(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhiều nguyên nhân khác, đến nay số lượng khách du lịch đến với bản Ngàm, xã Sơn Điện (Quan Sơn) vẫn còn khá ít. Để nơi đây trở thành điểm dừng chân hấp dẫn du khách, cả chính quyền và người dân cần thực hiện những giải pháp dài hơi.

Để bản Ngàm trở thành điểm dừng chân hấp dẫn du khách

Sau hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch COVID-19 và nhiều nguyên nhân khác, đến nay số lượng khách du lịch đến với bản Ngàm, xã Sơn Điện (Quan Sơn) vẫn còn khá ít. Để nơi đây trở thành điểm dừng chân hấp dẫn du khách, cả chính quyền và người dân cần thực hiện những giải pháp dài hơi.

Để bản Ngàm trở thành điểm dừng chân hấp dẫn du khách

Bà con bản Ngàm, xã Sơn Điện làm ra các sản phẩm từ tre luồng mang đặc trưng của địa phương.

Sau hơn 30 phút di chuyển từ thị trấn Sơn Lư (Quan Sơn) ngược lên biên giới theo Quốc lộ 217 chúng tôi cũng đã có mặt ở công sở xã Sơn Điện. Biết chúng tôi muốn vào thăm bản Ngàm, Bí thư Đảng ủy xã Hà Văn Toản gật đầu đồng ý và giới thiệu đôi nét về bản. Anh cho biết, bản Ngàm bắt đầu xây dựng bản văn hóa cấp tỉnh từ năm 1998 và được công nhận năm 2000. Đây cũng là bản nông thôn mới kiểu mẫu của xã. Bản được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh năm 2019, có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên hầu hết hoạt động du lịch trên địa bàn xã nói chung, bản Ngàm nói riêng đều chậm lại, khách du lịch đến với địa phương rất ít. Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, địa phương và người dân đã bắt tay để phục hồi du lịch với nhiều giải pháp “kích cầu”.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Điện Lương Văn Chiên là người đưa chúng tôi vào thăm bản Ngàm. Bản cách trung tâm xã chừng 2 cây số, từ Quốc lộ 217 đi qua con dốc uốn lượn, hun hút, đường bê tông lâu ngày sử dụng dần xuống cấp nên khó khăn hơn trong việc đi lại. Vừa đi đường, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Văn Chiên vừa chia sẻ: “Đường làm đã lâu nên xuống cấp, địa phương đang có kế hoạch tu sửa lại, tạo điều kiện khôi phục hoạt động du lịch của bản. Để du khách có thêm hoạt động trải nghiệm ở bản, địa phương cũng sẽ làm thêm những chiếc bè mảng đi trên sông Luồng. Bản Ngàm có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng để hoạt động du lịch được bài bản thì vẫn còn là bài toán khó đối với địa phương, do nguồn lực có hạn trong đầu tư cơ sở vật chất, hộ dân làm du lịch vẫn còn lúng túng, bị động trong thu hút khách về bản”.

Vừa dứt câu chuyện với Phó Chủ tịch UBND xã Lương Văn Chiên, chúng tôi đã đến bản. Bản Ngàm hiện lên trong nắng chiều thật đẹp. Những ngôi nhà sàn được đánh số nhà theo thứ tự nằm san sát ven đường, hầu như nhà nào cũng trồng hoa trước cổng, xung quanh nhà. Con đường đổ bê tông vào bản với hàng hoa hồng, hoa dừa tím... rực rỡ sắc màu. Ngay giữa bản nổi bật là nhà văn hóa được dựng lên từ sự đóng góp của bà con trong bản.

Gặp gỡ Phó trưởng bản Ngàm Lò Văn Tứ, anh dẫn chúng tôi đi thăm một số hộ làm du lịch cộng đồng. Anh Tứ cho biết, bản có 75 hộ, 386 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Thái. Cả bản có 20 hộ làm du lịch. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên từ 2020 đến nay, số lượng khách đến với bản ít. Khách du lịch đến với bản đông nhất vào năm 2019 khi bản Ngàm được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Năm 2019 khi tỉnh và huyện Quan Sơn công bố tour du lịch Quan Sơn - Viêng Xay, bản Ngàm có điều kiện thuận lợi và là điểm kết nối các điểm du lịch trên địa bàn huyện. Sau đó dịch COVID-19 bùng phát, hầu hết các hoạt động đều bị ảnh hưởng.

