(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Cách thị trấn Yên Cát (Như Xuân) hơn 10 km về phía Tây Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, thác Cổng Trời thuộc xã Xuân Quỳ được miêu tả như vẻ đẹp của người con gái Thái đang độ trăng tròn, thuần khiết.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của thác Cổng Trời

(VH&ĐS) Cách thị trấn Yên Cát (Như Xuân) hơn 10 km về phía Tây Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh, thác Cổng Trời thuộc xã Xuân Quỳ được miêu tả như vẻ đẹp của người con gái Thái đang độ trăng tròn, thuần khiết.

Thác Cổng Trời được tạo thành bởi dòng suối bắt nguồn từ đỉnh núi Bù Mùn chia dòng đổ về hạ du: Một dòng chảy về xã Hóa Quỳ tạo nên thác Đồng Quan; một dòng chảy về xã Thanh Lâm (dòng chảy nhỏ hơn) hình thành nên thác Thanh Lâm và dòng chảy chính về xã Xuân Quỳ gọi là thác Cổng Trời. Nhờ đó, đã hình thành nên vùng cảnh quan hết sức đặc biệt, ở đó có dải núi đồi uốn nếp, những cánh rừng già, xen lẫn tiếng thác đổ, tiếng suối chảy róc rách đêm ngày.

Nằm trên địa bàn làng Chuối, một bản làng người Thái với hơn 100 hộ dân sinh sống, tên thác do những người dân nơi đây đặt từ xa xưa. Đến xã Xuân Quỳ, hành trình khám phá thác Cổng Trời được bắt đầu từ bản Chuối, men theo con đường mòn xung quanh là cánh rừng tái sinh xanh mát đến tận chân thác. Cuộc hành trình vượt thác khám phá những điều bí ẩn của núi cao, rừng xanh và thưởng ngoạn cảnh đẹp của thác Cổng Trời thật thú vị. Từ chân thác ngược lên chừng 200m là một tầng thác đặc biệt mà nhân dân địa phương thường gọi là thác Mẹ. Thác này gắn liền với câu chuyện lập bản của người Thái trong tín ngưỡng cổ truyền đó là phong tục thờ thần nước, tức là thờ Mẹ. Tín ngưỡng thờ cúng thần nước vẫn còn bảo tồn trong đời sống của đồng bào Thái nơi đây đến ngày nay là một sản phẩm văn hóa giàu sức sống. Thác có độ cao của dòng chảy hơn 10m tạo thành vụng nước dưới chân có độ sâu khoảng 3m, chiều dài 20m, rộng khoảng 10m là nơi du khách có thể bơi lội, tắm mát tận hưởng sự mát mẻ, trong lành đến tận cùng.

Thác Cổng Trời, địa điểm du lịch mới còn hoang sơ, thuần khiết giữa núi rừng Bù Mùn hùng vĩ.

Từ Thác Mẹ, ngược lên độ cao khoảng 100m, du khách sẽ gặp một tầng thác nước trải rộng hơn 30m trên nền đá, người dân địa phương thường gọi là Thác Tiên. Sự tích của câu chuyện Thác Tiên gắn liền với các nàng tiên từ trên trời cao rủ nhau xuống núi.

Chuyện kể rằng: Từ thuở hồng hoang, trời cao và hạ giới còn cách xa nhau, vì thế mà con đường từ trời về hạ giới đầy gian nan thử thách, khó mà có thể đến được với nhau. Một hôm, trời bỗng nổi mây mù, mưa to gió lớn quay cuồng hết cả mặt đất. Khi trời đất trở nên bình lặng, giữa hạ giới và trời cao bỗng nhiên sát lại gần nhau. Các nàng tiên trên trời nhìn thấy dưới nhân gian có nhiều cảnh vật núi sông, cây cỏ hoa lá, chim muông ca hát, nên đã rủ nhau xuống thăm thú vui chơi. Các nàng tiên đã thấy cảnh đẹp của thác Cổng Trời nên đã rủ nhau từng đôi một tắm mát. Vì quá say sưa với cảnh đẹp nên các nàng tiên đã quên cả lối về. Thời gian trôi đi, núi càng cao lên mãi, hang càng rộng thêm ra, phong cảnh càng thêm đẹp nên các nàng tiên đã không về trời nữa. Người dân trong vùng ốm đau thường đến xin thuốc chữa bệnh; người chết được tiên cứu sống,... Thác nước này được người dân gọi Thác Tiên là vậy.

Vãn cảnh ở đây, du khách không thể không đến thác Cổng Trời. Đây là một tầng thác có chiều cao hơn 30m với chân thác rộng cùng một thảm thực vật phong phú, tinh khôi. Dòng chảy của thác này vào mùa mưa tạo thành một bức rèm khổng lồ, trắng tuốt tung xuống từ trời cao. Trong cuộc hành trình khám phá, đi qua ba tầng thác, thác Cổng Trời nằm ở trên độ cao nhất, cách đoạn cuối nguồn là 400m. Từ đây tiếp tục cuộc hành trình ngược lên trên, du khách sẽ đến đỉnh núi Bù Mùn phóng tầm mắt tận hưởng khung cảnh mênh mông và tráng lệ của núi rừng sông nước, cảm nhận không gian bao la của vũ trụ, thoát khỏi sự chen lấn, xô bồ của thị thành là tâm hồn bình yên.

Kết thúc cuộc hành trình, du khách sẽ được ngâm mình dưới dòng nước trong xanh, mát rượi, rồi thưởng thức bữa cơm dân dã với sản vật từ rừng với người dân nơi đây. Nếu bạn đang cần nơi thư giãn, tĩnh tại sau những ngày làm việc bận rộn, hãy đến với thác Cổng Trời để tận hưởng và trải nghiệm.

Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ Nguyễn Văn Dũng chia sẻ: Sau khi thác Cổng Trời được công nhận Di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh năm 2016, địa phương đã và đang kêu gọi nguồn xã hội hóa, sự hỗ trợ của huyện, huy động đóng góp ngày công của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn xã làm đường đi, nạo vét lòng thác, kéo điện thắp sáng, kè bờ xây dựng bể chứa nước phía trên thác để duy trì dòng nước thường xuyên, làm cầu, ngăn đập tạo dòng thác, trồng hoa dọc lối đi... Dự kiến ngày 10/8 tới đây, Du lịch thác Cổng Trời chính thức khai trương, bước đầu đáp ứng nhu cầu của du khách xa gần, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Hiện nay, để phục vụ người dân trong vùng và khách đến tham quan, bà con làng Chuối đã dựng một số chòi, lán ngay cạnh chân thác để phát triển các dịch vụ đi kèm.

Có thể nói, cùng với thác Đồng Quan (xã Hóa Quỳ), đền Thi (xã Yên Lễ), đền Chín Gian (xã Thanh Quân)... thì thác Cổng Trời, xã Xuân Quỳ đang tạo nên cho bức tranh du lịch phong phú, đa dạng và hấp dẫn của huyện Như Xuân.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]