(vhds.baothanhhoa.vn) - Không chỉ lượng khách du lịch giảm trong thời điểm có dịch mà ngay cả khi dịch kết thúc thì du lịch cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn. Do đó, làm thế nào để vừa phòng, chống, hạn chế tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với du lịch Thanh Hoá trong thời điểm hiện nay, vừa tập trung khôi phục phát triển du lịch ngay khi dịch qua đi thì cần phải tính ngay từ bây giờ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mùa dịch Covid-19: Cái khó có ló cái khôn?

Không chỉ lượng khách du lịch giảm trong thời điểm có dịch mà ngay cả khi dịch kết thúc thì du lịch cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng và gặp nhiều khó khăn. Do đó, làm thế nào để vừa phòng, chống, hạn chế tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đối với du lịch Thanh Hoá trong thời điểm hiện nay, vừa tập trung khôi phục phát triển du lịch ngay khi dịch qua đi thì cần phải tính ngay từ bây giờ.

Các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đảm bảo là điểm đến xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Tác động mạnh từ “bão” Covid -19

Theo Sở VH,TT&DL Thanh Hoá, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến ngành Du lịch cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng. Trong đó hoạt động dịch vụ nhà hàng, khách sạn, vận tải du lịch, các công ty lữ hành...bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lượng khách đến tham quan các khu, điểm du lịch trong những tháng đầu năm đều giảm mạnh. Cùng với đó, nhiều cuộc họp, hội nghị trong chương trình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, tổng kết, khen thưởng) tại các khách sạn lớn cũng đã bị hoãn hoặc hủy bỏ. Theo con số thống kê, công suất sử dụng buồng phòng của các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh chỉ đạt dưới 25%. Tình trạng khách hủy tour, hủy dịch vụ đã đặt tại các công ty lữ hành trong tỉnh lên đến 95%.

Dịch bệnh Covid-19 cũng đã làm cho các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch tại các khu, điểm du lịch ở Thanh Hóa bị dừng hoặc hạn chế quy mô tổ chức. Trong số này phải kể đến 9 lễ hội lớn quy mô cấp huyện và tỉnh bị dừng, gồm: Lễ hội Bà Triệu, lễ hội Cầu Ngư, lễ hội Đền Đức Thánh Cả (Hậu Lộc); lễ hội đền Nưa Am Tiên (Triệu Sơn); lễ hội Mường Khô (Bá Thước); lễ hội Quang Trung, lễ hội Đào Duy Từ (Tĩnh Gia); lễ hội Khai ấn đền Trần (Hà Trung); lễ hội Trung Túc Vương Lê Lai (Ngọc Lặc). Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới lượng khách du lịch tham quan và tâm linh đầu năm.

Cũng theo thống kê của Sở VH,TT&DL, trong tháng 2 - tháng cao điểm bùng phát dịch bệnh, lượng khách du lịch giảm hẳn. Tổng lượt khách ước đạt 399.500 lượt, giảm 50,7% so với cùng kỳ năm 2019, tổng thu du lịch ước đạt 287 tỷ đồng, giảm 36,1% so với cùng kỳ 2019.

Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 và kết quả hoạt động du lịch trong 2 tháng đầu năm 2020 đã ảnh hưởng không nhỏ đến các chỉ tiêu kế hoạch du lịch đề ra trong năm 2020. Dự báo các chỉ tiêu của du lịch năm 2020 (lượt khách, ngày khách và tổng thu du lịch) có thể giảm khoảng 15% so với năm 2019.

Trao đổi tại Hội nghị Bàn giải pháp khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 đối với du lịch Thanh Hoá, do Sở VH,TT&DL phối hợp với HHDL tỉnh tổ chức, đại diện các đơn vị lữ hành đều cho biết chương trình huỷ tour lên tới 95%, thậm chí có đơn vị huỷ toàn bộ tour. Thực tế cho đến nay vẫn chưa ký kết được chương trình nào. Khốn khó hơn, khi không ít khách hàng đòi tiền cọc, nhưng tiền đó công ty cũng đã chuyển cho đối tác để giữ chỗ, giữ giá dịch vụ trước đó, mà đối tác lại không đồng ý hoàn phí đặt trước.

Ông Nguyễn Viết Kiên - Giám đốc Công ty Du lịch Rồng An Nam (Thọ Xuân) cho biết: "Trước tình hình diễn biến của dịch bệnh, hiện nay công ty chúng tôi cũng như nhiều đơn vị lữ hành khác trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. Không có khách, nhưng công ty vẫn phải chi trả lương nhân viên, bảo hiểm, ký quỹ nhằm duy trì hoạt động công ty lên tới cả trăm triệu đồng cùng nhiều loại thuế, phí... Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là, sau dịch Covid-19 hoạt động du lịch dự kiến vẫn sẽ còn gặp nhiều khó khăn, bởi thời gian nghỉ hè năm nay của ngành Giáo dục hầu như không có, thêm vào đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng sẽ bước vào giai đoạn tích cực sản xuất. Theo đó, lượng khách hàng chắc chắn sẽ giảm trầm trọng".

