(vhds.baothanhhoa.vn) - Những tín hiệu tích cực của ngành Du lịch cả nước chỉ mới vừa khởi sắc trở lại đã phải đóng băng do Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng. Kéo theo đó, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch nói chung, lữ hành nói riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá phải chấp nhận thực trạng buồn, khách hàng hoãn, huỷ 100% tour, dịch vụ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lo ngại dịch Covid-19, khách hàng đồng loạt hủy tour

Những tín hiệu tích cực của ngành Du lịch cả nước chỉ mới vừa khởi sắc trở lại đã phải đóng băng do Covid-19 bùng phát tại Đà Nẵng. Kéo theo đó, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch nói chung, lữ hành nói riêng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá phải chấp nhận thực trạng buồn, khách hàng hoãn, huỷ 100% tour, dịch vụ.

“Xin vui lòng bảo lưu, đừng huỷ”

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, qua nắm bắt thông tin của một số đơn vị lữ hành, dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh, không chỉ các tour khai thác khách từ Thanh Hoá đến các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi... mà hầu hết các tour khách đoàn đi đến các địa điểm khác trong cả nước, thậm chí tour nội tỉnh đều bị huỷ trong tuần vừa qua. Trong khi đó, không có khách đăng ký tour mới.

Theo ông Vũ Văn Bình - Giám đốc Công ty TNHH TrustViet (TP Thanh Hoá) cho biết: "Dịch bệnh diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước, nên không chỉ tour đi Đà Nẵng mà đến thời điểm hiện nay đơn vị chúng tôi đã bị dừng toàn bộ 12 tour du lịch đi Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc... thậm chí là các tour phía Bắc đã ký trước đó".

Đằng sau câu chuyện hoàn, huỷ tour lại kéo theo nhiều vấn đề khác gây khó cho cả khách hàng và cả đơn vị lữ hành. Cũng theo đại diện của TrustViet, đến thời điểm hiện nay chỉ những điểm du lịch công bố là vùng dịch mới được hỗ trợ trong việc hoàn, huỷ dịch vụ. Các điểm du lịch phía Bắc hầu như chưa có chính sách hỗ trợ huỷ tour do dịch bệnh, đặc biệt là một số dịch vụ đã đặt trước tại Hạ Long. Điều này gây khó khăn không hề nhỏ cho lữ hành, trước mắt là giảm uy tín đối với khách hàng. Bởi một số khách hàng cho rằng đơn vị lữ hành gây khó dễ trong việc huỷ dịch vụ. Trong khi đó, hiện nay không chỉ khách hàng hủy tour miền Trung, mà tất cả các tour trong cả nước đều bị hủy. Để tạo điều kiện cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, nhiều đơn vị tha thiết đề nghị khách hàng “Xin vui lòng bảo lưu, đừng hủy”.

Khó khăn nhất vẫn là những tour liên quan đến đường bay, các thủ tục hoàn, huỷ, bảo lưu mất rất nhiều thời gian và các thủ tục liên quan, thậm chí không thể thực hiện được đối với hạng vé khuyến mại, vé giá rẻ. Trong khi đó, đợt kích cầu du lịch vừa qua, hàng loạt chuyến bay chỉ với mức giá 99 nghìn đồng (chưa bao gồm thuế, phí). Ghi nhận tại một đơn vị lữ hành trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cho hay, đơn vị này thực hiện hợp đồng tham quan du lịch với một đơn vị giáo dục trên địa bàn, tham quan tại Phú Quốc, đoàn lên tới 80 người, mọi dịch vụ đã sẵn sàng. Tuy nhiên trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 29/7 (cách 1 ngày trước khi khởi hành), Sở GD&ĐT có văn bản yêu cầu giáo viên học sinh tạm dừng mọi hoạt động du lịch trong dịp hè. Theo đó, chuyến du lịch đành hủy bỏ. Trong khi mọi dịch vụ từ xe trung chuyển, ăn uống, lưu trú... phía đơn vị lữ hành đều đàm phán và trả lại tiền cọc cho khách, riêng tiền vé máy bay lên tới trên 240 triệu đồng không thể thực hiện việc hoàn vé. Mặc dù phía đơn vị lữ hành đã cố gắng đàm phán với hãng hàng không, nhưng việc hoãn hoặc hoàn vé cho đoàn khó được chấp nhận.

