(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 130 km, Pù Luông hiện ra với tất cả vẻ đẹp của sự hoang sơ, tươi mát và xanh trong như một tuyệt tác của thiên nhiên. Nơi ấy, dưới những đỉnh núi chạm mây trời, cây rừng thì thầm với đại ngàn là thung lũng trù phú với dải ruộng bậc thang uốn lượn như sắc màu hoa văn trên chiếc khăn dệt thổ cẩm của người phụ nữ bản địa. Mái nhà sàn vững chãi lấp ló trong cảnh sắc thiên nhiên và những con người lao động cần mẫn, lạc quan, yêu đời. Ai đó vẫn ví Pù Luông là Sa Pa của xứ Thanh. Có lẽ là đúng. Nhưng dường như vẫn là chưa đủ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Một lần lên Pù Luông

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 130 km, Pù Luông hiện ra với tất cả vẻ đẹp của sự hoang sơ, tươi mát và xanh trong như một tuyệt tác của thiên nhiên. Nơi ấy, dưới những đỉnh núi chạm mây trời, cây rừng thì thầm với đại ngàn là thung lũng trù phú với dải ruộng bậc thang uốn lượn như sắc màu hoa văn trên chiếc khăn dệt thổ cẩm của người phụ nữ bản địa. Mái nhà sàn vững chãi lấp ló trong cảnh sắc thiên nhiên và những con người lao động cần mẫn, lạc quan, yêu đời. Ai đó vẫn ví Pù Luông là Sa Pa của xứ Thanh. Có lẽ là đúng. Nhưng dường như vẫn là chưa đủ.

“Pù Luông mùa này đẹp nhất”! Chỉ một câu khẳng định ngắn gọn ấy mà có sức chào mời mãnh liệt đám người trẻ chúng tôi xách ba lô lên đường, tạm xa rời ồn ào phố thị, trở về với yên ả đời thường, khát khao được sống, được nhìn lại mình sau những bon chen mưu sinh, mà nếu cứ ung dung “giam mình” trong không gian đô thị rực rỡ ánh đèn xanh, đỏ, những cao ốc chọc trời ta chẳng dễ mà nhận ra.

Đường lên Pù Luông không quá xa và đã được rải nhựa sạch sẽ, thuận tiện. Có chăng thử thách người cầm lái là những cung đường quanh co, uốn lượn với dốc núi lúc thoai thoải, khi lại dựng đứng. Những dãy núi hai bên đường dựng đứng, tĩnh mịch. Giữa tĩnh lặng thinh không, cây rừng chẳng động lá vậy nhưng bên tai vẫn nghe đâu đấy tiếng gió thổi bởi áp suất độ cao, ấy là khi Pù Luông đang ở rất gần. Dường như bàn tay tạo hóa từ thuở sơ khai đã ưu ái cho nơi này thật nhiều. Giữa bao la, cao vút của núi rừng là thung lũng Pù Luông thoai thoải, yên bình hiện ra trước mắt. Tháng 10 dương lịch, cuối thu, cái hanh hao của đất trời với những vạt nắng vàng rụm nhẹ nhàng đã bao trùm lên tất cả vạn vật, con người.

Pù Luông mênh mông giữa đại ngàn.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông vô cùng rộng lớn, ngày nghỉ cuối tuần không cho phép kẻ viễn khách tham lam. Bởi vậy, Bản Đôn xã Thành Lâm (Bá Thước) - một địa điểm thuộc Khu du lịch cộng đồng Pù Luông đã được mọi người trong đoàn chọn làm nơi dừng chân nghỉ ngơi, tham quan và trải nghiệm. Bản Đôn là nơi sinh sống của 100% đồng bào dân tộc Thái đen với những phong tục, tập quán văn hóa vẫn được giữ gìn qua thời gian. Cô gái Thái tên Hà Thị Tương - chủ Pù Luông Homestay Hoanh Thắng tươi cười đón chúng tôi trong trang phục truyền thống vô cùng dễ thương.

