(vhds.baothanhhoa.vn) - Với những giá trị vượt thời gian, năm 2014, Khu Di tích Bà Triệu đã được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Sự tôn vinh này thêm một lần nữa khẳng định và nâng tầm vị thế của di sản trong kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Khu Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu: Những giá trị vượt thời gian

Với những giá trị vượt thời gian, năm 2014, Khu Di tích Bà Triệu đã được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Sự tôn vinh này thêm một lần nữa khẳng định và nâng tầm vị thế của di sản trong kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Khu Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu: Những giá trị vượt thời gian

Khách đến dâng hương, vãn cảnh đền thờ Bà Triệu.

Tọa lạc giữa không gian xanh mướt cỏ cây, đền Bà Triệu ví như nét chạm trổ tài hoa lên nền bức tranh cuộc sống. Di sản đặc biệt nhuốm màu thời gian này mang trong mình những giá trị lịch sử và văn hóa lớn lao, không chỉ đại diện cho riêng mảnh đất xứ Thanh, mà còn góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân tộc.

Suốt nghìn năm Bắc thuộc, đã có không ít cuộc tranh đấu hòng giải phóng con người khỏi xiềng xích nô lệ và khẳng định chủ quyền quốc gia - dân tộc. Trong đó, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu được xem là một trong những cuộc nổi dậy có tầm ảnh hưởng và sức công phá mạnh mẽ nhất. Bởi nó không chỉ làm lung lay thành lũy đô hộ nhà Ngô thời bấy giờ, mà còn tạc vào lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta một chương rạng rỡ và bi tráng. Sử sách đã ghi lại, năm 248, Bà Triệu phất cờ khởi nghĩa với lời thề sắt đá: rửa sạch mối thù mất nước, giành lại một dải giang sơn gấm vóc.

Dưới ngọn cờ đại nghĩa, từ Ngàn Nưa (Triệu Sơn), nghĩa quân đã tràn xuống tấn công thành Tư Phố khiến chính quyền đô hộ nhà Ngô không kịp trở tay. Hạ thành Tư Phố, Bà Triệu đưa quân vượt sông Mã về trang Bồ Điền (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nay) – nơi có địa hình hiểm trở, thuận công dễ thủ - để xây dựng căn cứ làm bàn đạp tiến đánh Giao Chỉ. Khởi nghĩa Bà Triệu bắt đầu từ quận Cửu Chân đã nhanh chóng lan ra cả nước. Sức ảnh hưởng mạnh mẽ của nó đã khiến cho sử gia nhà Ngô phải thốt lên “Năm Mậu Thìn 248, toàn bộ Giao Châu đều chấn động”. Lo ngại sức mạnh nghĩa quân Bà Triệu và hiệu ứng từ cuộc khởi nghĩa có thể uy hiếp trực tiếp đến sự tồn tại của chính quyền đô hộ, triều đình nhà Ngô đã phong Lục Dận giữ chức Thứ sử Giao Châu và chỉ huy đội quân thiện chiến hơn 8.000 quân tiến xuống phía Nam, đàn áp cuộc khởi nghĩa. Cuộc đối đầu giữa nghĩa quân và giặc Ngô diễn ra ác liệt ngay tại đại bản doanh Bồ Điền. Song do lực lượng chênh lệch, căn cứ Bồ Điền bị quân định vây hãm, cô lập. Trong trận quyết chiến cuối cùng diễn ra vào ngày 22-2 âm lịch năm Mậu Thìn, Bà Triệu đã anh dũng hy sinh trên núi Tùng.

Cuộc khởi nghĩa dù không đi đến thắng lợi cuối cùng, song sự kiện này đã nối tiếp mạch nguồn yêu nước, khát vọng độc lập dân tộc được viết từ thời Hùng Vương dựng nước và sẽ còn được nối dài suốt nhiều thế kỷ sau. Đồng thời, khí phách hiên ngang, sự kiên cường, bất khuất của bậc nữ trung hào kiệt Triệu Thị Trinh sẽ mãi lưu danh sử sách để hậu thế ngưỡng vọng, ngợi ca. Tưởng nhớ công lao to lớn của bà, dân làng Phú Điền đã xây lăng, dựng tháp trên đỉnh núi Tùng và lập đền thờ dưới chân núi Gai. Đền thờ Bà Triệu lúc mới khởi dựng chỉ có 3 gian lợp mái tranh. Đến thời tiền Lý, vua Lý Nam Đế (542-548) đã cho xuất ngân khố để dân làng sửa sang, mở rộng nơi thờ tự. Đồng thời, tôn Bà Triệu là Bậc chính anh liệt hùng tài chinh nhất phu nhân. Trải qua thời gian với vô vàn bể dâu thay đổi, công trình kiến trúc này đã xuống cấp, hư hao đi nhiều. Đến thời Nhà Nguyễn, vua Bảo Đại đã cho tu sửa lại đền (năm 1931). Đến năm 2008, cuộc “đại trùng tu” được tiến hành và quần thể di tích Bà Triệu (gồm đền Bà Triệu, lăng mộ Bà Triệu, đình Phú Điền, mộ ba ông tướng họ Lý, miếu Bàn Thề và đền Đệ Tứ) có diện mạo như hiện nay.