Thực tế đã chứng minh rằng, khi lữ hành gặp khó, khối nhà hàng, khách sạn, khu mua sắm, vui chơi giải trí cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Được biết, tại tất cả các khách sạn lớn trên địa bàn tỉnh như: Mường Thanh, Central, Vinpearl, Palm, Lam Kinh... trong thời gian qua chủ yếu phục vụ khách hàng tổ chức đám cưới. Chính vì vậy, làm sao kích cầu trong thời điểm hiện tại và chống khủng hoảng ngay sau dịch là cả một bài toán khó đối với các doanh nghiệp dịch vụ du lịch.

Chung tay thoát hiểm

Cũng tại Hội nghị Bàn giải pháp khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 đối với du lịch Thanh Hoá, ngoài những đề xuất về hỗ trợ, cơ chế chính sách, các đơn vị cũng thảo luận, đề xuất với tỉnh Thanh Hóa những giải pháp về việc tranh thủ thời gian này tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ, du lịch; thiết kế, hoàn thiện các sản phẩm mới để chuẩn bị sẵn sàng khi tình hình ổn định.

Ông Lê Đức Sinh - Giám đốc Khách sạn Mường Thanh Thanh Hoá, cho rằng: Trong giai đoạn hiện nay việc cần làm của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đó là tiến hành kiện toàn, sắp xếp nhân sự; tập trung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại chỗ; động viên, khuyến khích người lao động chung tay chia sẻ khó khăn, yên tâm công tác. Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sẵn sàng phục vụ du khách khi dịch bệnh đi qua, tránh tình trạng để nhân viên nghỉ việc, khan hiếm nguồn lực chất lượng sau này. Đồng thời xây dựng kế hoạch, nghiên cứu, khai thác, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác; đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất kỹ thuật; làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ... Đặc biệt tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, vận chuyển nhằm tạo thành chuỗi dịch vụ khép kín nhằm cùng nhau cam kết nâng cao chất lượng. Đối với Mường Thanh Thanh Hoá, sẽ giảm giá từ 20% đối với khách đoàn của các đơn vị lữ hành, mặt khác tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị lữ hành kinh doanh hiệu quả.

Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động lữ hành, một số doanh nghiệp cho rằng, Thanh Hoá cần tổ chức công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài tỉnh khi đảm bảo các điều kiện hết dịch, nhằm tạo tâm lý an toàn cho du khách khi chọn Thanh Hóa là điểm đến. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền với thông điệp “Thanh Hóa - điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn”, giới thiệu rộng rãi trên các kênh thông tin về các gói kích cầu du lịch của tỉnh.

Bà Nguyễn Hồng Liên - Đại diện Công ty Cổ phần Dạ Lan (TP Thanh Hoá) cho biết: Trong tình hình hiện nay việc giảm giá chưa phải là phương án tối ưu, mà vấn đề quan trọng là cần khiến cho khách du lịch yên tâm về điểm đến. Theo đó, cần tiếp tục duy trì làm tốt công tác phòng, chống dịch đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người lao động như tiến hành vệ sinh, khử trùng thường xuyên và đẩy mạnh truyền thông an toàn của từng cơ sở, từng điểm đến. Cùng với đó, cần có giải pháp để có sự phối hợp tốt nhất giữa các hãng lữ hành, nhà hàng, khách sạn, hãng vé máy bay để giữ chân du khách trong thị trường chúng ta đang hướng tới.

Hiện nay, đã có nhiều giải pháp nhằm khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh đối với hoạt động du lịch toàn tỉnh, trong đó, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch sẽ phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu, chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy du lịch nội địa. Những thị trường du lịch quốc tế không nằm trong vùng dịch vẫn đang diễn ra tương đối bình thường cần đẩy mạnh hoạt động... Đồng thời đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm mới, tạo thêm các tuyến du lịch “an toàn”. Cùng với đó là việc thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến để “khởi động”, kéo du khách đến Thanh Hoá ngay khi tình hình ổn định.

Chiều ngày 24/2, Sở VH,TT&DL đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa tổ chức Hội nghị bàn giải pháp khắc phục ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Thanh Hóa Vương Thị Hải Yến đề nghị, các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục duy trì làm tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người lao động. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khai thác, mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác; đầu tư nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất kỹ thuật; làm mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ... Đồng thời đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn... thành chuỗi dịch vụ khép kín, nhằm cùng nhau cam kết nâng cao chất lượng, giảm giá tối đa dịch vụ nhằm thu hút khách du lịch.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]