(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau khi cơ nghiệp nhà Trịnh được thiết lập, các chúa Trịnh sống và làm việc ở Thăng Long, Biện Thượng trở thành đất “Quý hương” với nhiều bổng lộc và quyền lợi riêng biệt. Cũng trên mảnh đất này các chúa Trịnh nối nhau huy động nhân tài vật lực và kỹ thuật tiên tiến đương thời để xây dựng nên nhiều công trình to lớn, uy nghi, trong đó không thể không nhắc tới Quần thể di tích khu tượng đá Đa Bút ở xã Minh Tân (Vĩnh Lộc).

Đến Minh Tân thăm khu tượng Đa Bút

Sau khi cơ nghiệp nhà Trịnh được thiết lập, các chúa Trịnh sống và làm việc ở Thăng Long, Biện Thượng trở thành đất “Quý hương” với nhiều bổng lộc và quyền lợi riêng biệt. Cũng trên mảnh đất này các chúa Trịnh nối nhau huy động nhân tài vật lực và kỹ thuật tiên tiến đương thời để xây dựng nên nhiều công trình to lớn, uy nghi, trong đó không thể không nhắc tới Quần thể di tích khu tượng đá Đa Bút ở xã Minh Tân (Vĩnh Lộc).

Đến Minh Tân thăm khu tượng Đa BútNgoài hệ thống tượng võ sĩ, tượng phỗng đá chính là nét đặc sắc của khu tượng điêu khắc đá Đa Bút.

Sách “Đại Nam nhất thống chí” có ghi: “Núi Mông Cù... mạch núi từ một dải núi ở huyện Thạch Thành kéo đến, nổi vọt lên ngọn núi cao, phía Đông có thể trông thấy biển cả; phía Tây có thể trông thấy miền thượng lưu của sông Mã; phía Bắc có thể trông thấy hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình; lên đỉnh trông xa thì thấy bốn bề bát ngát”. Với vị trí địa lý ấy, nơi đây được chọn để xây dựng lăng mộ Quốc mẫu Nguyễn Thị Ngọc Diệm (Diễm).

Theo sách sử ghi lại, lúc bấy giờ giữa Biện Thượng và Thăng Long có sự giao lưu thường xuyên. Dân gian có câu “Ngựa xe về Bồng Báo” để nói về sự tấp nập, nhộn nhịp, bởi đời chúa nào cũng phải có một vài lần về quê “bái yết tôn lăng”.

Quốc mẫu Nguyễn Thị Ngọc Diệm (1721 - 1784) là thái phi của Ân vương Trịnh Doanh và là thân mẫu của Thịnh vương Trịnh Sâm. Thái phi là người đức độ, tài năng nên rất được chúa Trịnh sủng ái. Khi Chúa bận việc kinh lý thường giao cho thái phi nhiếp chính. Chúa Trịnh Doanh và Trịnh Sâm cũng thường hỏi Thái phi về việc triều chính. Thái phi được đánh giá là người phụ nữ có tư tưởng canh tân đất nước. Với việc lập ra Ngũ quy (5 quy định chấn hưng đất nước), bà đã được người dân tôn xưng là bậc thánh mẫu. Bởi vậy, khu lăng mộ còn được biết đến với tên gọi lăng bà Thánh Mẫu; miếu Bà. Sau khi qua đời ở Thăng Long bà được đưa về an táng ở vùng đất “Quý hương”, nơi khởi phát của nhà chúa.

Cách lăng mộ thái phi không xa là ngôi miếu nhỏ thờ tự bà. Tường phía trước của miếu có phiến đá đề: “Thiên tiên quốc thánh mẫu”. Miếu được xây dựng bằng loại gạch lá diêm nhỏ, mỏng, mái lợp ngói liệt. Trong miếu có tượng bà và một số đồ thờ tự đã phai màu theo thời gian.