Thực tế, hiện nay các đơn vị lữ hành đang phải gồng mình xử lý các vấn đề hủy, đổi tour cho khách. Phần lớn khách hàng muốn lấy lại tiền đặt cọc, hoặc tiền đóng trọn gói tour, thế nhưng không phải đơn vị lữ hành nào cũng có thể đáp ứng. Khó khăn lớn cho các doanh nghiệp lữ hành là đã ký kết hợp đồng dịch vụ, hoặc đã chuyển tiền trước với các hãng hàng không, đơn vị vận chuyển và các khách sạn, nhà hàng tại nhiều điểm đến.

Hệ thống Khách sạn Trống Đồng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng hoãn, huỷ dịch vụ.

Xây dựng hình ảnh du lịch xứ Thanh văn minh trong gian khó

Có thể nói, việc hủy tour chắc chắn sẽ kéo theo tác động xấu đến nhiều dịch vụ khác, trong đó có dịch vụ lưu trú. Không chỉ riêng Đà Nẵng hay các tỉnh miền Trung, mà Thanh Hoá hiện nay cũng không phải ngoại lệ. Lo ngại dịch bệnh diễn biến phức tạp, tại khu du lịch biển trọng điểm của tỉnh, nhiều cơ sở lưu trú đã buộc tạm dừng hoạt động do việc 100% khách đoàn hủy dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Xuân - Quản lý hệ thống khách sạn, villa Trống Đồng cho biết: “Đơn vị hiện có 3 cơ sở lưu trú, trong đó Khách sạn Trống Đồng tại TP Sầm Sơn là trọng điểm với hơn 100 phòng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, kể từ ngày 28 - 30/7 đã có tới 213 đoàn khách thông báo hoàn, hủy dịch vụ lưu trú, ăn uống. Trong đó việc hủy dịch vụ chiếm tới 70%, số còn lại khách hàng lựa chọn dời dịch sang thời điểm khác. Chủ yếu khách hàng đến từ các tỉnh phía Bắc, trọng tâm là khách Hà Nội. Nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị lữ hành, đặc biệt là giữ uy tín của khách sạn, xây dựng hình ảnh du lịch xứ Thanh văn minh, chúng tôi sẵn sàng chi trả 100% chi phí đặt cọc cho khách hàng, đối tác hủy dịch vụ. Dự kiến đến 15/8 chúng tôi sẽ cơ bản thực hiện xong việc chi trả lại tiền do khách hủy dịch vụ”.

Có thể nói, việc sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng khi hủy dịch vụ không phải do doanh nghiệp có tiềm lực lớn, mà doanh nghiệp xác định xây dựng thương hiệu, uy tín đối với khách hàng. Được biết, tại một số cơ sở lưu trú trong cả nước hiện đang áp dụng chính sách đổi, trả phòng sẽ phải chi trả 20% tiền phòng kèm phụ thu. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở lưu trú ở Thanh Hóa đã sớm thông báo khẩn đến khách hàng có nhu cầu bảo lưu, hủy dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách dời lịch “không xác định thời hạn” hoặc hoàn 100% tiền cọc. Đến nay, do khách đoàn huỷ dịch vụ, không chỉ Khách sạn Trống Đồng mà tại TP Sầm Sơn nhiều cơ sở lưu trú đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động đến khi dịch bệnh được kiểm soát. Khó khăn chồng chất khó khăn, song doanh nghiệp dịch vụ du lịch tại Thanh Hoá xác định mục tiêu chống dịch, đảm bảo an toàn cho du khách, góp phần gìn giữ hình ảnh du lịch xứ Thanh cần đặt lên hàng đầu.

Theo đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa, để “chia lửa” khó khăn trong tình hình hiện nay cần có sự vào cuộc của cả 3 bên gồm: lữ hành, hàng không và hệ thống cung cấp dịch vụ (lưu trú, điểm đến). Cụ thể, các hãng hàng không cần có chính sách cụ thể, tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục trong việc hoàn, hoãn chuyến đối với khách đoàn. Các cơ sở lưu trú và điểm đến cũng nên mở rộng thời hạn đón khách, trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh, nên tạo điều kiện cho khách hàng dời lịch không xác định thời hạn, để những khách hàng không thực hiện được chuyến du lịch thời gian này có thể sử dụng dịch vụ của mình vào thời điểm khác, khi dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]