(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, du lịch lễ hội được coi là một trong những sản phẩm lợi thế của xứ Thanh, với lượng lễ hội đầu xuân khá lớn, diễn ra tại nhiều điểm đến trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay Thanh Hóa ghi nhận chưa để xảy ra tình trạng tiêu cực trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đẩy mạnh công tác quản lý điểm đến mùa lễ hội

Những năm gần đây, du lịch lễ hội được coi là một trong những sản phẩm lợi thế của xứ Thanh, với lượng lễ hội đầu xuân khá lớn, diễn ra tại nhiều điểm đến trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay Thanh Hóa ghi nhận chưa để xảy ra tình trạng tiêu cực trong hoạt động kinh doanh du lịch.

Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL, 2 tháng đầu năm 2018 Thanh Hóa đã đón khoảng 600.000 lượt khách. Để chuẩn bị tốt cho công tác tổ chức lễ hội cũng như đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, Sở VH,TT&DL đã sớm xây dựng kế hoạch đồng thời có văn bản chỉ đạo các địa phương về việc quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất, thực hiện có hiệu quả bộ quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Quản lý du lịch, Sở VH,TT&DL cho biết, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo công tác đón khách du lịch chu đáo, an toàn, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, Sở đã có văn bản cụ thể gửi các huyện, thị, thành phố. Trong đó, yêu cầu các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, lễ hội, đảm bảo không khí vui tươi, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục, tập quán của đồng bào các dân tộc trong tỉnh; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, thu lợi bất chính.

Cũng theo bà Nguyệt, nhờ thực hiện tốt các biện pháp quản lý điểm đến mà đến nay, qua thanh tra, kiểm tra tại các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh chưa để xảy ra tình trạng tiêu cực nào.

Các lễ hội đầu xuân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thu hút đông đảo nhân dân và du khách.

Nhằm thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của ngành văn hóa, các huyện, thị, thành phố cũng đã chủ động hướng dẫn các xã, phường, thị trấn và các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kiên quyết các đối tượng đeo bám, gây phiền hà cho khách du lịch.

Đặc biệt nhằm tránh tình trạng du khách bị “chặt chém” trong mùa lễ hội, Sở VH,TT&DL cũng yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định pháp luật về giá, tuân thủ các quy định về đăng ký, niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; thực hiện việc bình ổn giá dịch vụ, không để xảy ra tình trạng găm giữ phòng khách sạn và dịch vụ du lịch, gây sốt giá, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh du lịch Thanh Hóa nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung.

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần chuẩn bị chu đáo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch, thực phẩm, cung ứng đầy đủ các dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, giữ gìn cảnh quan môi trường sạch đẹp, có thái độ ứng xử văn minh với khách du lịch. Thực hiện bình ổn giá dịch vụ, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết.

Sầm Sơn, không chỉ được biết đến là một khu đô thị du lịch biển mà đây còn là nơi diễn ra nhiều lễ hội truyền thống, thu hút được đông đảo du khách gần, xa... Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, những ngày đầu xuân năm mới tại các điểm di tích trên địa bàn thành phố, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch vẫn diễn ra như ngày bình thường, đặc biệt vấn nạn ăn xin, mê tín dị đoan hay hiện tượng đeo bám khách đã giảm rõ rệt. Được biết, đền Cô Tiên, đền Độc Cước đều đã được lắp camera giám sát, mỗi di tích đều cử 1 cán bộ quản lý trực tiếp, chính vì vậy mà công tác an ninh, an toàn di tích đã được đảm bảo hơn, du khách về với Sầm Sơn trong dịp đầu xuân cảm thấy phấn khởi.

Chị Đặng Thị Thảo, du khách đến từ Hà Nội cho biết, dịp đầu xuân tôi cùng gia đình có điều kiện về thăm quê hương và tham quan nhiều điểm đến tại Sầm Sơn. Tuy nhiên, khác xa với thời gian trước đây, công tác tổ chức và đảm bảo an ninh trật tự tại các điểm di tích đều rất tốt, trật tự và quy củ, không xảy ra hiện tượng chèo kéo du khách. Đặc biệt vấn đề vệ sinh môi trường được đảm bảo, tạo ấn tượng tốt cho tôi cũng như nhiều du khách thập phương.

Có thể nói, đó là một trong những dấu hiệu chuyển biến tích cực trong hoạt động du lịch của xứ Thanh, cho thấy sự cố gắng, nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch của cả cộng đồng. Bằng nhiều biện pháp đồng bộ và quyết liệt, xứ Thanh đang trở thành điển hình trong công tác quản lý môi trường kinh doanh du lịch, đảm bảo các lễ hội đầu xuân trên địa bàn diễn ra an toàn, văn minh, tạo được những ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]