Nhưng có lẽ ấn tượng nhất khi đến với quần thể di tích này chính là khu tượng đá Đa Bút với 12 pho tượng xếp thành hai hàng, mỗi bên 6 tượng đối diện nhau trong tư thế đứng canh gác. Theo tín ngưỡng dân gian, các tượng đá này mang ý nghĩa bảo vệ lăng mộ. Mỗi pho cao 1,80m (không kể đế vuông), đều mặc võ phục, đầu đội mũ tròn có chóp, phần trước mũ và hai bên mang tai chạm vân mây nổi nhẹ, gần đỉnh mũ gồ lên; nét chạm khắc khỏe khoắn làm nổi rõ hình khối khuôn mặt võ sĩ. Gương mặt trang nghiêm, trầm tư của võ quan đứng tuổi; thân tượng đứng thẳng, tay bồng gươm. Áo giáp tượng được điêu khắc hai lớp, có mép viền lớn, vảy lục lăng. Quần giáp là những mảng rộng khỏe, có lá che phía trước, bên trong là triều phục thu gọn, bên dưới là giầy chiến kiểu hia đường bệ. Chỉ cần nhìn vào sự khác nhau các họa tiết trang trí trên trang phục của võ sĩ là cũng đủ hiểu có sự phân biệt về thứ bậc, phẩm hàm. Theo lời tả của giáo sĩ Alexandre de Rhodes trong cuốn “Lịch sử vương quốc đàng ngoài” thì nhóm tượng đá này được tạo tác trang phục võ quan giáp trụ, đúng thời chúa Trịnh Tráng.

Ngoài hệ thống tượng võ sĩ, là tượng phỗng đá. Được tạo tác trong tư thế chầu đợi lệnh, 2 tượng phỗng đá có hình dáng chân quặp ra phía sau, hai tay khoanh trước ngực. Tượng cao 1,20m, đầu to có ngấn, tóc búi quả đào, mắt lồi, miệng rộng... tất cả đều được trau chuốt từng chi tiết ở tư thế trang nghiêm.

Mỗi pho tượng đá là một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh, tạo tác công phu từ đá nguyên khối, xanh sẫm; trông từ bốn phía đều có vẻ đẹp khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, nhóm tượng điêu khắc đá Đa Bút không chỉ đẹp ở giá trị nghệ thuật mà còn chứa đựng thông tin về đặc điểm của nghệ thuật tạo hình thời Lê - Trịnh, đồng thời là nguồn tư liệu quý trong nghiên cứu trang phục của Quân đội Việt Nam thế kỷ XVII - XVIII.

Bên cạnh các hiện vật điêu khắc đá, tại di tích còn có cây đại cổ thụ mà người dân địa phương tin rằng cây có tuổi đời hàng trăm năm. Cùng với đó là cây si trắng mọc trong tư thế đặc biệt “ăn sâu vào miếu”, từng rễ to trồi lên mặt tường. Ông Tống Văn Trường, Công chức văn hóa xã Minh Tân, cho biết: “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng này, được nghe các cụ cao niên truyền nhau những câu chuyện hư hư thực thực của những pho tượng đá. Khoảng năm 1986, một nhóm người từ nơi khác đến đã xác định được Khu mộ bà Thánh Mẫu nằm lưng chừng núi Mông Cù, chúng đã đào trộm mộ vào ban đêm, lấy đi nhiều vàng bạc, châu báu”. Ông Trường cũng cho biết thêm: Cùng với nguồn đóng góp từ người dân trong xã, những năm qua, Nhà nước đã phân bổ hàng trăm triệu đồng để nâng cấp, tu sửa lại khu di tích. Tuy nhiên, mưa nắng đã khiến tượng đá mỗi ngày bị bào mòn nhiều hơn, những vết ghép thân tượng bị nứt to hơn.

Trở về xã Minh Tân, một phần của vùng đất Biện Thượng xưa, lắng nghe tiếng vọng hàng trăm năm và lời của đá, chúng ta có thể hình dung phần nào câu chuyện về lịch sử và tài nghệ của người xưa qua những nét hoa văn.

Bài và ảnh: CHI ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]