(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Phát triển hạ tầng du lịch cần tương xứng với tiềm năng, đó chính là điều kiện tiên quyết, là đòn bẩy để du lịch Thanh Hóa hội nhập và phát triển.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hạ tầng du lịch - Cần có thêm nhiều chính sách ưu đãi

(VH&ĐS) Phát triển hạ tầng du lịch cần tương xứng với tiềm năng, đó chính là điều kiện tiên quyết, là đòn bẩy để du lịch Thanh Hóa hội nhập và phát triển.

Hệ thống đường giao thông tại TP Sầm Sơn cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Tập trung nguồn vốn cho phát triển hạ tầng du lịch

Hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển du lịch bao gồm: giao thông, điện nước và bưu chính viễn thông.

Theo báo cáo của Sở VH,TT&DL Thanh Hóa, giai đoạn 2006 - 2016, đã có 40 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng được triển khai, với tổng dự toán được phê duyệt gần 4.000 tỷ đồng, đã thực hiện đầu tư được trên 1.000 tỷ (trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 220,2 tỷ đồng). Điển hình là dự án đường giao thông tại các khu du lịch trọng điểm như: Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, suối cá Cẩm Lương, Hàm Rồng... Cùng với đó hệ thống hạ tầng thông tin, viễn thông, điện nước, xử lý nước, rác thải... không ngừng được hoàn thiện đã thu hút các dự án đầu tư kinh doanh. Trong đó phải kể đến Dự án quần thể sân golf và resort FLC tại Quảng Cư (TP Sầm Sơn), góp phần làm thay đổi diện mạo hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Thanh Hóa có lợi thế là Cảng Hàng không Thọ Xuân, cảng biển nước sâu Nghi Sơn, cùng với hệ thống nhà ga, bến xe không ngừng được đầu tư, nâng cấp đưa vào khai thác vận hành đã đáp ứng nhu cầu đi lại, tham quan của du khách trong nước và quốc tế.

Có thể nói, hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông Thanh Hóa đã được định hình tương đối ổn định, hành lang lưu thông và liên kết bằng hệ thống đường bộ giữa Thanh Hóa với các vùng trong cả nước, với các nước lân cận và trong nội tỉnh... có những điều kiện khá thuận lợi so với những địa phương khác. Cùng với đó là hệ thống đường sắt, chạy qua 8 huyện và TP Thanh Hóa với 92 km và 9 ga phân bổ đều ở các khu kinh tế và dân cư tập trung. Đối với hệ thống đường biển, đường sông, mạng lưới giao thông cũng có những điều kiện khá thuận lợi. Hiện tại Thanh Hóa có 2 cảng biển lớn đó là cảng Lễ Môn và cảng nước sâu Nghi Sơn, trong tương lai không xa 2 cảng này sẽ được phối hợp khai thác tiềm năng về giao thông biển phục vụ phát triển du lịch.

Nhìn chung, trong những năm gần đây hầu hết các đầu mối giao thông của tỉnh đã được nối đến các khu, điểm du lịch trọng điểm như Sầm Sơn, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng... tạo điều kiện cho du khách tiếp cận với khu, điểm du lịch một cách dễ dàng, đồng thời góp phần đẩy nhanh sự phát triển của du lịch Thanh Hóa.

Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược

Mặc dù cơ sở hạ tầng cho ngành du lịch trong những năm qua tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng nhưng trên thực tế so với tiềm năng và nhu cầu của du khách, đặc biệt mùa du lịch cao điểm, cơ sở vật chất kỹ thuật còn thiếu, chất lượng dịch vụ hạn chế; các khu, điểm du lịch còn thiếu các dịch vụ đi kèm như vui chơi giải trí, mua sắm... điều đó đã ảnh hưởng đến sức hút đối với du khách.

Nhằm khai thác nguồn vốn tiềm năng sẵn có, phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, trong những năm qua Thanh Hóa không ngừng mời gọi và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu, đầu tư vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp theo nhu cầu trong quá trình khảo sát, nghiên cứu đầu tư, sản xuất kinh doanh một số dự án.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa hiện đang tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào một số dự án như: Dự án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới - khu du lịch văn hóa Thành Nhà Hồ; Dự án bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt - Khu du lịch Lam Kinh; Dự án bảo tồn phát huy giá trị Khu Du lịch Hàm Rồng; Dự án phát triển khu du lịch sinh thái Quảng Cư; Dự án phát triển khu du lịch văn hóa - sinh thái núi Trường Lệ; Dự án phát triển khu du lịch biển Hải Hòa; Khu du lịch Thác Ma Hao; Dự án suối cá Cẩm Lương.

Đối với vấn đề phát triển hạ tầng du lịch, trong “Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, nội dung quan trọng nhất đó là tập trung phát triển hạ tầng giao thông được coi là giải pháp then chốt. Bên cạnh đó, việc hoàn thiện các hệ thống hạ tầng khác cũng cần được coi trọng với các giải pháp cụ thể là: đảm bảo nguồn điện lưới ổn định cho các trung tâm du lịch biển, đặc biệt vào các tháng mùa hè; tăng cường sử dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng tái tạo; phát triển hệ thống hạ tầng môi trường; đảm bảo các dịch vụ viễn thông, internet và hoạt động kinh doanh du lịch; phát triển các dịch vụ và hạ tầng xã hội như: ngân hàng, y tế...

Có thể khẳng định, đối với ngành du lịch, hạ tầng là điều kiện cần để đặt nền tảng cho việc phát triển bền vững. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, Thanh Hóa cần có những chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]