(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, động Bo Cúng thuộc địa bàn bản Chanh, xã Sơn Thủy là một trong những điểm đến khám phá hang động gắn với du lịch cộng đồng hấp dẫn của huyện Quan Sơn nói riêng và của khu vực miền núi Thanh Hóa nói chung. Với chiều dài khoảng 1 km với nhiều ngách hang, động Bo Cúng có vô vàn những nhũ đá với đủ màu sắc và hình hài độc đáo đem đến những trải nghiệm thú vị dành cho du khách.

Kỳ thú hang động miền Tây xứ Thanh

Những năm gần đây, động Bo Cúng thuộc địa bàn bản Chanh, xã Sơn Thủy là một trong những điểm đến khám phá hang động gắn với du lịch cộng đồng hấp dẫn của huyện Quan Sơn nói riêng và của khu vực miền núi Thanh Hóa nói chung. Với chiều dài khoảng 1 km với nhiều ngách hang, động Bo Cúng có vô vàn những nhũ đá với đủ màu sắc và hình hài độc đáo đem đến những trải nghiệm thú vị dành cho du khách.

Kỳ thú hang động miền Tây xứ ThanhĐộng Bo Cúng, xã Sơn Thủy - điểm du lịch khám phá hấp dẫn trên địa bàn huyện Quan Sơn.

Trong chuyến khảo sát mới đây tại khu vực động Bo Cúng, huyện Quan Sơn đã phát hiện thêm một ngách hang lớn, dài khoảng 400m, chỗ rộng nhất khoảng 60m, có rất nhiều nhũ đá lấp lánh với hình thù đẹp mắt. Để đưa ngách hang mới phát hiện vào phục vụ cho việc phát triển du lịch, UBND huyện Quan Sơn đã mời Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh tại Việt Nam tiến hành khảo sát sâu hơn, đưa ra những nhận định chính xác hơn, phục vụ công tác bảo tồn, khai thác bền vững cảnh quan động Bo Cúng. Đây là tiền đề quan trọng để huyện Quan Sơn quan tâm đầu tư, xây dựng động Bo Cúng trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quan Sơn, ông Lê Văn Thơ cho biết: “Huyện Quan Sơn đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiềm năng du lịch của huyện Quan Sơn nói chung và động Bo Cúng nói riêng. Để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, du khách đến tham quan động, hệ thống đường giao thông vào động được xây dựng và đã hoàn thành. Từ đầu năm 2023, huyện Quan Sơn đã lắp đặt mới hệ thống đèn màu, tôn lên vẻ đẹp lung linh huyền ảo của nhũ đá, vách đá và toàn bộ hang động. Bên cạnh đó, huyện cũng đã bố trí bãi trông giữ xe, sắp xếp các ki ốt bán hàng dịch vụ ăn uống, giải khát, giới thiệu các sản phẩm đặc sản của địa phương. Điều đáng mừng là lượng du khách tới tham quan, khám phá động Bo Cúng ngày càng tăng cao. Trong 9 tháng năm 2023, lượng du khách tới động Bo Cúng ước tính gần 30.000 lượt người, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ 4 - 5 năm trở lại đây, trong đó, lượng du khách nước ngoài cũng tăng đột biến".

Bên cạnh việc khám phá vẻ đẹp, sự kỳ thú của động Bo Cúng, du khách cũng đã được trải nghiệm với văn hóa, phong tục, tập quán và sinh hoạt của đồng bào các dân tộc tại bản Chanh, xã Sơn Thủy.

Nằm trong vùng đệm Vườn Quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong, xã Thành Yên (Thạch Thành) được người dân và các nhà khảo cổ học phát hiện từ năm 1975. Qua nhiều lần khai quật, các nhà khoa học đã xác nhận con người thời tiền sử đã có mặt ở trong hang từ khoảng 60.000 năm đến 7.000 năm TCN. Đây cũng chính là nơi quần cư liên tục của người Việt cổ, với 3 nền văn hóa: Sơn Vi, Hòa Bình và Bắc Sơn, tiêu biểu cho Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung... Với những giá trị nổi bật đó, di chỉ khảo cổ học hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định 2367/QĐ-TTg ngày 23-12-2015. Hang Con Moong được tỉnh Thanh Hóa, huyện Thạch Thành dành sự quan tâm bảo tồn và phát huy di tích gắn với phát triển du lịch. Huyện đã hoàn thành tuyến đường từ Quốc lộ 217B đến Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong; đồng thời xây dựng mô hình du lịch khám phá, văn hóa lịch sử để du khách trong tỉnh, trong nước và quốc tế được biết đến và về với di tích. Công tác quảng bá, giới thiệu về di tích cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức, đặc biệt là thực hiện chuyển đổi số để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, tìm hiểu, khám phá. Ban quản lý di tích cũng đã lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng trong hang, xây dựng nội dung thuyết minh về hang Con Moong phục vụ khách du lịch. Việc xây dựng sản phẩm du lịch khám phá hang Con Moong và các di tích phụ cận kết hợp du lịch cộng đồng đang được huyện Thạch Thành xây dựng gắn với các hoạt động văn hóa, lễ hội, các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện.

