(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm bên bờ sông Mã, làng Yên Hoành xã Định Tân (Yên Định) gắn liền với công lao khai hoang lập ấp của công chúa Phương Hoa - con gái vua nhà Trần. Để rồi đi qua thời gian, trở về Yên Hoành hôm nay, vùng đất “cận giang - cận thị” vẫn ấp ôm trong mình những nét đẹp văn hóa, lịch sử... giàu giá trị của làng quê truyền thống.

Làng cổ Yên Hoành bên bờ sông Mã

Nằm bên bờ sông Mã, làng Yên Hoành xã Định Tân (Yên Định) gắn liền với công lao khai hoang lập ấp của công chúa Phương Hoa - con gái vua nhà Trần. Để rồi đi qua thời gian, trở về Yên Hoành hôm nay, vùng đất “cận giang - cận thị” vẫn ấp ôm trong mình những nét đẹp văn hóa, lịch sử... giàu giá trị của làng quê truyền thống.

Làng cổ Yên Hoành bên bờ sông MãChùa và đền Yên Hoành được tôn tạo trên nền móng cũ.

Thuở công chúa Phương Hoa cùng dân khai hoang, lập ấp

Nằm ở bờ Nam sông Mã, bên này là huyện Yên Định, bên kia sông là huyện Vĩnh Lộc được nối liền bởi cây cầu Yên Hoành hiện đại, làng Yên Hoành vừa mang nét đẹp truyền thống vừa vẫn toát lên sự sôi động, sầm uất của vùng đất trên bến dưới thuyền, gần sông, gần chợ - giao thương buôn bán phát triển.

Theo sách “Địa chí làng Yên Hoành” (NXB Văn hóa - Thông tin): “Tên làng Yên Hoành xuất hiện đầu tiên trong sách “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” với tên gọi trang Yên Hoành... địa bàn từ Hà Tĩnh trở ra đến hết các tỉnh phía Bắc, chỉ có một làng mang tên làng Yên Hoành, duy nhất không trùng lắp với tên các làng khác”. Cùng với tên Yên Hoành, nơi đây còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như làng An Hoành; làng Hoành... Và người dân địa phương tin rằng, tên gọi Yên Hoành gắn liền với ước mong được sống trong không gian làng quê bình ổn, lâu dài.

Là người dân Yên Hoành, mấy ai không biết đến những câu thơ: “Trời đem Thánh nữ tới nơi này/ Lập ấp hai dân tự những ngày/ Gấm vóc ngàn thu non với nước/ Thái bình muôn thuở cỏ cùng cây...” - câu thơ ngợi ca công đức vị Thần hoàng làng. Thần tích làng Yên Hoành kể lại: Vào thời nhà Trần, công chúa Phương Hoa (Trương Hoa) con gái vua Trần theo đường thủy từ quê nhà Tức Mặc (Nam Định) ngược dòng sông Mã du ngoạn, đến khu vực Mang Rồng (sát núi Trúc Lĩnh làng Yên Hoành ngày nay) đã bị cuốn hút bởi cảnh sắc hữu tình nên đã cùng với hai nàng hầu quyết định lên bờ chiêu dân lập ấp với 36 dân binh đầu tiên.

Trong đó, 18 người họ Trần và Nguyễn khai phá khu vực Mang Rồng ven sông Mã; 18 người họ Trịnh, họ Hoàng còn lại khai phá khu vực trong Mang Rồng. Khi trang ấp hình thành, cuộc sống dần phát triển, công chúa Phương Hoa đã đặt tên cho khu vực ngoài Mang Rồng tên gọi trang Yên Hoành và trong Mang Rồng là trang Hổ tức làng Hổ Thôn (xã Định Hưng), hai trang coi nhau như anh em. Bởi vậy mà có câu “Yên Hoành nghi huynh, Hổ Thôn nghi đệ”.

Khi cuộc sống ở Yên Hoành dần ổn định, công chúa Phương Hoa cùng hai nàng hầu rời đi. Toàn bộ của cải, tư trang, nhà cửa của con gái vua Trần được người dân Yên Hoành trông giữ cẩn trọng, chờ ngày bà trở lại. Tuy vậy, mỏi mòn chờ đợi qua tháng năm mà không có tin tức. Về sau, để khắc ghi công đức của công chúa Phương Hoa, người dân hai trang Yên Hoành và Hổ Thôn đã cùng nhau đóng góp tiền bạc, công sức lập đền thờ ngay trên mảnh đất mà bà đã ở. Và ngày công chúa Phương Hoa rời Yên Hoành (12 tháng 4 âm lịch) được người dân chọn để hàng năm làm lễ tưởng nhớ người đã có công khai hoang chiêu dân lập ấp.

Không chỉ là lưu truyền dân gian, căn cứ vào tài liệu sử cuối thời Trần, sách “Địa chí làng Yên Hoành” do nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn chủ biên đã nhận định: “Từ Trần Nghệ Tông trở đi, quyền lực đất nước từng bước bị Hồ Quý Ly thâu tóm. Rồi biết bao cuộc thanh trừng chém giết xảy ra trong cung đình... Có lẽ vì những biến cố và sự khủng hoảng nghiêm trọng ở thời kỳ cuối Trần ấy mà công chúa Phương Hoa và hai nàng hầu đã không còn điều kiện để trở lại trang Yên Hoành và Hổ Thôn- vùng đất mà bà đã có công khai phá... Rõ ràng, với những gì chúng ta biết được, có thể khẳng định trang (làng - xã) Yên Hoành và Hổ Thôn chắc chắn ra đời vào thời kỳ cuối Trần, trước khi bà Phương Hoa từ biệt nơi đây”.

