(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau những ngày đầu năm mới - Tết cổ truyền của dân tộc cũng là thời điểm người dân theo chân nhau trẩy hội tại các điểm di tích danh thắng thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, trong đó có hoạt động lễ hội. Xứ Thanh là tỉnh có số lượng di tích - điểm đến tâm linh - hoạt động lễ hội sôi động bậc nhất dịp đầu năm. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đã chủ động ứng phó tích cực, hiệu quả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Di tích xứ Thanh ứng phó với dịch Covid-19

Sau những ngày đầu năm mới - Tết cổ truyền của dân tộc cũng là thời điểm người dân theo chân nhau trẩy hội tại các điểm di tích danh thắng thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng tâm linh. Tuy nhiên, dịch viêm phổi cấp do virus Corona (Covid-19) gây ra đã ảnh hưởng đến hầu hết các lĩnh vực của đời sống, trong đó có hoạt động lễ hội. Xứ Thanh là tỉnh có số lượng di tích - điểm đến tâm linh - hoạt động lễ hội sôi động bậc nhất dịp đầu năm. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, hầu hết các di tích trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đã chủ động ứng phó tích cực, hiệu quả.

Lễ hội Bà Triệu năm 2020 sẽ dừng tổ chức

Dịch viêm phổi cấp do virus Covid-19 gây ra được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Sau khi bùng phát đã nhanh chóng lây lan sang nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để kiểm soát và phòng tránh dịch bệnh lây lan, một trong những biện pháp hữu hiệu được các nhà khoa học, giới chuyên môn và ngành y tế đưa ra chính là tránh tụ tập đông người, đặc biệt các hoạt động lễ hội tại điểm di tích.

Khu di tích đền Nưa - Am Tiên, xã Tân Ninh (Triệu Sơn) án ngự trên dãy núi Ngàn Nưa được dân gian tin rằng là nơi có huyệt đạo thiêng của đất nước. Cùng với đó, nơi đây còn gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống giặc xâm lược nhà Ngô phương Bắc hơn 1.700 năm về trước, cộng với sự ưu ái của bàn tay tạo hóa ban tặng cảnh đẹp hữu tình... tất cả tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của khu di tích suốt hàng trăm năm qua. Thường lệ, những ngày đầu xuân, lượng du khách trong và ngoài tỉnh trở về đền Nưa - Am Tiên dâng hương hành lễ vô cùng sôi động. Đặc biệt, lễ hội “Mở cổng trời” diễn ra tại di tích vào ngày mùng 9 tháng Giêng hàng năm ước đón hàng vạn lượt. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lễ hội ngay sát ngày diễn ra đã được UBND huyện Triệu Sơn thông báo dừng tổ chức. Đây được xem là hành động cần thiết để phòng và ứng phó với dịch bệnh.

Hơn 1.700 năm về trước, từ căn cứ núi Nưa, Bà Triệu đã lãnh đạo nghĩa quân khởi nghĩa, tiến xuống đồng bằng, giải phóng một vùng đất đai rộng lớn khỏi sự cai trị của giặc xâm lược. Theo đó, nghĩa quân tiến ra phía Bắc, lấy núi Gai (xã Triệu Lộc ngày nay) làm căn cứ để đánh đuổi kẻ thù. Tuy nhiên, vì tương quan lực lượng chênh lệch và kẻ thù sử dụng âm mưu hèn hạ, vị vua Bà đã lên đỉnh núi Tùng tuẫn tiết. Cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đi vào sử sách như một dấu son đáng nhớ cho tinh thần chống giặc ngoại xâm bất khuất của dân tộc Việt Nam. Trải qua cả ngàn năm, nhân dân vẫn tưởng nhớ công lao của vị vua Bà. Vì vậy, khu di tích đền thờ, lăng mộ Bà Triệu dưới chân núi Gai và trên đỉnh núi Tùng qua thời gian biến thiên vẫn được giữ gìn, từng bước trùng tu tôn tạo xứng tầm. Năm 2015, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón bằng công nhận Khu di tích Bà Triệu là di tích quốc gia đặc biệt. Với người dân và du khách trong cả nước, nơi đây cũng là điểm dừng chân hấp dẫn trong hành trình du xuân dịp đầu năm.

Tuy nhiên, trao đổi với ông Nguyễn Văn Tĩnh - Tổ trưởng quản lý khu di tích Bà Triệu được biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VH,TT&DL, UBND tỉnh và công văn hướng dẫn của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa về việc phòng chống dịch bệnh do virus Corona gây ra, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thanh Hóa - đơn vị phụ trách khu di tích đã chủ động ứng phó nhằm phòng chống dịch bệnh. Theo đó, từ ngày 3/2 (mùng 10 Tết) ban quản lý di tích đã có thông báo về việc dừng đón các đoàn khách đến tham quan di tích (đăng kí làm lễ, thuyết minh hướng dẫn...). Cùng với đó, di tích cũng chủ động tổ chức phun tiêu độc khử trùng, tăng cường vệ sinh môi trường nhằm hạn chế tối đa điều kiện dịch bệnh có thể lây lan. Trung tâm Bảo tồn Di sản cũng đã có văn bản báo cáo Sở VH,TT&DL về việc dừng tổ chức lễ hội Bà Triệu năm 2020 diễn ra vào tháng 2 âm lịch, chỉ tổ chức dâng hương trong quy mô hạn chế, còn các hoạt động vui chơi giải trí, trò chơi trò diễn như thường lệ sẽ không diễn ra.

