(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch cả nước, những nỗ lực quyết tâm vượt khó cùng những sự thay đổi linh hoạt, thiết thực đã góp phần không nhỏ giúp du lịch TP Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du lịch TP Thanh Hóa: Một năm nhiều khởi sắc

(VH&ĐS) Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành du lịch cả nước, những nỗ lực quyết tâm vượt khó cùng những sự thay đổi linh hoạt, thiết thực đã góp phần không nhỏ giúp du lịch TP Thanh Hóa đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Năm 2016, du lịch TP Thanh Hóa ước đón 2,4 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, chiếm 41% so với toàn tỉnh, trong đó, khách nội địa ước đạt 1,6 triệu lượt, khách quốc tế đạt trên 800.000 lượt. Để đạt được những kết quả nêu trên, TP Thanh Hóa đã chỉ đạo quyết liệt nhằm tăng cường công tác quản lý du lịch như tổ chức tập huấn về “Xây dựng chính sách và Quy hoạch Du lịch có trách nhiệm” cho 50 cán bộ văn hóa các phường, xã và trưởng các phố, thôn trên địa bàn. TP Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo các phường, xã tăng cường công tác quản lý, tổ chức tốt hoạt động lễ hội gắn với thu hút du khách du lịch. Các lễ hội được tổ chức phù hợp với thuần phong mỹ tục, điều kiện kinh tế của mỗi địa phương, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân.

Các phường, xã đã có phương án đảm bảo an ninh trật tự, sắp xếp nơi gửi xe đạp, xe máy, ô tô và thu phí theo quy định; không để xảy ra tình trạng chèn ép khách, kiểm soát dịch vụ đổi tiền lẻ, bán sách có nội dung mê tín dị đoan; ngăn chặn và xử lý nghiêm nạn cờ bạc trá hình, rút quẻ, lôi kéo khách đến hành lễ tại khu vực di tích, danh thắng; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong tổ chức lễ hội, sắp xếp các khu vực bán hàng, khu vệ sinh, đảm bảo khoa học, tiện lợi, tạo mỹ quan khu di tích...

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về phát triển du lịch thành phố, phấn đấu phát triển du lịch thành phố theo hướng bền vững gắn với giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống; kết nối du lịch trong tỉnh, các vùng du lịch trọng điểm quốc gia và quốc tế, TP Thanh Hóa đã bắt đầu chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, từ đó đưa du lịch thành phố trở thành thương hiệu du lịch văn hóa, lịch sử - tâm linh; du lịch sinh thái, cộng đồng, làng nghề; nghiên cứu tìm hiểu về nền văn hóa bản địa... đặc biệt là nền văn hóa Đông Sơn; nguồn gốc tổ tiên của người Việt cổ gắn với di chỉ khảo cổ núi Đọ; nghiên cứu về làng quê Việt Nam gắn với làng cổ Đông Sơn; nghiên cứu về truyền thống cách mạng anh hùng của dân xứ Thanh gắn với Hàm Rồng chiến thắng; Nâng cao chất lượng các điểm tham quan như: Thái miếu nhà Hậu Lê, khu núi Đọ, Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, làng cổ Đông Sơn, khu di chỉ khảo cổ Đông Sơn, khu di tích gốm Tam Thọ, khu văn hóa tưởng niệm Bác Hồ...; tổ chức các lễ hội thường niên như: Lễ hội Thái miếu nhà Hậu Lê, lễ hội đền Tống Duy Tân, lễ hội đền Trần Hưng Đạo, lễ hội đền thờ Dương Đình Nghệ, lễ hội chùa Vồm... triển khai dự án khôi phục loại hình văn hóa phi vật thể “Hò sông Mã” phục vụ tuyến du lịch trên sông; khôi phục các trò chơi, trò diễn dân gian...

Chương trình "Những ngày văn hóa Thanh Hóa - Hội An” được tổ chức thành công là điểm nhấn quan trọng của du lịch TP Thanh Hóa năm 2016.

Ngoài ra, TP Thanh Hóa cũng tập trung xây dựng tour tham quan du lịch đường sông (River tour), mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê (Một ngày làm nông dân); Phát triển các mặt hàng lưu niệm tại các làng nghề truyền thống, các cơ sở sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ như nghề làm nem chua, bánh đa nem, rượu làng Quảng, nghề đúc đồng Đông Vệ, nghề làm hoa giấy, nghề gốm Tam Thọ, nghề chạm khắc đá núi Nhồi... Thu hút doanh nghiệp đầu tư và hình thành tuyến phố kiểu mẫu: phố đi bộ, phố ẩm thực và phố mua sắm về đêm, khuyến khích đầu tư các loại hình giải trí, nghệ thuật, trò chơi mới, hiện đại trong Công viên Hội An, Công viên Hàm Rồng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch phục vụ người dân và kéo dài ngày lưu trú của du khách đến tham quan thành phố.

Cùng với đó, TP Thanh Hóa cũng đặc biệt chú trọng tới công tác quảng bá, tuyên truyền về tiềm năng du lịch của địa phương, trong đó đáng chú ý là việc biên soạn và xuất bản cuốn du lịch TP Thanh Hóa và tờ rơi nhằm quảng bá tài nguyên du lịch bằng hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh đến tay du khách trong và ngoài tỉnh. Tại phiên họp đầu tiên của Dự án “Thành lập mạng lưới các thành phố văn hóa của Diễn đàn hợp tác Đông Á - Mỹ Latinh” (FEALAC) diễn ra tại thành phố Huế, TP Thanh Hóa cũng đã tham gia vàtrưng bày 2 ảnh đặc trưng của thành phố, phát hành hơn 400 cuốn sách “Du lịch thành phố Thanh Hóa” nhằm quảng bá và tôn vinh các giá trị di sản, các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tới các chuyên gia, các nhà quản lý, phát triển du lịch trong và ngoài nước; tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế VITM - Hà Nội 2016 nhằm thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Để công tác quảng bá thực sự đem lại hiệu quả, đem lại sự “tươi mới” cho hoạt động du lịch, một trong những điểm nhấn trong năm qua đó chính là việc tổ chức thành công lễ kỷ niệm 55 năm kết nghĩa TP Thanh Hóa - TP Hội An (12/2/1961 - 12/2/2016) với “đậm đặc” các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, du lịch, ẩm thực rất đặc sắc được tổ chức tại Công viên Hội An...

Những kết quả, nỗ lực đạt được trong năm qua của du lịch TP Thanh Hóa được đánh giá là khá khởi sắc. Đây được xem là tiền đề quan trọng để thành phố tiếp tục thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển du lịch của địa phương trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Trước mắt năm 2017 phấn đấu đón và phục vụ 2,6 triệu lượt khách nội địa, 800 nghìn lượt khách quốc tế, đạt doanh thu từ du lịch là 3.200 tỷ đồng.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]