(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau một thời gian xây dựng, mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch đã cho hiệu quả thực sự. Nhiều trang trại đã thu hút được khá đông khách du lịch, đặc biệt là lượng khách đến từ khối trường học như: Nông trại nông nghiệp Queen farm (Quảng Xương), Nông trại sinh thái Linh Kì Mộc (TP Thanh Hóa), Nông trại Golden Cow (Thường Xuân)...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một hướng đi đúng

Sau một thời gian xây dựng, mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp với du lịch đã cho hiệu quả thực sự. Nhiều trang trại đã thu hút được khá đông khách du lịch, đặc biệt là lượng khách đến từ khối trường học như: Nông trại nông nghiệp Queen farm (Quảng Xương), Nông trại sinh thái Linh Kì Mộc (TP Thanh Hóa), Nông trại Golden Cow (Thường Xuân)...

Nông trại Golden Cow (Thường Xuân) thu hút đông đảo du khách.

Mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch phát triển sớm ở một số tỉnh, thành trong cả nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Long, Cần Thơ... Tại Thanh Hóa, mô hình này mới được thực hiện từ năm 2017, đến nay đã có khoảng 10 mô hình đang hoạt động.

Nắm bắt tình hình thực tế và nhu cầu của khách du lịch, TP Thanh Hóa là một trong những đơn vị đầu tiên của tỉnh xây dựng đề án phát triển loại hình du lịch trải nghiệm đồng quê. Với tiềm năng tương đối lớn, có tổng diện tích tự nhiên gần 150 km2, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp chiếm 90%. Hiện nay vùng nông thôn ven thành phố còn lưu giữ nhiều phong cảnh đẹp, hoang sơ, địa hình đa dạng với đồi núi, hang động, thực vật phong phú, có những ngôi nhà cổ hơn 300 năm, những cánh đồng bát ngát phì nhiêu, những nét văn hóa truyền thống đặc sắc... là những điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển du lịch trải nghiệm đồng quê.

Theo đó, sau một thời gian triển khai thực hiện đề án, hiện nay điểm nhấn của loại hình du lịch này tại TP Thanh Hóa đó là trang trại sinh thái Linh Kỳ Mộc (Quảng Thịnh). Đến đây du khách không chỉ được tham quan khu bảo tàng đồ đồng Đông Sơn, gốm Tam Thọ, thăm khu vườn kỳ quái, cây cổ thụ 1.500 năm tuổi,... mà còn được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, như bắt cá đồng quê, cưỡi trâu, trồng rau củ quả, nặn gốm... Sau đó cùng nhau thưởng thức những món ăn mang đậm dư vị miền quê. Đối tượng hướng đến của loại hình du lịch này không chỉ là khách quốc tế mà còn hướng đến khách du lịch trong và ngoài tỉnh, học sinh, sinh viên.

Đối với khối trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn TP Thanh Hóa, có lẽ cái tên Queen Farm không còn xa lạ. Còn những người làm ở Nông trại Queen Farm (xã Quảng Tân, huyện Quảng Xương) thì việc hàng tuần được tiếp đoàn khách du lịch đến tham quan trải nghiệm tại nông trại là điều không còn mới mẻ. Nông trại Queen Farm bắt đầu đi vào sản xuất ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mới chỉ gần 2 năm nay, nhưng hiện đã trở thành địa chỉ hấp dẫn cho du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, học hỏi mô hình. Ước tính trong năm 2019, nông trại đón được khoảng 10.000 lượt khách.

Ông Trần Văn Tân - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng Phong Cách Mới (chủ trang trại Queen Farm), cho biết: "Ban đầu ý tưởng để xây dựng mô hình đó là chúng tôi muốn được mọi người hiểu làm nông nghiệp công nghệ cao là như thế nào, sau đó thì mọi người truyền tai nhau đến tham quan. Trong đó tập trung là dòng khách đến từ các hội nông dân, khách lẻ làm nông trại, khối trường học. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ xây dựng Queen Farm trở thành điểm đến hấp dẫn, với nhiều trải nghiệm mới, đầu tư xây dựng mô hình phù hợp hơn với hoạt động du lịch kết hợp nông nghiệp, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh".

Cùng với Queen Farm, mô hình trang trại nông nghiệp du lịch T.Farm của anh Lê Xuân Tưởng (xã Đông Thịnh, huyện Đông Sơn) mặc dù đi vào hoạt động chưa lâu, song đến nay cũng đã thu hút rất đông khách đến tham quan, trải nghiệm. Với tổng diện tích hơn 20 ha, từ những thửa ruộng trồng lúa năng suất thấp, anh Tưởng đã xây dựng hệ thống kênh mương hơn 3 km bao quanh khu vực trang trại, gần 1 ha nhà lưới trồng dưa công nghệ cao, cùng với đó là các phân khu nuôi ngựa bạch, đà điểu, chim công và nhiều con nuôi đặc sản, kết hợp khu với vui chơi giải trí ngoài trời, hệ thống khuôn viên cây xanh, tạo nên một cảnh quan môi trường du lịch thân thiện, hấp dẫn...

Ngược lên vùng miền Tây xứ Thanh, phải kể đến cái tên Nông trại Golden Cow (xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân), được đầu tư trên diện tích gần 20 ha. Khu trang trại đến nay đã được xây dựng thành những khu vườn trồng các loại rau, hoa, khu nhà chòi, nhà sàn lưu trú, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, khu vườn thú. Điều đặc biệt ở đây là không khí mát mẻ, trong lành, du khách có thể tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm như: Trèo đồi, leo núi, thưởng thức ẩm thực từ nông trại... Mặc dù mới được xây dựng khoảng 1/2 diện tích nhưng mỗi tuần Golden Cow đều đón hàng nghìn khách đến tham quan, trải nghiệm.

Có thể nói các mô hình này ra đời không chỉ dừng lại ở hoạt động sản xuất mà quan trọng hơn là giá trị giáo dục, đóng góp cho sự phát triển đa dạng hóa sản phẩm du lịch, cải thiện yếu tố mùa vụ. Và đó là một hướng đi đúng, thiết thực đối với nhiều trang trại nông nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động và khả năng khai thác du lịch ở một số trang trại nông nghiệp kết hợp du lịch trên địa bàn tỉnh còn khá đơn điệu. Cụ thể là chưa có dịch vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để du khách có thể giao lưu, tìm hiểu, chưa có các sản phẩm du lịch cộng đồng và các dịch vụ bổ trợ... Ngoài ra, ở một số địa phương chưa chuẩn bị tốt để huy động sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương để sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng và phát triển loại hình du lịch này.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]