục chơi Hang Mường không chỉ đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ sáng tạo văn hóa và tín ngưỡng tâm linh của đồng bào Thái, mà còn góp phần bảo tồn sắc thái văn hóa, phong tục của tộc người Thái huyện Thường Xuân.

Lễ hội là sự tri ân, tôn vinh sự nghiệp của người con gái đất mường Trịnh Vạn để người dân và du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ noi gương.

Hạ An


Hạ An

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]