(vhds.baothanhhoa.vn) - Thường Xuân là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch, không chỉ sở hữu nguồn vốn phát triển du lịch văn hóa mà còn có nguồn tài nguyên phát triển du lịch sinh thái phong phú, trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Tuy nhiên, việc khai thác khối tài nguyên này còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên - điểm hẹn của các nhà đầu tư

Thường Xuân là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch, không chỉ sở hữu nguồn vốn phát triển du lịch văn hóa mà còn có nguồn tài nguyên phát triển du lịch sinh thái phong phú, trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên. Tuy nhiên, việc khai thác khối tài nguyên này còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Điểm dừng chân lý tưởng

Khu BTTN Xuân Liên nằm trên địa bàn huyện Thường Xuân, cách TP Thanh Hoá 60 km về phía Tây, nằm ở thượng nguồn sông Chu và thuộc địa giới hành chính của 5 xã (Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Xuân Cẩm, Vạn Xuân).

Xuân Liên nổi bật với khu hệ động thực vật rừng phong phú, đa dạng gắn liền sự tồn tại của các kiểu rừng kín thường xanh chủ yếu cây lá rộng á nhiệt đới núi thấp và rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới; trong khu bảo tồn từ độ cao từ 800 - 1.600m có trên 4 nghìn ha rừng nguyên sinh núi cao phân bố tập trung, với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, điển hình như: Pơ mu, Sa mu, Bách xanh; hổ, báo, vượn đen má trắng... đây là khu hệ động, thực vật quý hiếm duy nhất phân bố tập trung được bảo tồn của tỉnh Thanh Hóa và là 1 trong 5 trung tâm đa dạng sinh học cao còn lại của Việt Nam cần được quan tâm bảo tồn.

Rừng Xuân Liên còn là nơi có nhiều danh lam, tài nguyên thiên nhiên, thắng cảnh nổi tiếng như có nhiều đỉnh núi cao với đa dạng các kiểu rừng nguyên sinh đặc trưng như kiểu rừng Sến - Táu thuần loài, rừng Pơ mu - Sa mu mọc xen cây lá rộng hàng nghìn năm tuổi, hệ sinh thái rừng lùn trên núi cao; hệ thống các hang động đẹp, thác nước hùng vĩ đi kèm những suối nước thiên nhiên và bãi đá lộ thiên tự nhiên nhiều giá trị, hấp dẫn.

Hệ sinh thái núi đất tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Cận kề khu bảo tồn còn có một số địa điểm du lịch hấp dẫn như: Hồ Cửa Đạt, có các cửa sông, suối từ rừng bao quanh đổ ra lòng hồ; các di tích lịch sử, tín ngưỡng như đền thờ Thánh Mẫu thượng Ngàn, đền thờ Danh nhân Cầm Bá Thước, miếu Cô; cộng đồng người dân sống xung quanh Khu bảo tồn chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Mường có phong tục văn hoá đặc sắc và đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên văn hoá vô cùng quý giá, có giá trị gắn với phát triển các loại hình hoạt động du lịch sinh thái trong khu vực.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư

Nhằm khai thác tiềm năng du lịch về danh lam thắng cảnh, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa các dân tộc (Thái, Mường) và tính đa dạng sinh học của Khu bảo tồn, mang lại lợi ích cao cho nhà đầu tư và góp phần phát triển KT-XH địa phương, đồng thời đẩy mạnh công tác giáo dục ý thức bảo tồn tài nguyên môi trường trên quan điểm phát triển bền vững. Trong thời gian qua huyện Thường Xuân cũng như UBND tỉnh Thanh Hóa đã và đang kêu gọi đầu tư phát triển du lịch Khu BTTN Xuân Liên.

Ông Cầm Bá Huyến - Trưởng phòng VHTT huyện Thường Xuân cho biết, bên cạnh đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi, khám phá thế giới tự nhiên, mang lại lợi ích về kinh tế thiết thực, du lịch sinh thái rừng còn có ý nghĩa giáo dục bảo vệ môi trường cho khách du lịch cũng như cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn và nâng cao các giá trị môi trường, cảnh quan. Từ thế mạnh về tài nguyên sẵn có, huyện Thường Xuân đã phối hợp với BQL Khu BTTN Xuân Liên sớm xây dựng quy hoạch phát triển du lịch sinh thái Khu BTTN Xuân Liên đến năm 2020 và đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4168/QĐ-UBND.

Theo đó, phạm vi quy hoạch trên địa bàn 5 xã (Bát Mọt, Yên Nhân, Lương Sơn, Xuân Cẩm, Vạn Xuân), với diện tích gần 24 nghìn ha, có tổng nhu cầu vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng.

Trong đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn một trong các hình thức đầu tư như: Liên doanh; 100 vốn đầu tư nước ngoài hoặc 100% vốn đầu tư trong nước. Cùng với đó, nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư xây dựng và kinh doanh từng phân khu chức năng thuộc Khu BTTN Xuân Liên hoặc đầu tư phát triển, kết nối hệ thống tuyến, điểm, tour du lịch trong Khu BTTN Xuân Liên và các tuyến điểm, điểm, tour du lịch trong và ngoài tỉnh.

Với các hạng mục đang được tỉnh ưu tiên xây dựng như: quy hoạch chi tiết các phân khu chức năng tỷ lệ 1/500; phân khu đón tiếp du khách; phân khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng; phân khu cứu hộ và chăn thả động vật bán hoang dã; phân khu trình diễn mô hình rừng; cải tạo nhà sàn hộ gia đình và trạm kiểm lâm bản Vịn; hàng rào bảo vệ du khách...

Để thu hút đầu tư phát triển du lịch Khu BTTN Xuân Liên, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đồng thời có cơ chế chính sách khuyến khích và đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, đảm bảo nhà đầu tư có lợi nhuận và một số ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Hy vọng rằng khu du lịch sinh thái Khu BTTN Xuân Liên được xây dựng sẽ là mắt xích quan trọng để thu hút khách du lịch đến với huyện Thường Xuân và trở thành điểm đến hấp dẫn trong hành trình đến với miền Tây, góp phần làm phong phú thêm bức tranh tổng thể của du lịch xứ Thanh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]