(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến cái tên làng bích hoạ, có lẽ du khách sẽ ấn tượng với cái tên làng bích hoạ Tam Thanh (ngôi làng bích hoạ đầu tiên ở Việt Nam) của tỉnh Quảng Nam. Ngày nay, đến với xứ Thanh du khách đã có thể chiêm ngưỡng sản phẩm tương tự tại làng bích hoạ Trường Lệ (TP Sầm Sơn). Đây là một trong điểm tham quan mới, là sản phẩm du lịch độc đáo ngay tại thành phố biển xinh đẹp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mang "biển" lên bờ

Nhắc đến cái tên làng bích hoạ, có lẽ du khách sẽ ấn tượng với cái tên làng bích hoạ Tam Thanh (ngôi làng bích hoạ đầu tiên ở Việt Nam) của tỉnh Quảng Nam. Ngày nay, đến với xứ Thanh du khách đã có thể chiêm ngưỡng sản phẩm tương tự tại làng bích hoạ Trường Lệ (TP Sầm Sơn). Đây là một trong điểm tham quan mới, là sản phẩm du lịch độc đáo ngay tại thành phố biển xinh đẹp.

Sản phẩm du lịch mới, độc đáo

Cái tên núi Trường Lệ, từ bao đời nay, vẫn gợi thương gợi nhớ về một vùng đất biển ngàn năm sóng vỗ ru những huyền thoại gắn liền sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của cư dân ven biển xứ Thanh. Với những giá trị văn hóa, lịch sử, du lịch tiêu biểu đó, thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 15/1/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa, Trường Lệ đã vinh dự được dùng để đặt tên cho làng bích họa đang từng bước được xây dựng, hoàn thiện ngay dưới chân dãy núi này, hứa hẹn tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách tới tham quan, nghỉ dưỡng tại TP biển Sầm Sơn.

Làng bích họa Trường Lệ được kế thừa những thành công trong việc hình thành và khai thác điểm đến làng bích hoạ của tỉnh Quảng Nam cũng như một số địa phương khác trong cả nước, nhằm làm mới không gian của một trung tâm du lịch biển, đồng thời quảng bá các giá trị văn hoá, giới thiệu những hình ảnh đẹp về thiên nhiên, cuộc sống, con người miền biển xứ Thanh. Qua đó, tạo ra sản phẩm du lịch mới, độc đáo, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch Sầm Sơn, tăng khả năng kết nối các điểm du lịch trên địa bàn thành phố. Làng bích hoạ Trường Lệ tại Sầm Sơn được thực hiện với tổng chiều dài khoảng 700m (từ bến xe điểm du lịch hòn Trống Mái - Cô Tiên, qua làng Trung Mới đến ngã ba giao với đường Tô Hiến Thành), với tổng diện tích thể hiện bích họa dự kiến hơn 1.800m2.

Như chính tên gọi của điểm đến, ý tưởng nghệ thuật của “Làng bích họa Trường Lệ” hướng đến khai thác và làm nổi bật vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và cuộc sống sinh hoạt của cư dân miền biển Thanh Hóa nói chung, Sầm Sơn nói riêng. Các tác phẩm bích hoạ ở đây được nhóm hoạ sĩ tỉnh Thanh Hoá và Trường Đại học Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa thực hiện qua nhiều hình thức như: tranh hội họa hiện thực và tranh hiện thực 3D, tranh trang trí, tranh Graffiti (nghệ thuật đường phố), nghệ thuật sắp đặt kết hợp tranh trang trí và tranh Graffiti. Qua khảo sát thực tế, nhóm họa sĩ đã cùng nhau thảo luận, thống nhất đưa ra các nhóm chủ đề vẽ bích họa phù hợp như: Sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân miền biển; thuyền và biển Sầm Sơn; đời sống cư dân miền biển; những nét đẹp thiên nhiên vùng biển... Đối với cụm nghệ thuật sắp đặt, các họa sĩ sử dụng các vật dụng đồ nghề quen thuộc, gần gũi của ngư dân Sầm Sơn, dụng công đưa một số ngư cụ tiêu biểu, gắn bó với đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất vào tác phẩm nhằm mô phỏng lại vẻ đẹp, nhịp sống của cư dân miền đất biển Sầm Sơn. Tất cả được thực hiện trên 15 bức tường xây mới, một nhà vọng cảnh, một cụm tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được bố trí dọc theo phía Bắc kênh chiến lược Trung Mới và trên diện tích tường nhà dân dọc theo phía Nam kênh chiến lược. Sau một thời gian triển khai, thực hiện các bức tranh bích hoạ đầu tiên, với những nét vẽ tài hoa, tỉ mỉ, đầy sức sáng tạo; màu sắc tươi sáng, hài hòa; nội dung phong phú, sinh động, gần gũi với đời sống; các bức bích họa đã thu hút được sự quan tâm, chú ý, đồng tình ủng hộ, tán thưởng của đông đảo quần chúng nhân dân.

