(vhds.baothanhhoa.vn) - Đại dịch Covid-19 vừa qua chưa bao lâu đã quay trở lại với diễn biến vô cùng phức tạp. Tại Thanh Hoá, đến thời điểm hiện nay đã có hàng trăm tour du lịch bị hủy, kéo theo đó là các dịch vụ khác như ăn uống, lưu trú, vận tải... ngừng trệ. Tuy nhiên, với lần tập dượt trước, du lịch Thanh Hoá đã chủ động ứng phó, các doanh nghiệp sớm đưa ra kế hoạch, cùng bắt tay nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Doanh nghiệp du lịch cùng nhau vượt “bão Covid-19”

Đại dịch Covid-19 vừa qua chưa bao lâu đã quay trở lại với diễn biến vô cùng phức tạp. Tại Thanh Hoá, đến thời điểm hiện nay đã có hàng trăm tour du lịch bị hủy, kéo theo đó là các dịch vụ khác như ăn uống, lưu trú, vận tải... ngừng trệ. Tuy nhiên, với lần tập dượt trước, du lịch Thanh Hoá đã chủ động ứng phó, các doanh nghiệp sớm đưa ra kế hoạch, cùng bắt tay nhau vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bắt tay vượt bão

Theo đại diện Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa (HHDL), dịch Covid-19 tái phát đã gây ra những tổn thất nặng nề, buộc các doanh nghiệp du lịch phải gồng mình ứng phó. Ngay sau khi Đà Nẵng bị khoanh vùng dịch, hàng trăm tour du lịch bị hủy, hoãn, thậm chí cả những tour đến các địa phương chưa công bố dịch. Một số cơ sở lưu trú, nhà hàng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã buộc phải đóng cửa sớm.

Khi hủy tour, đa số khách hàng yêu cầu công ty lữ hành hoàn tiền 100%, chỉ có một bộ phận nhỏ khách đồng ý hoãn, bảo lưu chuyến đi vào thời gian thích hợp. Điều này đã ảnh hưởng và gây áp lực không hề nhỏ cho các doanh nghiệp lữ hành. Bởi thực tế doanh nghiệp không thể hoàn tiền 100% ngay cho khách hàng, khi trước đó họ đã phải thanh toán tiền cọc cho các đối tác cung cấp dịch vụ và tiền vé máy bay. Trong khi đó, tại một số địa phương trong cả nước đến thời điểm hiện tại chưa bị khoanh vùng dịch, rất khó để tiến hành các thủ tục hoàn, hủy. Tuy nhiên, nhằm giữ chân khách hàng cũng như hướng tới sự hợp tác, gắn bó lâu dài, nhiều doanh nghiệp lữ hành nói chung, dịch vụ du lịch nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn cố gắng chấp nhận hoàn 100% cho du khách, xem như đó là giải pháp “dĩ hòa vi quý”, gìn giữ thương hiệu doanh nghiệp.

Trước tình trạng hủy tour, dịch vụ, HHDL tỉnh cũng đã sớm ban hành văn bản gửi Sở VH,TT&DL, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch về việc đề nghị phối hợp hỗ trợ lẫn nhau trong tình hình khó khăn hiện nay. Trong đó, HHDL đề nghị Sở VH,TT&DL vận động các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chia sẻ những thiệt hại trước mắt vì mục đích tồn tại và hợp tác phát triển lâu dài thông qua các hình thức như: hoàn lại chi phí đặt cọc, bảo lưu dịch vụ đến thời điểm thích hợp. Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm rất cần sự liên kết, chung tay chia sẻ giữa các doanh nghiệp du lịch để cùng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trên tinh thần đó, HHDL cũng kêu gọi các doanh nghiệp hội viên, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, đồng thời đưa ra các giải pháp linh hoạt để hỗ trợ đối tác, khách hàng, không phạt hủy hoặc xem xét hoàn tiền cọc cho các doanh nghiệp, hoàn trả cho khách hàng...

