(vhds.baothanhhoa.vn) - Mới đây, 2 cơ sở kinh doanh hải sản tại TP Sầm Sơn bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện tôm bơm hóa chất độc hại là sự cảnh báo đối với cơ quan chức năng và du khách. Sau sự việc trên, không ít du khách đã dè chừng với những cửa hàng kinh doanh thủy hải sản ở Sầm Sơn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đừng để "con sâu làm rầu nồi canh"

Mới đây, 2 cơ sở kinh doanh hải sản tại TP Sầm Sơn bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện tôm bơm hóa chất độc hại là sự cảnh báo đối với cơ quan chức năng và du khách. Sau sự việc trên, không ít du khách đã dè chừng với những cửa hàng kinh doanh thủy hải sản ở Sầm Sơn.

Hoạt động kinh doanh hải sản còn nhiều kẽ hở

Hiện nay trên địa bàn TP Sầm Sơn có trên 400 khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn và hàng trăm cơ sở kinh doanh thủy, hải sản. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018, TP Sầm Sơn đặt ra mục tiêu: 80% lượng thực phẩm lưu thông trên địa bàn được truy xuất nguồn gốc, 95% chủ cơ sở và người quản lý cơ sở hiểu biết và thực hành đúng về VSATTP; trên 90% cơ sở thực phẩm được kiểm tra, khám sức khỏe định kỳ, cấp giấy đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm... Để thực hiện mục tiêu này, TP Sầm Sơn đã ban hành kế hoạch, tăng cường tuyên truyền, thực hiện giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Đồng thời, ban chỉ đạo tiếp tục kiểm tra, thanh tra chuyên ngành và liên ngành trong công tác bảo đảm VSATTP, góp phần nâng cao nhận thức của chủ cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, ngày 23/6 vừa qua Đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Bộ NN&PTNT phối hợp với Cục Cảnh sát môi trường kiểm tra đột xuất 3 cơ sở kinh doanh hải sản tươi sống. Đoàn đã phát hiện 2/3 cơ sở có bán tôm bơm tạp chất độc hại. Tại cơ sở kinh doanh hải sản biển Tình Luyến (khu phố Nam Hải, phường Trung Sơn), đoàn thanh tra liên ngành đã phát hiện tôm của cơ sở này mập, căng bất thường, các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt số 3 và đầu tôm to bất thường. Tiếp tục kiểm tra đột xuất đại lý hải sản tươi sống Côi Xuyên (154 đường Nguyễn Du, phường Trung Sơn), đoàn thanh tra liên ngành phát hiện cơ sở này có gần 20kg tôm có dấu hiệu bơm tạp chất. Đoàn đã niêm phong toàn bộ số tôm kể trên để tiếp tục xác minh. Theo khai nhận của các chủ cơ sở, toàn bộ số tôm kể trên được nhập từ đầu mối huyện Tĩnh Gia và Quảng Xương.

Có thể nói, Sầm Sơn không chỉ được biết đến là khu du lịch biển nổi tiếng mà còn là một trong những địa điểm có nguồn hải sản biển tươi ngon nhất. Thế nhưng việc 2/3 cơ sở kinh doanh hải sản tươi sống tại đây vừa bị đoàn kiểm tra liên ngành xử lý phần nào cho thấy công tác quản lý về hoạt động kinh doanh, ATTP vẫn còn nhiều kẻ hở đáng báo động.

Hoạt động kinh doanh hải sản trên địa bàn TP Sầm Sơn cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.

Xốc lại công tác quản lý

Việc kinh doanh hải sản không đủ điều kiện VSATTP không chỉ gây ảnh hưởng sức khỏe du khách, mà xa hơn là ảnh hưởng đến thương hiệu du lịch Sầm Sơn. Nhằm khẳng định niềm tin cho du khách, hiện nay nhiều nhà hàng, khách sạn (có kinh doanh dịch vụ ăn uống) trên địa bàn TP Sầm Sơn đã kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, đặc biệt là nguồn hải sản tươi sống. Theo đó, nhiều cơ sở đã chú trọng công tác kiểm soát đầu vào, từ việc lựa chọn nhà cung cấp, cho du khách trực tiếp chọn và kiểm tra nguồn hải sản tươi sống theo yêu cầu.

Cụ thể, nhà hàng hải sản Thắng Hương (phường Quảng Cư) không chỉ đặt ra tiêu chí phục vụ khách hàng nhiệt tình, chu đáo mà còn đặc biệt chú trọng, tuân thủ các quy định về nhập hàng có nguồn gốc, xuất xứ, đầu tư hệ thống bảo quản thực phẩm, đồng thời thực hiện quy trình chế biến đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ông Lê Văn Thắng - Chủ nhà hàng Thắng Hương cho biết: “Để đảm bảo chất lượng thực phẩm, nhà hàng chúng tôi đã cử người giám sát đầy đủ tất cả mọi khâu, từ lựa chọn đầu vào nguyên liệu đến việc chế biến. Trong thời gian cao điểm du lịch như hiện nay mỗi ngày nhà hàng chúng tôi cho tiêu thụ trên dưới vài trăm kg hải sản tươi sống. Và trong suốt quá trình kinh doanh hơn 10 năm trời nhà hàng chúng tôi luôn được khách hàng tin tưởng, ủng hộ”.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP Sầm Sơn, hàng tuần các đơn vị, ban ngành chức năng đều tổ chức thanh tra, kiểm tra việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở các cơ sở kinh doanh hải sản, dịch vụ ăn uống. Qua đó, đã từng bước nâng cao nhận thức của chủ cơ sở chế biến và kinh doanh thực phẩm.

Đại diện Đội Quản lý Thị trường số 2 cho biết, từ đầu mùa du lịch đến nay đơn vị đã phối hợp với các ngành như y tế, công an, UBND thành phố, phòng VHTT trực tiếp chỉ đạo và nhắc nhở các hộ kinh doanh, trong đó có kinh doanh hải sản trên địa bàn TP, nhằm kiểm soát về giá cả và VSATTP. Ngoài ra, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp các ngành liên quan kiểm tra, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. Chỉ tính riêng trong đầu mùa du lịch, Đội Quản lý Thị trường số 2 đã chủ trì kiểm tra 67 vụ, xử lý 65 vụ. Trong đó có 42 vụ vi phạm về giá và 21 vụ về VSATTP.

Vì một mùa du lịch không ngộ độc thực phẩm, hướng tới an toàn sức khỏe cho du khách trong hoạt động du lịch, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát chất lượng tại các nhà hàng, khách sạn (có kinh doanh dịch vụ ăn uống), cơ sở kinh doanh hải sản trên địa bàn TP Sầm Sơn nói riêng và các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nói chung, thiết nghĩ các ngành, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm đối với các đơn vị đầu mối cung cấp cố tình vi phạm. Đây là việc làm cần thiết để hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ mất an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]