Tại huyện vùng cao Quan Hóa – địa phương được đánh giá có nhiều thắng cảnh, hang, động kỳ bí, hấp dẫn của miền Tây xứ Thanh với hang Phi, hang Co Luồng, hang Co Phương... Đặc biệt, hang Phi (hay còn gọi hang Ma, hang Lũng Mu) trên núi Pha Cáng thuộc bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân là khu động táng được phát hiện sớm và có số lượng quan tài trong hang lớn nhất Việt Nam. Các nhà khảo cổ đã phát hiện mộ phần của người Thái cổ có niên đại hơn 700 năm, ở độ cao hàng chục mét. Những câu chuyện huyền bí, linh thiêng về tục huyền táng xưa trở thành một điểm nhấn khó quên trên hành trình khám pha hang động của du khách. Còn hang Co Luồng nằm trên núi Co Luồng, thuộc địa bàn bản Khằm, thị trấn Hồi Xuân. Hang rộng hàng nghìn mét vuông, với nhiều lớp đá nhũ có giá trị. Tại đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nhũ đá nguyên sơ có lịch sử hàng trăm năm, có các hình thù khác nhau mà tạo hóa ban tặng.

Huyện Quan Hóa còn nổi tiếng với Di tích lịch sử quốc gia hang Co Phương, bản Sại, xã Phú Lệ. Đây vừa là kho, trạm quân lương, cũng là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong và dân quân hỏa tuyến. Câu chuyện về hang Co Phương là câu chuyện bi tráng về nhiều thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang ở độ tuổi thanh xuân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Hang có hai cửa đi vào. Càng vào sâu bên trong, lòng hang càng hẹp, xung quanh có nhiều khu núi đá Pố Há dài khoảng 60m, rộng 40m với các phiến đá xếp chồng lên nhau vô cùng đẹp mắt. Đây là điểm du lịch khám phá lịch sử văn hóa có vai trò quan trọng của huyện Quan Hóa nói riêng, Thanh Hóa nói chung. Huyện Quan Hóa đã và đang chú trọng phát triển và xây dựng các tour du lịch khám phá, trải nghiệm, đồng thời kết nối các điểm du lịch trên địa bàn, qua đó tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch khám phá hang động gắn với du lịch cộng đồng của địa phương.

Huyện vùng cao Mường Lát được xem là địa phương có khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, núi non hùng vĩ, cùng với đó một số hang động đẹp như hang Da Báo, hang Thắm Táu (Tam Chung), hang động bản Bóng (Mường Chanh)... đã và đang được nhiều người biết đến. Để thúc đẩy du lịch ở huyện vùng biên Mường Lát phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định 1673/QĐ-UBND ngày 18-5-2023 phê duyệt Đề án phát triển du lịch huyện Mường Lát đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây chính là “lối mở”, là giải pháp quan trọng “đánh thức” tiềm năng, thế mạnh, tạo đà cho du lịch ở huyện vùng biên phát triển. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch ở Mường Lát là du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, gắn với các địa danh thu hút sự khám phá, mạo hiểm, gắn với Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hu; các khu vực có cảnh quan thiên nhiên hùng tráng, nguyên sơ; khí hậu vùng núi cao mát mẻ, trong lành, cảnh quan khác biệt.

Miền Tây xứ Thanh còn nổi tiếng với nhiều hang động như hang Bàn Bù, xã Ngọc Khê (nay là thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc) gắn với lễ hội văn hóa du lịch Bàn Bù; hang Kho Mường, xã Thành Sơn (Bá Thước); động Cây Đăng – nằm trong quần thể danh thắng suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy); hang Trư Thạch Sơn, xã Xuân Thái (Như Thanh)... Du lịch khám phá hang động hiện nay được xem là điểm nhấn quan trọng trong phát triển sản phẩm du lịch của toàn tỉnh. Món quà mà thiên nhiên ban tặng chính là những tài nguyên quý giá để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bảo tồn, phát huy, khai thác các điểm hang động mới, có kế hoạch đầu tư, quảng bá, khai thác hiệu quả, góp phần cho sự phát triển du lịch ở các huyện miền núi xứ Thanh.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]