(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm bên bờ sông Mã, làng Từ Quang xưa (trước đây thuộc xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa nay thuộc phường Long Anh, TP Thanh Hóa) có lịch sử hình thành từ khá sớm. Nơi đây, có di tích lịch sử văn hóa Đền thờ, bia ký Từ Minh là không gian văn hóa - “điểm tựa” tâm linh của người dân địa phương.

Đền Từ Minh bên bờ sông Mã

Nằm bên bờ sông Mã, làng Từ Quang xưa (trước đây thuộc xã Hoằng Long, huyện Hoằng Hóa nay thuộc phường Long Anh, TP Thanh Hóa) có lịch sử hình thành từ khá sớm. Nơi đây, có di tích lịch sử văn hóa Đền thờ, bia ký Từ Minh là không gian văn hóa - “điểm tựa” tâm linh của người dân địa phương.

Đền Từ Minh bên bờ sông MãDi tích lịch sử văn hóa Đền thờ, bia ký Từ Minh nằm bên bờ sông Mã.

Làng Từ Quang (còn có tên làng Từ Minh) nằm ở tả ngạn - soi mình xuống dòng sông Mã. Vùng đất được hình thành bởi quá trình bồi đắp của phù sa dòng sông gắn liền với đất và người xứ Thanh, khiến cho đất đai nơi đây tốt tươi. Có lẽ bởi vậy mà vùng đất này từ khá sớm đã có con người đến khai phá, sinh cơ lập nghiệp. Căn cứ theo những dấu tích, tài liệu lưu giữ cũng như lưu truyền dân gian, người dân Từ Quang tin rằng, làng có lịch sử lập dựng vào thời nhà Lý. Họ Nguyễn, Võ, Lê được xem là những dòng họ đầu tiên có công lập làng.

Từ Quang trước đây vốn là một làng lớn bao gồm nhiều thôn nhỏ với các ngõ được người dân đặt tên, như: Ngõ Phủ, ngõ Đồng, ngõ Chương, ngõ Đò, ngõ Nông; ngõ Ngùi... Cũng bởi nằm dọc ven đê sông Mã nên làng khi xưa có nhiều bến nước. Các bến nước không chỉ phục vụ cho đời sống sinh hoạt mà còn góp phần tạo nên “bức tranh” văn hóa thôn quê của làng Từ Quang.

Người Từ Quang xưa nay vẫn tự hào, làng quê mình nằm trên thế đất phong thủy tốt tươi, “có hình tứ linh vì đầu làng có cồn Cổ Ngựa, cuối làng giống như hình con voi, phía Bắc làng có cồn Con Phượng, phía Nam có dòng sông Mã, giữa sông có bãi nổi hình thù giống lưng con cá chép” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Hoằng Long). Trên hành trình mưu sinh, người Từ Quang cũng không ngừng nỗ lực học tập, vươn lên để ghi tên bảng vàng, lưu danh sử sách, rạng rỡ quê hương.

Về Từ Quang vào một ngày đông, theo chỉ dẫn của người dân địa phương, tôi ghé thăm di tích lịch sử văn hóa Đền thờ, bia ký Từ Minh. Gió lạnh thổi vào từ sông Mã khiến lòng người thêm xúc cảm bâng khuâng khi lắng nghe những câu chuyện kể. Bác Lê Đình Thuật - người dân làng Từ Quang giữ việc trông coi di tích dẫn chúng tôi thăm và giới thiệu về đền thờ.

Đền thờ, bia ký Từ Minh khi xưa vốn thờ Lê Triều Thiếu úy Thủy Quận công Nguyễn Gia Hòa. Ông là người làng Từ Quang, sống và làm quan vào thời Lê Trung hưng. Dù gia cảnh khó khăn nhưng từ nhỏ cậu bé Nguyễn Gia Hòa đã thể hiện trí tuệ, khí chất hơn người, thường đứng đầu đám trẻ chăn trâu trong làng. Lớn lên, Nguyễn Gia Hòa gia nhập quân đội nhà Lê, được bổ vào quân Túc vệ. Với tài năng võ nghệ và sự mưu trí, khi xung trận ông nhanh chóng khẳng định mình nơi chiến trường khói lửa, trở thành vị tướng tài lập nhiều công trạng, được vua Lê, chúa Trịnh quý mến. Theo sử liệu và lưu truyền tại địa phương, tướng quân Nguyễn Gia Hòa được thăng chức Thiếu úy, tước Thủy Quận công.