Làng bích hoạ Trường Lệ - Điểm nhấn mới của du lịch xứ Thanh.

Cần có sự chung tay bảo vệ điểm đến của cộng đồng

Trở lại với câu chuyện về làng bích hoạ đầu tiên ở Việt Nam - làng bích hoạ Tam Thanh (xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), ngay sau khi ra đời vào giữa năm 2016 đã nhanh chóng trở thành điểm đến nổi bật mới dọc biển miền Trung trong năm đầu khai trương. Với cú “hích” từ làng chài Tam Thanh nhỏ bé, cho đến nay, mô hình làng bích họa đã lan sang nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực mang lại cho hoạt động du lịch, chỉ một năm sau, tại làng bích hoạ đầu tiên của cả nước, không ít bức bích họa “tiên phong” đã bị phá, phần vì do ảnh hưởng của thiên nhiên, phần do người dân xây nhà mới.

Có thể nói, nếu chỉ là những sự chung tay của một cộng đồng nhỏ, cùng làm, cùng hưởng, như cách làm các đoạn tường trang trí tại một số khu phố của thị trấn Rừng Thông (huyện Đông Sơn) hay một vài làng quê khác trên địa bàn tỉnh, câu chuyện bích họa hẳn chỉ dừng lại là những thú vui hay nhu cầu tự thân của từng nhóm cộng đồng nhỏ lẻ. Nhưng khi gây dựng một “làng bích họa” với mục tiêu lớn hơn, giúp đưa một nơi chốn quen cũ, bình thường thành một địa chỉ du lịch mới, hấp dẫn, thúc đẩy phát triển kinh tế, thì không chỉ là sự vào cuộc của các cấp quản lý, của chính quyền địa phương mà quan trọng hơn hết đó là sự chung tay bảo vệ tài sản điểm đến của cả cộng đồng.

Hiển nhiên, không một phong trào hay sự phát triển nào có thể bền vững nếu chỉ là bắt chước, tự phát mà không được bắt đầu từ nhu cầu thực của cộng đồng cư dân, cộng đồng xã hội. Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của làng bích họa Trường Lệ đối với việc phát triển du lịch của TP Sầm Sơn nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung. Với tư cách là đơn vị phối hợp thực hiện, đồng thời cũng chính là địa phương được thụ hưởng, TP Sầm Sơn đã tích cực, năng động trong quá trình lấy ý kiến người dân tại nơi triển khai thực hiện làng bích họa, tổ chức họp dân cư thực hiện cam kết bảo vệ công trình bích họa. Song song với đó, thành phố đã cho chuẩn bị tốt nhất các điều kiện cơ sở hạ tầng như: Sửa chữa, cải tạo kênh mương chiến lược với tổng chiều dài 1,8km; xây dựng tuyến đường dọc bờ kênh, khuôn viên cây xanh, hệ thống điện chiếu sáng, điện trang trí, các bức tường phục vụ vẽ bích họa và hệ thống thoát nước của khu dân cư... Đảm bảo điểm đến không chỉ là điểm đến mới, hấp dẫn mà còn thân thiện, sạch, đẹp.

Có thể nói, đến thời điểm hiện nay, làng bích hoạ Trường Lệ đã bắt đầu được hình thành một cách rõ nét. Thông qua ngôn ngữ hội họa, bằng màu sắc, cảm quan và tài năng của người nghệ sĩ, các bức họa mang tính nghệ thuật, nhưng cũng vừa dễ hiểu, tươi sáng và đẹp mắt đã lần lượt ra đời. Quan trọng hơn cả đó là sự hài hòa giữa giá trị nghệ thuật, với việc bảo vệ cảnh quan môi trường tự nhiên và không gian văn hóa của toàn bộ khu vực di tích và danh thắng Sầm Sơn. Hy vọng, làng bích họa Trường Lệ sẽ là điểm chấm phá, hình thành và tạo nên không gian mới cho cộng đồng tại điểm du lịch, thu hút khách du lịch đến tham quan, check-in, đặc biệt là du khách trẻ, tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư hưởng lợi từ du lịch, góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch cho TP biển Sầm Sơn và cả du lịch xứ Thanh.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]