Để bản Ngàm trở thành điểm dừng chân hấp dẫn du khách

Gia đình bác Lò Văn Khoái sẵn sàng đón khách du lịch.

“Nhiều hộ dân ở bản Ngàm đang tham gia lớp học nghề để làm các sản phẩm mây tre đan xuất khẩu đi các nước Đông Âu. Hoạt động này nằm trong Dự án Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị ngêu và tre ở Việt Nam, được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu, Oxfam và các đối tác. Tương lai dự án sẽ hỗ trợ gian trưng bày sản phẩm tại bản Ngàm, khi khách du lịch đến với bản sẽ được xem bà con làm ra các sản phẩm từ tre luồng và mua các sản phẩm về làm quà", anh Tứ chia sẻ.

Đến thăm gia đình bác Lò Văn Khoái, ở số nhà 27, là một trong những hộ làm du lịch ở bản Ngàm. Gia đình bác Khoái bắt đầu làm du lịch và đón khách từ năm 2019. Sau đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khách đến với gia đình bác cũng ít hơn. Khó khăn hiện nay của bà con làm du lịch là kết nối, quảng bá để du khách đến với bản.

Cũng như gia đình bác Khoái, gia đình bác Lò Văn Tiếu, số nhà 36, cũng đang loay hoay trong việc kết nối, quảng bá thu hút du khách đến với gia đình nói riêng, bản Ngàm nói chung. Để đảm bảo thu nhập cho gia đình, đầu năm 2022, gia đình bác Tiếu kết nối với doanh nghiệp ở Đồng Nai để sản xuất tăm xiên. Bình quân mỗi tháng cơ sở của gia đình bác xuất bán khoảng 20 tấn tăm xiên, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên, thu nhập 180.000 - 200.000 đồng/ngày. Bác Tiếu mong muốn hoạt động du lịch được khôi phục trở lại, gia đình bác và các hộ dân trong bản được đón những đoàn khách du lịch về nghỉ ngơi, khám phá mảnh đất và con người bản Ngàm. Điều tự hào nhất với bà con trong bản chính là được giới thiệu nét văn hóa, ẩm thực, tiềm năng của bản đến với du khách xa gần.

Nằm bên con sông Luồng thơ mộng và hùng vĩ, bản Ngàm có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, xứ sở của những điệu xòe, điệu khặp Thái dặt dìu uyển chuyển. Nơi đây vẫn giữ được những ngôi nhà sàn bề thế, với kiến trúc truyền thống. Đến với bản Ngàm, du khách sẽ được khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, thông qua các món ẩm thực mới lạ và các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ hấp dẫn với cư dân nơi đây. Đặc biệt, du khách sẽ được nghỉ ngơi thư giãn, tắm mó nước dẫn từ đầu nguồn khe suối, hay xuôi bè đánh cá trên sông Luồng, tận hưởng nét độc đáo trong cuộc sống của đồng bào Thái, cùng nghỉ ngơi trong ngôi nhà sàn rộng rãi với chăn, đệm sạch sẽ, thơm tho do chính đồng bào làm ra.

Chúng tôi chia tay bản Ngàm trong ánh nắng chiều dần buông, những thửa ruộng bậc thang vào mùa thu hoạch rực rỡ, bình yên bên sông Luồng. Con đường làm du lịch với bà con bản Ngàm vẫn còn nhiều khó khăn. Để khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng đất này, trở thành một điểm đến hấp dẫn, cần lắm việc xây dựng hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương. Chính quyền địa phương cần khuyến khích, hỗ trợ người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng; tăng cường bảo vệ, chỉnh trang cảnh quan, môi trường sinh thái; xây dựng các chương trình quảng bá du lịch để tiếp cận, mở rộng thị trường và kết nối các tour đưa khách đến với bản Ngàm nói riêng, Quan Sơn nói chung.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn


Bài và ảnh: Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]