Đánh thức tiềm năng du lịch rừng phòng hộ tại huyện Lang Chánh
Lang Chánh là huyện miền núi có tiềm năng rừng tự nhiên đa dạng, phong phú, đa dạng về loài, khí hậu mát mẻ quang năm cùng cảnh quan sinh thái nguyên sơ xen lẫn nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, là điều kiện thuận lợi để địa phương này phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ.
Thác Xanh (thác dốc đá) ở xã Trí Nang.
Hiện Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lang Chánh đang quản lý và bảo vệ 10.292,14 ha đất lâm nghiệp, trong đó có nhiều diện tích rừng giàu với nhiều cây gỗ quý như sến mật, giẻ sưng, táu, tram hàng trăm năm tuổi. Do địa hình chia cắt bởi sông, suối, vách đá nên trong rừng có nhiều thác nước đẹp và hùng vỹ như thác Ma Hao, thác Mây, thác Hón Lối, thác Sủi Tăm, thác Ông, thác Bà… tạo nên lợi thế nhất định để huyện phát triển du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ.
Vùng lân cận của Ban quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh còn có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa tâm linh như chùa Mèo, đền Tên Púa và đền Lê Lợi. Nơi đây còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống về phong tục, tập quán, những nếp nhà sàn cổ bằng gỗ, các món ăn địa phương, trò chơi dân gian, đặc biệt là hát khắp của người Thái, lễ hội Chá Mùn. Các đỉnh núi cao hàng nghìn mét như Pù Rinh, Ba Chóp, Đồng Lin… thuộc rừng phòng hộ Lang Chánh cũng là điểm đến du lịch lý tưởng cho các tour leo núi mạo hiểm, khám phá.
Chùa Mèo (thị trấn Lang Chánh).
Nhận thấy tiềm năng to lớn đó, Ban quản lý rừng phòng hộ đã xây dựng Đề án “Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn 2040”.
Đề án là xác định và phát huy các giá trị tiềm năng như cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh hiện có trong diện tích rừng do Ban quản lý rừng phòng hộ được giao quản lý; phát triển rừng gắn bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống người dân.
Dấu tích ghế đá Vua Lê Lợi từng ngồi trên đỉnh Chí Linh.
Đề án đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 ít nhất có 3 nhà đầu tư phát triển du lịch trong đất rừng phòng hộ, kết nối các điểm du lịch tạo thành 7 tuyến du lịch nội vi, 4 tuyến kết nối trong tỉnh, 2 tuyến liên tỉnh, thu hút ít nhất 50.000 lượt khách/năm, trong đó khách quốc tế chiếm 5%, tỉ lệ du khách lưu trú qua đêm chiếm 20%. Tổng thu hàng năm ước đạt 60 tỷ đồng… Đến năm 2030 có trên 100.000 lượt khách/năm, tổng thu ít nhất 80 tỷ đồng.
Vẻ đẹp thác Mây, xã Trí Nang.
Ông Ngô Văn Trọng, Phó Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Lang Chánh cho biết, rừng phòng hộ huyện Lang Chánh có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, các giá trị văn hóa, lịch sử để phát triển du lịch. Tuy nhiên, các hoạt động du lịch này còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch nên chưa thực sự hiệu quả.
Thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư, tranh thủ nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông, cơ sở dịch vụ lưu trú, hướng đến xây dựng và phát triển du lịch sinh thái trong rừng phòng hộ bài bản, quy mô và chuyên nghiệp hơn.
TRUNG LÊ
{name} - {time}
- 2023-09-25 08:14:00
Du lịch lòng hồ ở Thanh Hóa
- 2023-09-22 07:01:00
Trong không gian văn hóa vùng đất Lương Xá xưa
- 2022-01-18 15:48:00
Thắng tích Hàm Rồng
Rêu phong Chùa Tạu
Nơi lưu giữ giá trị văn hóa người Việt
Nét xưa sót lại ở làng Cổ Định
Đền nghè Yên Vực bên bờ sông Mã
Mê mẩn “nông trại Đà Lạt” tại huyện Cẩm Thuỷ
Về Định Hải thăm Di tích lịch sử cấp Quốc gia Đình làng Sét
Về Thanh Hóa đi chợ phiên Phố Đoàn
Trang trại giáo dục và sinh học hữu cơ T-Farm thu hút khách dịp nghỉ lễ Tết Dương lịch 2022
Son Bá Mười - đỉnh cao mây ngàn