(vhds.baothanhhoa.vn) - Cơ hội nào đang chờ du lịch Thanh Hoá ở phía trước, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của dịch bệnh. Cùng với đó là việc các doanh nghiệp trong ngành tạo ra và vận dụng cơ hội như thế nào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khi kịch bản tăng trưởng “âm”: Du lịch Thanh Hóa còn có cơ hội khác?

Cơ hội nào đang chờ du lịch Thanh Hoá ở phía trước, điều đó phụ thuộc hoàn toàn vào diễn biến của dịch bệnh. Cùng với đó là việc các doanh nghiệp trong ngành tạo ra và vận dụng cơ hội như thế nào.

Du lịch nội địa được dự báo sẽ là thị trường phục hồi nhanh nhất của ngành du lịch.

Kịch bản tăng trưởng “âm” của toàn ngành Du lịch

Theo Tổng cục Du lịch ước tính, thiệt hại du lịch Việt Nam do dịch Covid-19, riêng trong các tháng 2, 3 và 4 sẽ vào khoảng 5,9 - 7 tỷ USD. Trong đó, doanh thu của các doanh nghiệp du lịch lữ hành giảm rất mạnh, doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú lần lượt giảm 9,6% và 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống quý I/2020 tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy chưa có con số thống kê chính thức, các chuyên gia kinh tế dự tính, tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, 80 - 90% số doanh nghiệp lữ hành nhỏ và vừa có thể đã tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.

Trước tình hình thực tại, Tổng cục Du lịch đã đưa ra các kịch bản phát triển khác nhau của ngành trong năm 2020, nhưng kịch bản nào thì cũng… tăng trưởng “âm”. Nếu dịch bệnh kết thúc vào cuối tháng 6, khách du lịch quốc tế đến năm 2020 có thể giảm khoảng gần 70% so với năm 2019, chỉ còn khoảng 5,5 triệu lượt. Nếu dịch kéo dài đến cuối tháng 9, lượng khách du lịch quốc tế sẽ giảm khoảng gần 75%, chỉ còn khoảng 4,6 triệu lượt. Nếu tình hình diễn biến xấu hơn, đến hết tháng 12 mà dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc, từ tháng 4 - 12 sẽ gần như không có khách du lịch quốc tế. Lúc đó, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam năm 2020 giảm khoảng 80% so với năm 2019, dừng ở tổng số 3 tháng đầu năm với 3,7 triệu lượt.

Không nằm ngoài sự sụt giảm chung của toàn ngành du lịch, tại Thanh Hoá, hoạt động cầm chừng ngay sau Tết Nguyên đán Canh Tý, tình trạng hủy tour, hủy đặt phòng tăng đột biến ngay sau đó (khách sạn, nhà hàng giảm 20,4%; du lịch lữ hành giảm gần 50%; công suất sử dụng buồng, phòng chỉ đạt dưới 25%; khách hủy tour, hủy dịch vụ lên tới 95%). Trong 3 tháng đầu năm, Thanh Hóa ước đón được 382 nghìn lượt khách, bằng 3,4% kế hoạch, giảm 68,3% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 415 tỷ đồng, bằng 2% kế hoạch, giảm gần 60% so với cùng kỳ. Những con số “biết nói” cho thấy tình trạng đáng báo động của hoạt động du lịch, khi mọi chỉ tiêu từ doanh thu đến lượng khách lần lượt chỉ đạt 2% và 3,4% kế hoạch. Đến ngày 29/4, toàn tỉnh đã được phép mở cửa trở lại, song lượng khách đến Thanh Hoá trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vẫn còn khá hạn chế, chủ yếu là khách nội tỉnh và một số địa phương lân cận, lượng khách giảm tới 44,3% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp trước đây cho rằng du lịch có thể sớm phục hồi, tuy nhiên đến thời điểm này, là thực sự rất khó khăn. Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Du lịch Eagle (phường Đông Thọ, TP Thanh Hoá), Phạm Hoài Thương khẳng định: Không chỉ chúng tôi mà nhiều doanh nghiệp dịch vụ du lịch khác trên địa bàn chắc chắn không thể đạt được mục tiêu trong năm 2020.