Cung đường dài quanh co, mệt nhoài và cả sự háo hức dường như đã vắt hết năng lượng của những người vốn chỉ quen với bình lưu đồng bằng. Một bữa trưa đơn giản mà thịnh soạn đã được vợ chồng chủ nhà nghỉ Homestay Hoanh Thắng dọn ra mời khách. Khác xa những món chiên, rán bài trí cầu kỳ, bắt mắt ở các nhà hàng thường thấy, mâm cơm đầu tiên ăn cùng đồng bào của chúng tôi có măng rừng, cải đắng và đương nhiên không thể thiếu vịt luộc Cổ Lũng (đặc sản nổi tiếng của Bá Thước) chấm cùng hạt mắc khẽn, còn có cơm nếp nương gói trong lá dong rừng xanh mướt...được bày biện giản tiện. Tất cả đều được gia đình nhà chủ tự trồng, tự nuôi. Bên mâm cơm trên gác nhà sàn, dù chỉ mới lần đầu gặp mặt nhưng đối đãi với khách bằng tất cả sự chân tình, cởi mở của đôi vợ chồng chủ nhà khiến mọi khoảng cách như bị xóa nhòa, những mệt mỏi cũng theo đó mà tan biến.

Chiều Pù Luông rộn rã với tiếng í ới gọi nhau bằng thổ ngữ địa phương, những bà, chị, mẹ đang nối chân nhau đeo gùi vào đồng. Nương theo bước chân người dân bản theo lối nhỏ lên xuống ngoằn ngoèo, tôi dần hiểu vì sao nói Pù Luông mùa này đẹp nhất. Những thửa ruộng lúa bậc thang đồng loạt vào mùa thu hoạch vàng hơn bởi sắc nắng mùa thu. Đứng từ xa nhìn xuống, tôi không biết mình nên gọi tên bức tranh trước mặt là gì nữa, bởi nó đẹp đẽ làm tôi choáng ngợp. Khác với những cánh đồng thẳng cánh cò bay dưới xuôi, ruộng bậc thang uốn lượn như áng mây xếp hình, hay chiếc khăn thổ cẩm một màu... Hương lúa nếp cái hoa vàng thơm lừng quện trong hương rừng tạo nên mùi hương thật đặc biệt, chưa từng bắt gặp ở bất kỳ mùi nước hoa nào... Điểm xuyết trong bức tranh thiên nhiên ấy là hình dáng cần lao của những người dân bản địa với niềm vui rạng ngời trên gương mặt sau những vất vả chăm chút cũng đã đến ngày thu hoạch.

Tôi vẫn thấy mình như loay hoay, bất lực trong việc gọi tên cảnh đẹp thiên nhiên vừa có hương, thắm sắc trước mắt của một mùa vàng ở Pù Luông. Chợt nhận ra, con người sau bao lăn lộn mệt nhoài với cuộc sống mưu sinh ngoài kia với hy vọng kiếm tìm cho mình những giá trị tưởng chừng to lớn, mong mỏi thành công...rốt cuộc, khi quay về với thiên nhiên cũng sẽ nhận ra mình đã bỏ qua, đánh mất quá nhiều. Những sai lầm có thể sửa chữa nhưng còn tuổi trẻ, thanh xuân...ai sẽ giúp bạn quay trở lại khi đời người chỉ sống một lần, thời gian chỉ có một chiều.

Người dân bản Đôn mỗi năm trồng hai vụ lúa. Trong đó, vụ 5 chủ yếu trồng lúa tẻ và vụ 10 là nếp cái hoa vàng, một sản vật địa phương với đặc tính dẻo, dai, thơm lừng đặc trưng. Và vụ mùa này, gia đình Hà Thị Tương - Hà Văn Hoanh dự kiến với 5 sào lúa nếp cái hoa vàng thu hoạch về sẽ đủ để phục vụ nhu cầu gia đình và du khách nghỉ lại trong một khoảng thời gian dài đến sang năm.

Rất nhiều du khách trong và ngoài nước về Pù Luông tham quan, trải nghiệm.