Nếu tất cả các đơn vị có thể tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhau trong việc giải quyết những khó khăn chung, chắc chắn rằng du lịch Thanh Hoá cũng như các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp lữ hành cũng sẽ giảm bớt được phần nào gánh nặng trong giai đoạn khó khăn hiện tại, cùng nhau xây dựng môi trường kinh doanh dịch vụ văn minh, du lịch Thanh Hoá an toàn, hấp dẫn.

Hàng loạt tour bị hủy, nhiều cơ sở chuyên phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trở nên vắng khách.

Tránh đổ vỡ hàng loạt

Thực tế trước những diễn biến khó lường trong lần dịch bệnh tái phát này, nhiều địa phương trên cả nước đã yêu cầu đóng cửa nhiều điểm tham quan, khu du lịch, tạm dừng các dịch vụ vui chơi giải trí... nhằm đảm bảo an toàn cho du khách, người dân. Tất cả các địa phương trong cả nước đều yêu cầu các đơn vị lữ hành không tổ chức tour, không đón người đến, đi từ vùng dịch. Đồng thời yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không đi đến vùng dịch, không đi du lịch ngoại tỉnh... Bởi vậy mà doanh nghiệp du lịch đã điêu đứng, nay càng điêu đứng hơn.

Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sau khi Tổng cục Du lịch ban hành Văn bản 982/TCDL-LH ngày 29/7/2020 đề nghị triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch và chia sẻ, tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp, các địa phương tiếp tục bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cùng chung tay chia sẻ khó khăn, xây dựng hình ảnh đẹp trong lòng du khách và đối tác.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình. Muốn đi xa hãy đi cùng nhau”, trên tinh thần đó, đến nay cùng với sự bắt tay giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá, nhiều địa phương trong cả nước như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Lâm Đồng... cũng đã nhanh chóng có những động thái ủng hộ, hưởng ứng liên kết hỗ trợ doanh nghiệp du lịch vượt qua thời điểm khó khăn này.

Được biết, Sở Du lịch Hải Phòng đã chính thức có văn bản đề nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, vận chuyển, nhà hàng... trên địa bàn nâng cao tinh thần trách nhiệm, cùng chung tay chia sẻ khó khăn, thiệt hại, tích cực phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành bàn biện pháp hoàn lại khách kinh phí đã đặt dịch vụ hoặc bảo lưu dịch vụ đến thời điểm thích hợp. Sở Du lịch Quảng Ninh cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp triển khai thực hiện việc liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương; các doanh nghiệp du lịch, dịch vụ trên địa bàn tích cực phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến Quảng Ninh bàn thảo việc hoàn lại kinh phí đã đặt dịch vụ do khách hoãn, hủy tour.

Đây là một trong những tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp du lịch trong cả nước nói chung, trong đó có Thanh Hóa. Khi trước đó, một trong những vướng mắc lớn nhất là giải quyết tour, dịch vụ hoãn, hủy tại các địa phương chưa công bố là vùng dịch. Cùng với sự bắt tay giữa các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, cộng thêm sự ủng hộ, liên minh giữa các địa phương trong cả nước là tiền đề để doanh nghiệp vượt khó, tránh nguy cơ đổ vỡ hàng loạt bởi lợi ích trước mắt của các bên.

Dịch Covid-19 tái phát được ví như một “cú đánh bồi” đối với ngành du lịch sau thời gian nhen nhóm hồi phục. Thậm chí thiệt hại lần này sẽ còn lớn hơn, khi “nội lực” của nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt. Sự suy yếu và đứt gãy của chuỗi giá trị du lịch sẽ mang đến tác động tiêu cực, làm giảm sức chiến đấu, phục hồi của ngành trong giai đoạn hậu Covid-19. Hơn lúc nào hết, vào lúc này, du lịch Thanh Hoá cùng với du lịch cả nước cần đồng lòng với tinh thần trách nhiệm, chung tay chia sẻ, bảo đảm lợi ích của cả khách du lịch và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Từ thành công bước đầu trong “giai đoạn 1”, cần tiếp tục được phát huy để duy trì sự an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện của các điểm đến.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]