(vhds.baothanhhoa.vn) - Đứng vững với thời gian, với đạo lý ăn quả nhớ người trồng cây, đền thờ đức thánh Mai An Tiêm (Nga Sơn) không chỉ là tấm lòng, sự tri ân của thế hệ hôm nay với tiền nhân, mà còn chứa đựng những giá trị nhân sinh cao cả.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lắng lòng bên mái đền thờ Mai An Tiêm

Đứng vững với thời gian, với đạo lý ăn quả nhớ người trồng cây, đền thờ đức thánh Mai An Tiêm (Nga Sơn) không chỉ là tấm lòng, sự tri ân của thế hệ hôm nay với tiền nhân, mà còn chứa đựng những giá trị nhân sinh cao cả.

Từ huyền tích xưa đến cảnh đẹp nơi trần thế

“Ăn quả nhớ người trồng cây”, mỗi khi cầm miếng dưa hấu ngọt mát trên tay, chúng ta lại nhớ đến người đã có công tìm ra loại dưa đặc biệt này. Theo truyền thuyết để lại thì công lao ấy thuộc về đức thánh Mai An Tiêm. Câu chuyện về sự tích quả dưa đỏ là một cái cớ để người xưa giải thích cho một hiện tượng xảy ra trong đời sống, nhưng hòn đảo được nhắc đến trong câu chuyện cổ tích là có thật, hòn đảo ấy là mảnh đất Nga Sơn ngày hôm nay.

Huyền tích về một thời Mai An Tiêm mở cõi, không chỉ là lời lý giải về nguồn gốc của loài dưa hấu ngọt mát, đó còn là bài ca về ý chí vượt khó vươn lên, về quyết tâm chinh phục khó khăn; là bài ca về chữ hiếu, chữ ân, chữ nghĩa, chữ tình,... những truyền thống tốt đẹp của người dân Việt muôn đời cần gìn giữ và phát huy.

Hiếm có nơi nào có vị thế đẹp như nơi đền thờ Mai An Tiêm tọa lạc. Đền nằm ở thế “Rồng Chầu - Voi Phục”, với hai bên là núi cao, lưng đền tựa vào núi như một chiếc ngai vàng vững chắc.

Đền thờ Mai An Tiêm nhìn từ trên cao.

Người dân địa phương gọi ngọn núi nho nhỏ phía trước ngôi đền là núi Đầu Mong. “Ngọn núi ấy chính là đầu con Rồng thuộc dãy Rồng Chầu, nhưng dân địa phương vẫn hay gọi là Đầu Mong. Bởi ông cha hay kể lại rằng, mỗi khi Mai An Tiêm mong nhớ vua cha, mong nhớ quê hương, nhớ đất liền, thường hay lên ngọn núi này hướng ánh mắt về quê cha đất tổ. Khi thả dưa Hấu đỏ, ngài cũng lên đây thả ra biển để gửi đến quê hương. Nên người dân vẫn gọi ngọn núi đó là núi Đầu Mong. Tức là ngọn núi mong nhớ, mong chờ”.

Xuân vui bên mái đền

Trải qua bao thăng trầm biến thiên của lịch sử, đền đã tự khoác lên mình nét trầm mặc vốn có. Dấu tích thời gian không được ghi lại qua quang cảnh mà đã ngấm vào hương đất, vào tình người, khiến cho mỗi du khách khi đã đặt chân đến nơi đây, đều dễ dàng say trong men tình ở mảnh đất Nga Sơn.

Mỗi năm mỗi khác, đền thờ Mai An Tiêm đang dần có những đổi thay tích cực, để vừa giữ cho mình nét cổ kính truyền thống, vừa hoàn thiện quang cảnh mỗi ngày thêm khang trang. Ngoài ngôi đền chính thờ đức thánh Mai An Tiêm được trùng tu năm 2010 và phủ Mẫu trùng tu năm 2013. Về đền thờ hôm nay, sân đền không còn là bãi cát sỏi cỏ mọc kín chân, thay vào đó là 3 bậc sân gạch rộng rãi và sạch sẽ, khu nhà quản lý được xây mới để đón tiếp du khách mỗi khi ghé chân đến thăm quan. Những đổi thay tích cực này, đem đến cho đền thờ Mai An Tiêm một diện mạo mới, để nơi đây không chỉ là chốn tâm linh mà còn là nơi thăm quan cảnh đẹp lý tưởng của mảnh đất Nga Sơn nói riêng, cũng như mảnh đất Thanh Hóa nói chung.

Xuân về, lòng người hân hoan đón chào năm mới. Hương xuân cũng đang trỗi dậy lan tỏa mạnh mẽ với những ai có dịp ghé chân đến đền thờ Mai An Tiêm bày tỏ lòng thành kính. Chút lất phất mưa bay trong rét ngọt, không những không làm nơi đây lạnh lẽo mà lại khiến cho bất cứ ai đứng ở chốn này thấy ấm cúng vô cùng. Đó chính là hơi ấm của tình đất, tình người lan tỏa sức xuân nồng...!

Ngô Mai Nga


Ngô Mai Nga

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]