Chiều thu Pù Luông đổ xuống theo những vạt nắng tắt dần sau triền núi đá. Cảnh vật lại trở về với tĩnh lặng bên nếp nhà sàn, kéo theo những câu chuyện dài tưởng chừng bất tận về đời sống, văn hóa. Với độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, đêm ở Pù Luông cảm giác se sắt, lạnh hơn. Cái lạnh đặc trưng của vùng núi cao, thấm vào cơ thể. Bởi vậy, nhấp mềm môi chút rượu men lá do đồng bào tự ủ có cảm giác cơ thể đang dần ấm lên. Hình như không chỉ chàng trai, cô gái Thái uống rượu men lá cũng rất khá. Du lịch cộng đồng đang nâng cao rõ rệt đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây. Cùng với gia đình Hà Văn Hoanh - Hà Thị Tương, bản Đôn đã khấm khá hơn với 14/75 hộ gia đình tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng. Vốn dĩ ban đầu chủ yếu phục vụ khách nước ngoài tham quan, nhưng đến nay lượng du khách trở về với Pù Luông thực sự rất đa dạng với nhu cầu ăn, nghỉ, tham quan, trải nghiệm đời sống đồng bào nơi đây.

Tỉnh dậy bởi hương khói bếp sớm mai, lần tìm chiếc áo khoác mỏng mặc lên người, theo nhịp cầu thang xuống dưới nhà, tìm ra khu bếp nơi có mùi khói thơm nồng. Như bao cô gái Thái khác, sáng nào Hà Thị Tương cũng dậy thật sớm, nhóm lửa, nấu nước đổ đầy phích và chuẩn bị bữa sáng cho gia đình cùng khách du lịch, với cô đấy là thói quen cũng là niềm vui. Xoa đôi bàn tay trên bếp lửa, tôi ngước mắt nhìn theo những giọt rơi xuống. Thì ra, đó chính là mỡ từ món thịt xông gác bếp truyền thống của người Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc nói chung. Thịt (lợn, chim...) sau khi sơ chế cẩn thận sẽ được treo lên bếp, để hơi nóng từ lửa và khói bếp củi bốc lên làm cho mỡ chảy ra tự nhiên, đượm mùi. Thịt xông gác bếp có thể sử dụng sau vài ngày và cũng có thể để được cả tháng. Đây được xem là “đặc sản” hấp dẫn rất nhiều du khách, đặc biệt là đấng mày râu khi về với Pù Luông.

Giữa cảnh sắc thiên nhiên là vẻ đẹp của người dân hăng say lao động làm nên những mùa vàng Pù Luông.

Không có tiếng rao hàng, tiếng xe cộ, loa phát thanh, bình minh ở Pù Luông là tiếng nước chảy róc rách từ các mó nước quanh nhà, tiếng chim hót véo von và cả hơi sương bốc lên từ những đỉnh núi cao phía xa xa. Tại sao lại là Pù Luông chứ không phải một tên gọi nào khác? Pù Luông là tiếng Thái, có nghĩa là núi có trồng nhiều luồng. Trên đỉnh Pù Luông cao nhất có đặc sản măng đắng mọc rất nhiều, đặc biệt vào tháng 2 âm lịch là lúc người dân đi hái măng đắng nhiều nhất. Như bao sản vật khác từ núi rừng, măng đắng có thể chế biến nhiều món ăn từ đơn giản đến cầu kì. Dẫu vậy, món măng luộc chấm mắm ớt cay vẫn là ẩm thực được người dân bản địa lựa chọn mời khách phương xa.

Khác với những dự định về việc ghi chép cẩn thận, tỉ mẩn như mọi chuyến đi. Cảm xúc về Pù Luông được viết lại bằng tất cả sự nhớ trong tâm trí với trọn vẹn một ngày đêm cùng ăn, nghỉ, sống với bà con nơi đây. Chia tay Pù Luông, tôi nhớ về cánh đồng với những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, những con người đôn hậu, chất phác và hi vọng bạn sẽ không hiểu lầm khi tôi nói mình nhớ đến cả chú chó trông nhà... Tất cả đều rất thân thiện, đầy cảm xúc. Nếu không tin, bạn có thể xách ba lô lên đi ngay và luôn, Pù Luông mùa này thực sự rất đẹp.

Thu Trang


Thu Trang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]