Là người con của làng Từ Quang, tướng quân Nguyễn Gia Hòa thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của dân làng mỗi năm đến mùa mưa phải chịu cảnh ngập lụt. Vì thế, khi làm quan, ông đã tâu lên triều đình để đào đắp hệ thống thủy lợi cho cả vùng. Bản thân ông tự nguyện đóng góp tài sản, vận động người dân cùng nhau hợp sức khơi thông dòng chảy, từ đó cả một vùng rộng lớn tránh được cảnh lụt úng, mất mùa, để cuộc sống từng bước no đủ. Công lao của ông được người đương thời và hậu thế khắp vùng biết ơn, nhắc nhớ (theo sách Danh nhân Văn hóa Hoằng Hóa).

Nhớ ơn tướng quân Nguyễn Gia Hòa, sau khi ông mất, người dân Từ Quang đã lập đền thờ phụng ông ngay bên bờ sông Mã. Ông được triều đình phong kiến sắc phong Thượng đẳng tôn thần, để người dân muôn đời thờ phụng. Không chỉ có công lớn khi còn sống, sau khi mất, vị tướng họ Nguyễn đã trở thành phúc thần của người dân Từ Quang.

Đền thờ tướng quân Nguyễn Gia Hòa thường được gọi là đền Từ Minh. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng Từ Quang, đền thờ khi xưa có quy mô bề thế, uy nghiêm. Tuy nhiên, trải qua thời gian, chiến tranh, bom đạn ác liệt khiến ngôi đền thiêng của làng Từ Quang bị phá hủy, chỉ còn văn bia cuối thời Nguyễn khắc ghi công lao, sự nghiệp của Thủy Quận công Nguyễn Gia Hòa. Trên nền móng cũ, năm 2007 đền Từ Minh đã được các cấp chính quyền, người dân địa phương đóng góp kinh phí tôn tạo khang trang. Đền thờ, bia ký Từ Minh đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Trông coi di tích Đền thờ, bia ký Từ Minh suốt nhiều năm, bác Lê Đình Thuật cho biết thêm: “Trong lịch sử, trên đất làng Từ Quang khi xưa ngoài đền thờ Lê triều Thiếu úy Thủy Quận công Nguyễn Gia Hòa còn có sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc tâm linh. Đáng tiếc, đến nay các đền, chùa chỉ còn được nhắc đến trong những câu chuyện kể của người có tuổi. May mắn có Đền thờ, bia ký Từ Minh đã được tôn tạo, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân địa phương. Vì thế, tại di tích ngoài thờ tướng quân Nguyễn Gia Hòa, người dân làng Từ Quang còn phối thờ một số thiên thần, nhân thần như Thành hoàng Bản thổ; Thái úy Tô Hiến Thành; Đế Thích tôn (tiên) thần...”.

Là không gian thiêng, di tích Đền thờ, bia ký Từ Minh còn là nơi diễn ra lễ hội truyền thống lâu đời của người dân làng Từ Quang. Hằng năm, vào tháng 2 âm lịch, người dân trong làng lại cùng nhau về đền tổ chức lễ hội. Lễ hội kỳ phúc làng Từ Quang diễn ra từ ngày 10 - 12/2 với nhiều nghi thức truyền thống như tế lễ (nam quan, nữ quan); tế thuyền Bát nhã; rước kiệu... chứa đựng ý nghĩa tâm linh, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Bà Nguyễn Thị Dịu, công chức văn hóa xã hội phường Long Anh, cho biết: “Lễ hội kỳ phúc Đền thờ, bia ký Từ Minh là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của người dân địa phương. Đó không chỉ là dịp tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có công với đất nước, Nhân dân, mà còn cầu cho mưa thuận gió hòa, đất nước an bình, nhân khang vật thịnh. Lễ hội là hình thức sinh hoạt văn hóa - tâm linh, tín ngưỡng đặc sắc, thông qua đó gắn kết các thế hệ và cộng đồng dân cư... Với ý nghĩa đó, mỗi độ xuân sang, người làng Từ Quang từ khắp muôn phương lại theo chân nhau về đền vui lễ hội”.

Đi qua thời gian, với sự vận động, phát triển không ngừng của đời sống, Từ Quang hôm nay đã “từ làng lên phố”. Những cây đa, bến nước phần nhiều chỉ còn “đọng” lại và được nhắc nhớ trong câu chuyện kể của các bậc cao niên đến cháu con. Dẫu vậy, cũng thật may mắn, bên cạnh nhịp sống hối hả, người dân Từ Quang vẫn “kịp giữ lại" cho mình những giá trị văn hóa gắn liền với đất và người nơi đây. Ở đó, di tích Đền thờ, bia ký Từ Minh còn là “điểm nhấn” văn hóa để du khách tham quan, chiêm bái khi có dịp về với vùng đất Từ Quang bên bờ sông Mã.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]