(vhds.baothanhhoa.vn) - Dọc Quốc lộ 47 là những rặng núi nhấp nhô, những hàng cây xanh mướt đưa chúng ta đến với miền quê xinh đẹp, nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Đó là Thường Xuân.

Kết nối các điểm đến ở Thường Xuân

Dọc Quốc lộ 47 là những rặng núi nhấp nhô, những hàng cây xanh mướt đưa chúng ta đến với miền quê xinh đẹp, nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Đó là Thường Xuân.

Kết nối các điểm đến ở Thường Xuân

Điểm đến đầu tiên là Công viên Thanh Tam (Thanh Tam BamBoo Ecopark), nơi bảo tồn và phát triển các loài tre của xứ Thanh và của Việt Nam. Đây là Công viên sinh thái tre luồng đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần mía đường Lam Sơn làm chủ đầu tư xây dựng tại 4 xã của huyện Thọ Xuân và xã Thọ Thanh, huyện Thường Xuân. Công trình gần 200 ha đang trong quá trình hoàn tất để đưa vào khai thác du lịch, dự kiến là cuối năm 2022. Được biết, hiện nay, đã có tour du lịch liên kết giữa các tỉnh, thành phố: Hà Nội -Thanh Hoá - Quảng Bình, trong đó du khách được đến tham quan mặt tiền Công viên Tam Thanh.

Cách đó không xa là Nông trại Học đường Golden Cow có tổng diện tích là 20 ha, được xây dựng theo từng khu vực riêng để phục vụ nhu cầu tham quan của du khách. Từ đây du khách tiếp tục đi khoảng 10 km đến thị trấn Thường Xuân rồi tiếp tục khoảng 5 km đến với bản Mạ xinh đẹp.

Bản Mạ có 54 hộ dân, là Khu du lịch cộng đồng được đưa vào khai thác từ năm 2016. Điểm hấp dẫn của bản Mạ không chỉ là cảnh sắc nên thơ, khí hậu mát mẻ và yên bình, những món ăn, điệu múa đậm đà bản sắc dân tộc mà người dân nơi đây còn lưu giữ được những mái nhà sàn, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn đẹp mắt tạo nên khung cảnh bình yên, trữ tình. Chiếc cầu bắt qua dòng sông Chu nước trong vắt, êm đềm uốn lượn quanh bản làng là điểm check-in không thể thiếu được đối với du khách khi đến Bản Mạ.

Kết nối các điểm đến ở Thường Xuân

Cách nơi này 5 km là hồ Cửa Đạt, nơi có hai ngôi đền nổi tiếng linh thiêng bậc nhất xứ Thanh, nơi thờ tự người anh hùng Cầm Bá Thước và Bà chúa Thượng ngàn. Không những thế, hồ Cửa Đạt còn được nhiều người biết đến là một vùng thắng tích “hội sơn tụ thủy” với nhiều phong cảnh thiên nhiên kỳ thú mà yên bình. Du khách sẽ bị hút hồn bởi màu xanh ngút ngát của Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nổi tiếng, được ví như rừng Amazon của Việt Nam. Nếu du khách dừng chân tại Trạm Kiểm lâm Sông Khao trên chuyến du thuyền hồ Cửa Đạt, sẽ được thưởng thức các món ăn ngon dân dã từ những sản phẩm của lòng hồ và từ núi rừng Thường Xuân như tôm nướng, cá nướng, gà nướng, măng luộc, rau rừng luộc… Một đêm trên chiếc chòi đón gió từ lòng hồ Cửa Đạt, chắc chắn là trải nghiệm thú vị với những du khách muốn tĩnh lặng sau những ồn ào phố thị.

Kết nối các điểm đến ở Thường Xuân

Vượt Thị trấn Thường Xuân hơn 70 km, du khách đi qua cung đường rừng uốn lượn với mây vờn mây, cây nối cây để đến với bản Vịn, thuộc xã Bát Mọt. Nhờ sự hướng dẫn, làm mẫu của lãnh đạo địa phương, những nếp nhà sàn đơn sơ vừa là nhà ở của bà con, vừa là nơi ăn, nghỉ cho khách du lịch. Con người bản Vịn gần gũi, niềm nở, thân thiện và đặc biệt, bà con rất nỗ lực trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá qua những bài hát, điệu múa dân tộc; bên cạnh đó là cảnh sắc tuyệt đẹp, bao quanh là rừng già tự nhiên… Tất cả tạo nên bản sắc của bản Vịn, có nét duyên níu chân du khách.

Đến bản Vịn, trải qua một đêm tại homestay, sáng hôm sau du khách có cơ hội leo lên núi cao để nhìn ngắm tận mắt khu rừng “đặc sản” với nhiều đại thụ ngàn năm tuổi ở Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Vượt qua hành trình đi bộ 5,6 km, du khách sẽ được khám phá cây di sản Sa mu khổng lồ, được xem là “thần mộc” giữa rừng già Xuân Liên. Cây sống ở độ cao hơn 1.200m, giáp biên giới Việt - Lào, có đường kính 3,9 m và chiều cao tới tán là 43m.

Kết nối các điểm đến ở Thường Xuân

Với tiềm năng, lợi thế “rừng vàng”, sông núi ngút ngàn, nét hoang sơ của vùng đất, nét bình dị của con người nơi đây, Thường Xuân đang trở thành điểm đến thường xuyên của du khách.

Để du lịch Thường Xuân phát triển hơn nữa rất cần sự đầu tư của Nhà nước, bên cạnh đó là kêu gọi đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn. Việc bà con thôn bản ở Thường Xuân làm du lịch đã phần nào giúp họ thoát nghèo, do đó chính quyền địa phương nên phát huy ưu điểm, lợi thế của người dân để kết hợp với các tổ chức, đơn vị nhằm đưa du lịch Thường Xuân trở nên chuyên nghiệp trên cơ sở phát huy bản sắc dân tộc. Theo đó, mỗi điểm du lịch có thể tạo dựng những nét riêng độc đáo, không những chỉ dựa vào cảnh quan, con người, món ăn, mà còn ghi dấu ấn cho du khách bằng những sản phẩm lưu niệm, sản phẩm OCOP.

Ngoài ra, công tác bảo vệ môi trường sinh thái cũng là vấn đề đáng quan tâm trong phát triển du lịch ở Thường Xuân. Ưu điểm nổi trội của du lịch Thường Xuân là miền quê này có nguồn tài nguyên thiên nhiên với nhiều phong cảnh còn hoang sơ, trữ tình, nếu đánh mất ưu thế này không những sẽ thất bại trong khai thác du lịch mà còn để lại nhiều hệ luỵ cho nhiều thế hệ mai sau.

Nguyễn Trần Bách Diệp (Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá)


Nguyễn Trần Bách Diệp (Trường Chính trị tỉnh Thanh Hoá)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]