Đền thờ Bà Triệu được quy hoạch trên diện tích 3,8 ha nằm ngay dưới chân núi Gai. Đây là công trình kiến trúc quan trọng và có giá trị bậc nhất trong quần thể di tích Bà Triệu. Đền được dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc” và được đánh giá là một trong những di tích có cảnh quan, kiến trúc đẹp nhất xứ Thanh. Đi từ ngoài vào là Nghi môn ngoại (cổng ngoại) với khối kiến trúc tứ trụ bằng đá nguyên khối, trong đó, hai trụ biểu giữa cao hơn và được trang trí hoa văn tứ linh “long, ly, quy, phượng”, cùng khối tượng nghê chầu trên đỉnh cột. Qua Nghi môn ngoại là một không gian xanh mướt cỏ cây, hài hòa với các khối kiến trúc được “sắp đặt” theo quan niệm phong thủy như ao sen, bình phong, Nghi môn trung, Nghi môn nội... Ba khối kiến trúc quan trọng nhất trong đền thờ Bà Triệu là Tiền đường, Trung đường và Hậu Cung. Đây là nơi đặt các ban thờ và được trang trí hoa văn cầu kỳ, tinh xảo.

Nằm cách đền thờ chừng 500m về phía Tây là núi Tùng. Từ đỉnh núi có thể quan sát cả một vùng rộng lớn nên xưa kia, núi Tùng là một vọng gác quan trọng của nghĩa quân Bà Triệu. Đỉnh núi Tùng cũng là nơi tọa lạc khu lăng, mộ Bà Triệu. Lăng được cấu trúc theo hình trụ đứng (tứ giác) nhỏ dần về phía đỉnh, gồm 2 tầng mái kiểu mái kiệu long đình, phía trước lăng đặt ban thờ. Mộ có cấu trúc hình vuông, bên trên có cửa hình vòm mở ra 4 phía... Khu lăng, mộ được “phủ” trong một thảm xanh của cỏ cây bên dưới và tán cổ thụ tỏa bóng bên trên. Cùng với đền thờ dưới chân núi Gai, thì đây là di tích mang đậm “tính thiêng” và được người dân trong vùng đặc biệt bảo vệ, tôn thờ.

...

Nhiều nghiên cứu và tài liệu lịch sử còn lưu lại cho đến ngày nay, đã khẳng định những giá trị to lớn, bất biến về mặt lịch sử, văn hóa – kiến trúc, nghệ thuật và cảnh quan sinh thái của quần thể di tích Bà Triệu. Sự tồn tại của các di tích không chỉ giúp hậu thế có được cái nhìn khách quan và tương đối chính xác về nguồn gốc ra đời cũng như quá trình phát triển của vùng đất cổ Phú Điền; mà qua các di tích gốc được bảo tồn khá nguyên vẹn (đình Phú Điền) còn cho thấy sự tài hoa và óc sáng tạo tuyệt vời của cha ông ta. Đặc biệt, sự hiện diện của “kho” di sản văn hóa vật thể phong phú và giàu giá trị ấy còn là sự đề cao và ngợi ca công lao của anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh đối với tiến trình lịch sử dân tộc. Bởi cuộc khởi nghĩa Bà Triệu đã “tiếp lửa” tinh thần độc lập, tự chủ, kiên cường, bất khuất của dân tộc ta, Nhân dân ta trong cuộc chiến trường kỳ chống ách đô hộ nghìn năm.

Với những giá trị vượt thời gian, năm 2014, Khu Di tích Bà Triệu đã được công nhận là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Sự tôn vinh này thêm một lần nữa khẳng định và nâng tầm vị thế của di sản trong kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Khôi Nguyên

(Bài viết có sử dụng 1 số tư liệu trong cuốn “Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và Khu Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu” (Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa).


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]