(vhds.baothanhhoa.vn) - Có dịp về làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh (Yên Định), du khách không chỉ được khám phá vùng đất có nhiều có nhiều di tích lịch sử như cây đa, đình làng… mà còn được đắm mình trong lễ hội Trò Chiềng với những tích trò độc đáo.

Lễ hội Trò Chiềng làng Trịnh Xá

Có dịp về làng Trịnh Xá, xã Yên Ninh (Yên Định), du khách không chỉ được khám phá vùng đất có nhiều có nhiều di tích lịch sử như cây đa, đình làng… mà còn được đắm mình trong lễ hội Trò Chiềng với những tích trò độc đáo.

Lễ hội Trò Chiềng làng Trịnh Xá

Lễ hội được tổ chức vào ngày 10-12 tháng giêng hàng năm.

Lễ hội là trò diễn mang đậm yếu tố văn hóa cung đình, được dân gian hóa để phản ánh cuộc sống lao động, chiến đấu, mơ ước của Nhân dân, gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm và tên tuổi của Tướng quân Tam công Trịnh Quốc Bảo - người có công lớn trong việc dẹp giặc, gìn giữ non sông, tạo dựng và truyền dạy Trò Chiềng cho người dân xã Yên Ninh.

Lễ hội Trò Chiềng làng Trịnh Xá

Chọi voi là trò diễn độc đáo nhất trong lễ hội.

Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Tam công Trịnh Quốc Bảo, sinh năm 998 tại Bạn Đình Xã. Đến thời Vua Lý Thái Tông, địa danh Bạn Đình Xã được đổi thành làng Trịnh Xá, tên gọi nôm là làng Chiềng. Ông Trịnh Quốc Bảo sau khi giúp nhà Lý đuổi được giặc Tống ở phía Bắc thì theo Vua Lý Thái Tông vào Nam dẹp giặc Chiêm Thành. Ông luôn trăn trở nghĩ kế đánh thắng được đội quân tượng binh thiện chiến của giặc. Một đêm nằm thiếp đi, ông mơ thấy mình đi săn, gặp hai ngọn núi tròn như hai con voi phủ phục nằm giữa cánh đồng, đó là núi Vàng (xã Yên Thịnh) và núi Khoai (xã Yên Hùng). Từ trong hang của hai ngọn núi ló ra hai đầu voi gầm ghè dữ dội... từ đó ông đã nghĩ ra cách đánh giặc là xây dựng một đội tượng binh bằng tre nứa trông như voi thật. Ngoài ra, ở vòi voi còn được trang bị pháo hoa để lúc xung trận, pháo hoa phát hỏa, kèm theo tiếng nổ inh tai như sấm ran, chớp giật, khói bay mù mịt khiến quân giặc hoảng sợ chạy tán loạn.

Sau khi thắng trận, triều Lý đã mở hội ôn lại chiến thắng giặc Chiêm Thành. Trò voi trận của tướng quân Trịnh Quốc Bảo được nhà vua yêu cầu biểu diễn và đã được ban khen. Sau khi mất, Trịnh Quốc Bảo được phong là Phúc thần làng Trịnh Xá. Trải qua nhiều thế hệ Nhân dân làng Trịnh Xá không chỉ tôn vinh ông là Thành Hoàng mà còn là một người con anh hùng, mưu trí chỉ huy một đội quân của làng xông pha nơi chiến trận, đánh thắng giặc cứu nước.

Cũng chính từ cảnh luyện tập đánh giặc đã tạo ra được một hệ thống trò diễn dân gian đặc sắc nổi tiếng khắp một vùng quê, đó là Trò Chiềng.

Lễ hội Trò Chiềng làng Trịnh Xá

Các trò diễn trong lễ hội.

Thuở sơ khai, Trò Chiềng vốn chỉ là trò voi trận (còn gọi là chọi voi) sau đó phát triển thành lễ hội với 12 trò diễn gồm: Trò kén rể, trò chọi rồng, trò chọi voi, trò voi bị, trò tẩu mã...Trong đó, độc đáo nhất là trò chọi voi.

Trong trò chọi voi có voi chầu và voi chọi. Voi chọi được đan bằng tre và mây, do 4 thanh niên lực lưỡng vác 4 chân và 1 lão nông khoẻ mạnh có nhiều kinh nghiệm cầm cần điều khiển đầu voi để chọi. Khi “Thượng soạn” phát lệnh, 2 con voi sẽ xông vào nhau, chọi bằng 2 chiếc ngà.

Lệ xưa quy định voi sẽ chọi trong 2 vòng, mỗi vòng 3 hiệp, con nào bị đẩy lùi thì bị thua. Sau khi trò diễn kết thúc, tất cả voi, ngựa, rồng, được đem hóa yết cáo trời đất, tri ân công đức của cha ông và các bậc tiền nhân.

Lễ hội Trò Chiềng diễn ra từ mùng 10 - 12 tháng giêng, ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức sôi nổi với các phần thi làm bánh nhãn, bánh lá răng bừa...

Lễ hội là hoạt động nhằm giải trí cho Nhân dân sau những ngày mùa vụ vất vả trong năm, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh, cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tốt tươi, thông qua lễ hội cũng là dịp để người dân nơi đây bày tỏ lòng thành kính và biết ơn tới các vị thần linh đã có công trong công cuộc dựng nước và giữ nước.

Lễ hội Trò Chiềng làng Trịnh Xá

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, lễ hội Trò Chiềng đã được lựa chọn tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện lớn cả trong và ngoài tỉnh như: Lễ hội Lam Kinh, Lễ hội 100 năm du lịch Sầm Sơn, Lễ hội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Ngày 20-6-2017, Lễ hội Trò Chiềng đã được Bộ Văn hóa, thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Nguyễn Đạt


Nguyễn Đạt

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]