Một số chuyên gia du lịch thậm chí còn dè dặt hơn, cho rằng có lẽ năm 2022, du lịch mới có thể lấy lại tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như thời điểm trước dịch bệnh.

Thanh Hoá từng bước phục hồi dựa vào ưu thế

Có thể nói, mặc dù Chính phủ đã cho phép các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương trong cả nước đã mở cửa đón khách trở lại, tuy nhiên việc thu hút khách vẫn còn gặp không ít khó khăn. Đặc biệt là đối với các địa phương trong cả nước đón lượng lớn khách quốc tế. Với Thanh Hoá đó lại được xem như điều kiện thuận lợi riêng, khi thị trường chủ yếu là khách nội địa (theo thống kê của Sở VH,TT&DL, trong tổng số gần 10 triệu lượt khách đến với Thanh Hoá trong năm 2019, chỉ có 300 nghìn lượt khách quốc tế). Không chờ khi dịch bệnh kết thúc, trước đó các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã họp bàn liên kết trong việc đẩy mạnh liên minh kích cầu du lịch, đặc biệt tập trung vào sản phẩm du lịch nội địa. Trước tiên, tập trung vào các tour ngắn ngày, với nhóm khách hạn chế để khởi động thị trường du lịch. Sau đó, các đơn vị sẽ triển khai mở rộng thị trường cùng nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn khác. Đây cũng được xem là quỹ thời gian chờ đợi để có thể khai thác thị trường khách quốc tế trở lại, khi dịch bệnh kết thúc.

Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt - Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở VH,TT&DL cho biết: Thanh Hoá xác định, khi Việt Nam công bố hết dịch, trước hết tỉnh sẽ tập trung kích cầu thị trường nội địa, phối hợp với các hãng hàng không, vận chuyển và các đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch tổ chức các chương trình famtrip, khảo sát, đánh giá điểm đến. Tập trung các giải pháp đẩy mạnh truyền thông quảng bá “Thanh Hoá an toàn và hấp dẫn”. Cần khẳng định Thanh Hoá là điểm đến an toàn, khách du lịch được chào đón trở lại. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh công bố gói sản phẩm, dịch vụ ưu đãi.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, “cuộc chiến” với dịch bệnh tuy ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch của tỉnh, tuy nhiên, việc toàn ngành du lịch “đóng băng” sẽ là cơ hội để chúng ta dành thời gian nhìn lại mình, rà soát và hoàn thiện từ nâng cấp cơ sở vật chất, xây dựng sản phẩm du lịch mới, tập trung cơ cấu và đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ du khách được tốt hơn sau khi hết dịch. Các doanh nghiệp cần triển khai ngay sau dịch bệnh được kiểm soát là công tác quảng bá, tạo sản phẩm hấp dẫn và đa dạng, khuyến mãi kích cầu du lịch.

Bà Nguyễn Thị Hà - Giám đốc Vietrantour Thanh Hoá bày tỏ quan điểm, một khi Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh, Thanh Hoá tiếp tục là điểm đến an toàn, du lịch nội địa sẽ “lên ngôi”. Bởi thị trường du lịch nội địa từ trước tới nay vẫn luôn là thị trường tiềm năng của Thanh Hoá cũng như việc khai thác khách của các đơn vị lữ hành. Vì thế, tập trung toàn lực phát triển du lịch nội địa là hướng đi đúng đắn lúc này. Còn riêng với thị trường du lịch nước ngoài, ít nhiều sẽ cần đến một thời gian tương đối để khôi phục dần.

Thiết nghĩ, với những chính sách hỗ trợ thiết thực và kịp thời của Chính phủ và các bộ, ngành, cùng với định hướng phát triển của tỉnh và sự chủ động của các doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng du lịch Thanh Hoá sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn, với nhiều kết quả đáng khích lệ thời kỳ hậu Covid-19.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]