Đến thời Lê Trung Hưng, Yên Hoành trở thành vùng đất “quan” khi người Yên Hoành liên tiếp đỗ đạt, nổi tiếng khắp xa gần, có những người nắm giữ quyền thế “nghiêng thiên hạ” trong triều đình. Ở Yên Hoành, người dân vẫn tự hào nhắc nhớ: “Làng Yên Hoành có bốn Quận công/ Ba bà chúa ngự, chín ông quan triều”. Từ truyền thống, đến hôm nay Yên Hoành còn được biết đến là vùng đất học với những gia đình hiếu học, dòng họ đỗ đạt.

Và nét đẹp làng quê truyền thống

Ra đời vào cuối thời Trần, Yên Hoành tọa lạc ven sông Mã hội tụ đủ điều kiện để trở thành nơi “đất lành chim đậu”. Từ chỉ 18 người đầu tiên thuộc hai họ Nguyễn, Trần đầu tiên đến khai phá, đến nay Yên Hoành đã có gần 20 dòng họ lớn nhỏ cùng nhau sinh sống. Với địa thế thuận lợi, người Yên Hoành từ xa xưa đã sớm vượt ra khỏi không gian làng quê khép kín để giao lưu, học hỏi cách làm ăn của người dân bốn phương. Trong đó, dễ nhận thấy nhất chính là “khiếu” làm ăn, buôn bán của các thế hệ người dân làng Hoành, gắn liền với chợ Hoành và bến đò Hoành- tụ điểm buôn bán sầm uất của huyện Yên Định và vùng lân cận thời phong kiến; đến thời Pháp thuộc, khu vực dân cư sinh sống gần chợ Hoành và bến đò Hoành thậm chí còn được xa gần biết đến với tên gọi “Phố Hoành”, nơi có những cửa hiệu bán buôn sầm uất của thương nhân khắp nơi tìm về. Trải qua biến thiên lịch sử, thăng trầm thời đại song người dân Yên Hoành gần như chưa bao giờ rơi vào cảnh phiêu tán.

Uống nước nhớ nguồn, không quên ơn đức cao dày của người đã có công khai hoang lập ấp, đặt nền móng cho sự hưng thịnh, phát triển ở Yên Hoành, cùng với việc lập dựng đền thờ công chúa Phương Hoa và hai nàng hầu, người dân còn suy tôn con gái vua nhà Trần làm Thần hoàng làng. Ngày nay, bên trong đền Yên Hoành còn lưu truyền câu đối cổ: “Tức Mặc lưu danh truyền vạn thế/ Yên Hoành thừa kế sự thiên thu”. Đền Yên Hoành là trung tâm văn hóa tâm linh để người dân bày tỏ lòng ngưỡng vọng với tiền nhân.

Hàng năm, vào ngày 12 tháng 4 âm lịch - tức ngày công chúa Phương Hoa rời đất Yên Hoành, người dân trong vùng lại cùng nhau trở về di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh đền Yên Hoành tổ chức lễ hội truyền thống. Ông Trần Khắc Cổn, Trưởng ban Văn hóa làng Yên Hoành cho biết: “Lễ chính kỵ (giỗ) Đức Thánh bà là dịp tưởng nhớ vị Thần hoàng làng đã có công lập làng. Hương ước làng quy định, vào năm lẻ làm lễ nhỏ và đại lễ vào năm chẵn. Đại lễ có nghi lễ rước kiệu đặc sắc. Lễ hội có ý nghĩa với không chỉ riêng người dân địa phương mà còn thu hút Nhân dân cả vùng cùng về tham dự, tạo nên không khí lễ hội náo nức, sôi động mà vô cùng thành kính linh thiêng”. Ngoài lễ hội tưởng nhớ Đức Thánh bà, vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm, Yên Hoành còn tổ chức lễ hội rước nước với những nghi lễ tâm linh chứa đựng niềm tin tốt đẹp, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống no đủ.

Theo các cụ cao niên trong làng, ở Yên Hoành xưa kia có đầy đủ các di tích tâm linh: đình Yên Hoành (đình Hội); đền Phương Hoa Công chúa chi thần (đền Đức Thánh bà); chùa Yên Hoành; đền Tây Từ; đền Đông Từ; khu Văn chỉ; khu Võ chỉ, đan xen các nhà thờ dòng họ, điếm ngõ, giếng làng, nhà cổ... Tuy nhiên, trải qua thời gian, những dấu tích văn hóa của ngôi làng có lịch sử ra đời gần 7 thế kỷ đã chịu nhiều biến động. Nhưng người Yên Hoành với niềm say mê, trân quý những giá trị văn hóa cha ông không cho phép mình quên đi nguồn cội. Bởi vậy, những di tích đã và đang từng bước được khôi phục, tôn tạo. Đến thời điểm hiện tại, trên nền móng cũ, đền Đức Thánh bà thờ Phương Hoa công chúa cùng hai thị nữ và chùa Yên Hoành đã được tôn tạo xứng tầm, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, là “điểm tựa” tâm linh cho mỗi người dân vươn lên học tập, làm ăn phát triển.

Có một điều đặc biệt khi về Yên Hoành mà ta dễ dàng nhận ra, chính là sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại, không ngại giao lưu tiếp biến song vẫn giữ được cho mình “chất” riêng không hề lẫn lộn. Và cái chất riêng ấy đã ngấm sâu trở thành một phần bản sắc của đất và người Yên Hoành xưa nay.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]