Từ ngày 3/2, Khu di tích Bà Triệu đã có thông báo về việc dừng đón các đoàn khách số lượng lớn.

Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh cũng được xem là điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình trẩy hội đầu năm. Nơi đây không chỉ ghi dấu cuộc khởi nghĩa Lam Sơn với sự khởi phát vương triều Hậu Lê mà ở đó còn có dấu ấn của một kinh đô tâm linh Lam Kinh nguy nga bề thế tồn tại trong thời gian dài. Được sự quan tâm đầu tư xứng tầm, Lam Kinh với những giá trị độc đáo ngày càng hấp dẫn du khách tham quan trong nước và quốc tế. Nhằm ứng phó với dịch bệnh, ông Vũ Đình Sỹ - Phó Trưởng ban phụ trách khu di tích Lam Kinh chia sẻ: Nghiêm túc thực hiện hướng dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các cấp, bộ, ngành, lễ dâng hương ở đền Trung Túc Vương Lê Lai (lễ Khai hạ) diễn ra vào ngày mùng 7, 8 tháng Giêng hàng năm do huyện Thọ Xuân và BQL khu di tích Lam Kinh phối hợp tổ chức thường niên đã được dừng tổ chức khai hội. Đối với du khách khi về với Lam Kinh trong dịp này cũng chỉ hạn chế ở việc dâng hương, còn các hoạt động khác gần như không tổ chức. Du khách khi về với Lam Kinh ngoài việc được BQL di tích tuyên truyền phòng tránh dịch bệnh thì khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn cũng là điều bắt buộc phải sử dụng để đảm bảo vệ sinh.

Chủ động phòng dịch, chấp nhận việc sụt giảm lượng du khách

Việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra tại các di tích trọng điểm trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Dù biết rằng, đã và sẽ có những hệ quả không mong muốn song để phòng dịch thì chúng ta buộc phải chấp nhận.

Tại khu di tích Lam Kinh từ ngày mùng 1 đến mùng 6 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 ghi nhận đón khoảng 38 nghìn lượt khách ghé thăm. Tuy nhiên, từ sáng mùng 8 tháng Giêng đến nay, cùng với việc tích cực tuyên truyền đến người dân về nguy cơ dịch bệnh của BQL di tích cũng như các cơ quan thông tin đại chúng, lượng khách ước đón chỉ khoảng trên 5.000 lượt.

Với khu di tích Bà Triệu, lượng khách đến di tích kể từ khi dịch bệnh có những diễn biến phức tạp cũng giảm rất nhiều. Cụ thể, từ ngày mùng 8 tháng Giêng đến nay, về cơ bản không có khách đoàn, còn khách dâng hương lẻ cũng hạn chế. Vào thời điểm này mọi năm, mỗi ngày di tích đón khoảng 25 đến 30 đoàn khách đến đăng kí dâng hương làm lễ. Có thể khẳng định, lượng khách do ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã sụt giảm khoảng 80% so với cùng kì.

Tại Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, dù chưa có những thống kê cụ thể song theo đánh giá của lãnh đạo trung tâm, về cơ bản lượng khách đến với di sản tham quan, tìm hiểu giảm rất nhiều.

Đoàn viên thanh niên Sở VH,TT&DL Thanh Hóa phát khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh phòng chống dịch Ảnh Ngọc Hiếu.jpg

Đoàn viên thanh niên Sở VH,TT&DL Thanh Hóa phát khẩu trang y tế, nước sát khuẩn tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh phòng chống dịch virus Covid-19. (Ảnh: Ngọc Hiếu)

Trong quan niệm đầu năm “lên rừng xuống biển” của nhiều người dân đi lễ thì đền Cửa Đạt (Thường Xuân) là điểm đến khó có thể bỏ qua. Mang vẻ đẹp thiên tạo, đền gắn với tên tuổi danh tướng Cầm Bá Thước trong thế kỷ XIX, nơi đây còn có đền thờ Bà chúa Thượng Ngàn - một trong ba vị Tam tòa thánh Mẫu... Với những giá trị văn hóa, lịch sử, di tích đền Cửa Đạt đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kí quyết định công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh. Dễ hiểu vì sao đền Cửa Đạt lại hấp dẫn người đi lễ dịp đầu xuân đến vậy. Tuy nhiên, theo chia sẻ của BQL di tích, so với nhiều điểm di tích trong tỉnh, đền Cửa Đạt trong dịp này vẫn thu hút đông du khách về dâng hương. Tuy nhiên, đánh giá khách quan thì lượng du khách so với cùng kì đã giảm khoảng 50%.

Việc sụt giảm lượng khách về các di tích dịp đầu Xuân Canh Tý trong điều kiện dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona gây ra là điều hoàn toàn có thể dự đoán trước. Và đây cũng là thực tế ở không chỉ các địa điểm di tích của xứ Thanh. Tuy nhiên, để phòng chống dịch bệnh lây lan, chúng ta buộc phải lựa chọn bằng việc chấp nhận những thiệt hại. Trong điều kiện hiện nay, đó được xem là giải pháp an toàn. Không ai muốn dịch bệnh xảy đến, nhưng trong mọi điều kiện thì tính mệnh và sự an toàn của con người chính là điều quan trọng và quý giá nhất. Chỉ khi con người bảo toàn được sức khỏe bản thân cùng cộng đồng thì những nhu cầu về tín ngưỡng, tâm linh, nhu cầu hưởng thụ văn hóa... mới được thực sự là chuyện tiếp theo.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]